Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: “Rộng cửa” đón du lịch làng nghề tại Làng văn hóa kiểu mẫu

01/08/2023 | 15:16

Vĩnh Phúc hiện có gần 80 làng nghề, trong đó, nhiều làng nghề đạt chuẩn được công nhận như mộc truyền thống An Tường, mây tre đan Triệu Đề, rèn Lý Nhân… Các làng nghề được phát triển theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp…

Vĩnh Phúc có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời, vượt ra khỏi khuôn khổ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giờ đây, nhiều làng nghề trong tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa cho sản xuất, đồng thời, quan tâm đến việc kết hợp sản xuất kinh doanh với trưng bày, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Nhất là khi Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) của tỉnh đang được các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Đây là cơ hội để "rộng cửa" cho du lịch làng nghề phát triển.

Thu hút du khách nước ngoài

Vĩnh Phúc hiện có gần 80 làng nghề, trong đó, nhiều làng nghề đạt chuẩn được công nhận như mộc truyền thống An Tường, mây tre đan Triệu Đề, rèn Lý Nhân… Các làng nghề được phát triển theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp…

Vĩnh Phúc: “Rộng cửa” đón du lịch làng nghề tại Làng văn hóa kiểu mẫu - Ảnh 1.

Làng nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường thu hút nhiều đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm

Đề án xây dựng LVHKM của tỉnh với các cơ chế hỗ trợ đặc thù, nhất là là cơ chế hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch là cơ hội lớn không chỉ giúp các địa phương gìn giữ, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, mà còn khai thác được tiềm năng du lịch làng nghề của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Được công nhận làng nghề rèn truyền thống từ năm 2006, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) hiện có gần 700 hộ làm nghề. Từ chỗ chỉ làm thủ công, nhưng bằng sự nhanh nhạy với cơ chế thị trường, những năm gần đây, các hộ làm nghề trong thôn đã mạnh dạn đầu tư, đưa máy móc vào sản xuất, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vượt qua không ít thăng trầm, nghề rèn truyền thống hiện đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.500 lao động trong thôn.

Nổi tiếng xa gần với những sản phẩm nông cụ, đồ gia dụng hiếm có vùng nào sánh kịp, làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà nơi đây còn trở thành một địa điểm du lịch làng nghề thu hút đông du khách tới tham quan, khám phá để hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Gần 10 năm trở lại đây, lò rèn theo hình thức thủ công của gia đình ông Vũ Ngọc Bình ở thôn Bàn Mạch thu hút nhiều du khách đến từ các nước Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc… đến tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử hình thành nghề rèn cũng như được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống.

Ông Vũ Ngọc Bình cho biết: “Ban đầu, những sản phẩm do gia đình tôi làm ra cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm được người thân trong gia đình chia sẻ, đăng tải lên mạng internet, các trang Facebook hoặc Zalo cá nhân vì muốn lưu giữ làm kỷ niệm.

Về sau, thông qua các trang mạng xã hội, nhiều công ty lữ hành đã tìm đến và đặt vấn đề muốn đưa du khách đến tham quan lò rèn và cam kết không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, của gia đình.

Tôi nghĩ đây cũng là hoạt động góp phần quảng bá cũng như giúp du khách hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa Việt Nam. Bởi đằng sau mỗi sản phẩm thủ công truyền thống còn là chuyện nghề, chuyện đời và cả sự trăn trở trong chặng đường phát triển”.

Từng đưa nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh, anh Nguyễn Thành Được, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch và trải nghiệm Á Châu (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, mô hình du lịch trải nghiệm tại các làng nghề rất được du khách quốc tế lựa chọn. Vĩnh Phúc có lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có nhiều làng nghề nên trở thành địa điểm lựa chọn lý tưởng cho các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch làng nghề.

Hiện, công ty đang triển khai tour tham quan trải nghiệm tại lò rèn của gia đình ông Vũ Ngọc Bình ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân với khoảng 30-40 du khách/tháng. Để du khách nước ngoài hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng tôi xây dựng kịch bản chi tiết, giới thiệu từng công đoạn chế tạo sản phẩm cũng như hướng dẫn du khách trải nghiệm thực tế ở một số công đoạn. Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn”.

Nâng tầm thương hiệu

Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) Trần Hùng Mạnh cho biết: “Việc xây dựng LVHKM sẽ giúp địa phương khai thác tốt thế mạnh về làng nghề truyền thống, tạo điều kiện cho địa phương phát triển du lịch làng nghề theo đúng định hướng của tỉnh.

Vĩnh Phúc: “Rộng cửa” đón du lịch làng nghề tại Làng văn hóa kiểu mẫu - Ảnh 2.

Nghề rèn Lý Nhân được truyền nối qua nhiều thế hệ, bền bỉ phát triển

Sau khi hoàn thành xây dựng LVHKM, cùng với các thiết chế văn hóa-thể thao được đầu tư bài bản, địa phương sẽ tiến hành xây dựng Nhà thờ tổ nghề rèn. Đây là nơi trưng bày sản phẩm cũng như giúp du khách có được trải nghiệm thực tế quy trình chế tạo ra các sản phẩm truyền thống. Từ đó, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Xây dựng LVHKM trên cơ sở phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương bảo tồn và nâng tầm thương hiệu nghề truyền thống. Đây là hoạt động giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các làng nghề tới du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, tại các địa phương có làng nghề đang triển khai xây dựng LVHKM, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh, huyện để khảo sát, xây dựng phương án, kế hoạch để xây dựng LVHKM đạt hiệu quả thiết thực, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thương hiệu vốn có của mỗi làng nghề.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×