Vĩnh Phúc: Đánh thức tiềm năng du lịch làng nghề
08/01/2024 | 16:59Từ việc phát triển du lịch làng nghề, nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm gần đây, làng nghề rắn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đã không còn là cái tên xa lạ với những ai ưa thích du lịch trải nghiệm. Làng nghề có từ lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Sơn có 600 hộ nuôi rắn, chiếm khoảng 50% số hộ trong xã. Các hộ đầu tư xây dựng chuồng, hang nuôi rắn đảm bảo an toàn; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Ngoài các sản phẩm chính là rắn thương phẩm và rắn sinh sản, các hộ còn phát triển nhiều sản phẩm từ rắn như rượu rắn, cao rắn dùng để chữa bệnh đau xương khớp; nọc rắn dùng trong sản xuất dược phẩm; da rắn làm đồ mỹ nghệ; mật rắn dùng để chữa bệnh hen, tiêu hóa… Năm 2021, sản phẩm cao rắn gia truyền của hộ sản xuất Nguyễn Tiến Sỹ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hạ Văn Hùng cho biết: "Ngoài việc phát triển nghề truyền thống, UBND xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển du lịch làng nghề bằng việc liên kết với các đơn vị lữ hành trong tỉnh thông qua Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn, đưa các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm làng nghề rắn Vĩnh Sơn.
Du khách tới đây được tham quan khu chăn nuôi, tìm hiểu quy trình chăn nuôi rắn, thưởng thức các món ăn ngon chế biến từ rắn, mua các sản phẩm chế biến từ rắn để sử dụng hoặc làm quà tặng. Trung bình, mỗi tháng, địa phương đón khoảng 100 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Các sản phẩm của làng nghề rắn được trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, địa phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng khu làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn tập trung với diện tích hơn 20 ha, gồm khu chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn, khu dịch vụ du lịch (chợ) để tham quan, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm chế biến từ rắn… Khu làng nghề chăn nuôi, chế biến rắn tập trung được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy làng nghề rắn ngày càng phát triển".
Tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có của làng nghề rèn truyền thống, những năm gần đây, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã Lý Nhân đã liên kết với FLC Vĩnh Thịnh Hotel&Resort, hằng tháng đưa du khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn đến tham quan làng nghề rèn thôn Bàn Mạch. Tại đây, du khách được tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm như dao, kéo, búa…; tự tay thực hiện một số công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất như đe, mài…; tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề rèn; mua các sản phẩm của làng nghề về sử dụng hoặc làm quà tặng.
Là một trong số các hộ dân nhiều lần đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm làng nghề rèn Bàn Mạch, anh Vũ Đức Thắng cho biết: "Du khách tới đây thường tỏ ra thích thú khi được tự tay thực hiện một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề và tìm hiểu về về lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống. Chúng tôi tích cực giới thiệu tới du khách về làng nghề và các sản phẩm của làng nghề để ngày càng có nhiều người biết đến".
Mặc dù các giá trị truyền thống của làng nghề đã được đưa vào khai thác để phát triển du lịch, bước đầu mang lại kết quả tích cực, song việc khai thác chưa thực sự bài bản, hiệu quả. Lượng khách tham quan các làng nghề còn khiêm tốn, chủ yếu là du khách nước ngoài, chưa thu hút được du khách trong nước. Các hoạt động tham quan, trải nghiệm chưa phong phú, đa dạng.
Nhằm thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển, năm 2023, nhiều địa phương có các làng nghề truyền thống đã được tỉnh lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Làng nghề rèn Bàn Mạch được đầu tư xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề rèn và nhà thờ Tổ nghề rèn với diện tích hơn 500 m2. Sau khi hoàn thành công trình, địa phương xây dựng các gian trưng bày sản phẩm của làng nghề; giới thiệu các phương pháp sản xuất nghề rèn từ thủ công đến hiện đại, quá trình hình thành, phát triển của làng nghề...
Cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, chăn nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với làng nghề để thu hút khách du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán, lễ hội... của làng nghề gắn phát triển du lịch.
Theo Báo Vĩnh Phúc