Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch xứng tầm lợi thế
01/04/2024 | 13:53Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cảnh quan đẹp cùng hệ giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Với các giải pháp như tăng tốc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết, hợp tác, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các chính sách ưu đãi đã tạo thuận lợi cho ngành du lịch của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, xứng tầm lợi thế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Phát triển du lịch được xem là quyết sách đúng đắn mang tầm nhìn chiến lược. Trong từng giai đoạn, tỉnh đều xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch với các mục tiêu, các cụm, tuyến, điểm du lịch cụ thể và các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Du lịch của tỉnh được định hướng phát triển theo 3 loại hình chính, gồm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo nhằm khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong năm 2023, ngành Du lịch của tỉnh duy trì tốc độ phát triển ổn định với tổng lượt khách ước đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2022; tổng doanh thu ước đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng; công suất sử dụng phòng đạt từ 40 - 45%.
Tại huyện miền núi Tam Đảo, phát triển du lịch hiện đã trở thành thế mạnh mũi nhọn có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội toàn diện. Để du lịch phát triển, huyện đã xây dựng kế hoạch, các đề án, nghị quyết tạo động lực cho phát triển du lịch.
Khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn huyện, du khách ngày càng hài lòng với các trải nghiệm đa dạng, phong phú, tiện ích và các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Đặc biệt, với tư duy và hướng đi đúng đắn, huyện Tam Đảo cùng các cấp, ngành đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch; chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện theo phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch".
Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, văn hóa của tỉnh và cả nước theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, thời gian tới, huyện Tam Đảo tranh thủ tối ưu các nguồn lực, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên gắn với bảo vệ lâu dài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, nắm bắt cơ hội để đánh thức tiềm năng, tạo đột phá trong quá trình khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch.
Trong quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững, xứng tầm, không chỉ tranh thủ khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Vĩnh Phúc còn tận dụng tối đa thế mạnh trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó, có sản phẩm du lịch thể thao golf. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đang hoạt động hiệu quả là Đầm Vạc, Tam Đảo, Đại Lải và Thanh Lanh.
Những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước với mức chi trả cao cùng các dịch vụ kết hợp như lưu trú, ẩm thực cao cấp. Nhờ đó, phát triển du lịch thể thao golf được xem là giải pháp hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu cho ngành du lịch Vĩnh Phúc.
Năm 2024, Vĩnh Phúc phấu đấu đạt mục tiêu đón hơn 10 triệu lượt du khách, trong đó có 90 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch tiếp tục tăng trưởng. Sở VH-TT&DL đang tích cực tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Đại Lải, Khu du lịch hồ Vân Trục, hồ Làng Hà, hồ Bò Lạc… gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế; tăng tốc chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ.
Nhằm cải thiện môi trường du lịch, tỉnh tiếp tục mở rộng hợp tác công - tư trong tiến trình phát triển, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp không khói gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương hình thành các động lực tăng trưởng, phát huy hiệu quả chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù.
Đây được xem là các giải pháp toàn diện để du lịch Vĩnh Phúc không ngừng cất cánh và phát triển theo phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững" theo đúng tinh thần Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ.