Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

22/05/2020 | 06:59

Những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội cơ bản được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, lành mạnh thu hút người dân tham gia.

Vĩnh Phúc: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức. Năm 2018, Sở đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới nhằm đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, khắc phục tình trạng chen lấn xô đẩy gây phản cảm như: Đề án đổi mới hình thức tổ chức của Lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương) từ hình thức "cướp chiếu" sang "tản chiếu phát lộc"; phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của Lễ hội Cướp phết (xã Bản Giản, huyện Lập Thạch) từ cướp phết sang diễn phết…. Các địa phương đều xây dựng, phê duyệt kịch bản, yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội ký cam kết đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong lễ hội.

Việc chấp hành nếp sống văn minh trong lễ hội của cán bộ, đảng viên thời gian qua đã có chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 được cán bộ, đảng viên và nhân nhân đồng tình ủng hộ. Cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc tham gia lễ hội, không còn tình trạng cán bộ, công chức đi lễ trong giờ hành chính; lợi dụng xe công để tham gia lễ hội.

Công tác tham mưu, ban hành văn bản đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nội dung các văn bản đã chỉ đạo và chấn chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm trước như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, chèo kéo khách, xóc thẻ, cúng thuê... tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành được đề cao, đặc biệt là vai trò của ngành Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường,Y tế, Công Thương, Ngân hàng, tài chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác tuyên truyền giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của di tích, lễ hội được quan tâm, tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội chủ động, tích cực vận động và thuyết phục người dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Việc phân cấp quản lý và tổ chức lễ hội đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Các địa phương đã chủ động kiểm kê, phân loại lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền qua việc tổ chức lễ hội.

Về cơ bản, các lễ hội được tổ chức chặt chẽ, an toàn tiết kiệm, đảm bảo đúng nghi thức, phong tục truyền thống dân tộc; đảm bảo đúng ý nghĩa và vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội; đồng thời, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đã đẩy lùi những tập tục lạc hậu, không đáp ứng với sự phát triển của xã hội như: Mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng, đốt vàng mã và các tệ nạn xã hội xung quanh những lễ hội… thay vào đó là những hoạt động lành mạnh, an toàn, mang đặc sắc của dân tộc, địa phương; hoạt động mang tính đoàn kết, nhân văn được đưa vào lễ hội, góp phần tạo thêm nhiều sắc thái ý nghĩa cho lễ hội; tạo nơi sinh hoạt lành mạnh cho cộng đồng xã hội, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần cho người dân.

Vĩnh Phúc: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội - Ảnh 2.

Lễ hội rước kiệu xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Văn hiến

Quản lý các hoạt động dịch vụ tại lễ hội

Công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động dịch vụ tại lễ hội được chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội quan tâm, chú trọng. Trước mùa lễ hội, các địa phương đều tổ chức quán triệt, yêu cầu các điểm kinh doanh dịch vụ phải cam kết bán hàng tại địa điểm quy định, không chèo kéo khách, không bày bán hàng hóa có tính chất kích động bạo lực, không tổ chức cờ bạc núp bóng các trò chơi dân gian... Dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán thịt động vật hoang dã. Không để các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, "chặt chém" trông giữ xe diễn ra tại di tích và lễ hội.

Hàng năm, Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành với Phòng an ninh văn hóa (PA83) Công an tỉnh và phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra các hoạt động Lễ hội, đặc biệt là các Lễ hội có quy mô lớn, có mật độ du khách đông như: Lễ hội đền Bắc Cung, Lễ hội Đả cầu Cướp Phết xã Bàn Giản huyện Lập Thạch, Lễ hội Đúc Bụt xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Lễ hội Chọi Trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Lễ hội Tây Thiên xã Đại Đình huyện Tam Đảo...

Qua kiểm tra các hoạt động Lễ hội, cơ bản các địa phương đã chấp hành đúng các quy định. Tuy nhiên, trong các hoạt động lễ hội việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu có nơi chưa đúng với quy định, trong hoạt động lễ hội khi không có lực lượng chức năng làm việc hiện tượng xóc thẻ vẫn còn xảy ra. Đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở Ban tổ chức lễ hội thực hiện đúng các quy định trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: Chính quyền các địa phương đã quan tâm tới công tác cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, nơi trông giữ phương tiện giao thông, xây dựng công trình vệ sinh công cộng, bố trí lực lượng thu gom rác thải, vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, thắp hương, đặt lễ đúng nơi quy định. Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn sự trang nghiêm của di tích, lễ hội.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội", Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 0/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2028 của Chính phủ, Quyết định 02/2019/QĐ- UBND về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của Nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội theo sự phân cấp quản lý; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Nâng cao năng lực quản lý về lễ hội thông qua các lớp tập huấn cho các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương và ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Gia Huệ (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×