Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc sát cánh cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp phục hồi du lịch

19/10/2021 | 09:27

Chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã tập trung phân tích, đưa ra các tình huống du lịch theo không gian, thời gian, quy mô với các mức độ khác nhau.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Vĩnh Phúc bắt đầu từ đầu năm 2020 đã làm lượng khách du lịch tới Vĩnh Phúc tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú tại Vĩnh Phúc sụt giảm nhiều. Ngoài thị trường khách Quốc tế bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều thị trường nội địa trọng điểm, truyền thống khác cũng giảm sút mạnh, cụ thể tổng số lượt khách thăm quan du lịch, lưu trú năm 2020 đạt 4.760.000 lượt khách, giảm 30% so với năm 2019, trong đó: Khách du lịch nước ngoài đạt 26.500 lượt khách, khách du lịch trong nước đạt 4.733.500 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 1.255 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2019.

Vĩnh Phúc sát cánh cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp phục hồi du lịch  - Ảnh 1.

Khu du lịchTam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh minh họa - Nguồn: báo Vietnamnet

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Tổng số lượt khách tới tham quan lưu trú tại Vĩnh Phúc đạt 2.020.300 lượt khách, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách nước ngoài đạt 15.950 lượt khách, khách trong nước: 2.004.350 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2021 đạt: 1.253 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (do UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản yêu cầu các chuyên gia đang làm việc trên địa bàn tỉnh ở lại các cơ sở lưu trú tại Vĩnh Phúc để đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19). Công suất sử dụng phòng 9 tháng đầu năm đạt trên 10%.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khách hủy tour (khoảng 95%), hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn, lượng khách mới đặt dịch vụ giảm mạnh. Một số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng như: Flamingo Đại Lải resort giảm 60%; FLC Vĩnh Thịnh resort 65%,…. Một số đơn vị phải đóng cửa tạm ngừng hoạt động khách sạn tại thị trấn Tam Đảo, khách sạn ở khu vực Đại Lải,…. Ngoài các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch đều ghi nhận sụt giảm khoảng 70% công suất so với trước khi dịch xảy ra. 80% lao động tại các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục trở lại.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nhóm chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội…nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để giảm rủi ro, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chưa thực sự hưởng lợi nhiều từ các chính sách đã được ban hành

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Sở đã tập trung phân tích, đưa ra các tình huống du lịch theo không gian, thời gian, quy mô với các mức độ khác nhau kết hợp theo dõi và linh hoạt trong giải quyết các vấn đề phát sinh một cách kịp thời và hiệu quả trong hoạt động du lịch. Đồng thời, tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp thấy rõ đây cũng là cơ hội để nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm và thị trường khách du lịch.

Giải pháp trước mắt và ngắn hạn đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2020 cho hoạt động kinh doanh du lịch; Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới. Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến hết năm 2022. Điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng thay vì 12 tháng ; xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ sau ngày 10/6/2020 thay vì trước ngày 10/6/2020 và cho phép cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng thực hiện trong năm 2022 hoặc đến khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch được triển khai bình thường.

Tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua như: cập nhật chỉ đạo của các cấp, ngành, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và tình hình diễn biến dịch bệnh để triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp; triển khai các biện pháp phòng chống để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân; tăng cường công tác kiểm tra về phòng chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, khu điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin truyền thông…Tiếp tục duy trì 24/24 giờ trả lời nhanh các câu hỏi của du khách và người dân về dịch bệnh Covid-19 thông qua kênh liên kết trực tuyến và gián tiếp.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch trong bối cảnh "binh thường mới, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng tập trung phát triển du lịch nội địa, sẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường .

Nguồn nhân lực du lịch thời gian qua vốn đã thiếu và yếu, khi gặp đại dịch Covid-19 nên ngoài sự sụt giảm mạnh về số lượng còn có sự hao mòn lớn về chất lượng khi kỹ năng nghề nghiệp, tác phong phục vụ không có điều kiện được mài giũa thường xuyên. Cần có đánh giá hiện trạng chuyển đổi công việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi hiệu quả để thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại giúp cho hệ thống du lịch được phục hồi nhanh chóng sau khi dịch được khống chế. Với những nỗ lực kích cầu du lịch cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hy vọng các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và ăn uống của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hoạt động trở lại một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng phục hồi.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×