Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Phúc: Các địa phương đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

23/08/2024 | 15:32

Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Vĩnh Phúc: Các địa phương đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh - Ảnh 1.

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, đường làng, ngõ xóm thị trấn Yên Lạc luôn được Nhân dân duy trì, giữ vững xanh - sạch - đẹp

Không chỉ nâng cao đời sống vật chất của người dân, những năm gần đây, huyện Yên Lạc luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân các địa phương. Để khơi dậy tinh thần trách nhiệm và ý thức người dân, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân nắm bắt kịp thời và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, huyện còn chỉ đạo các phòng, ban liên quan hướng dẫn cơ sở, Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh từ những việc làm cụ thể, như: Vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường; đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa; đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế… Trong đó, hoạt động thể dục, thể thao tại các khu dân cư trong huyện ngày càng phát triển, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, hưởng ứng; nhiều năm gần đây, Yên Lạc luôn là một trong những địa phương đứng đầu của tỉnh về phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao của tỉnh. Toàn huyện hiện có 9 chiếu chèo; 10 câu lạc bộ thơ; 121 câu lạc bộ thể dục, thể thao; 126 câu lạc bộ gia đình văn hóa; 60 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định; 133/154 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao đủ diện tích theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025; 70% người dân trong huyện thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao.

Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, Nhân dân các địa phương trong huyện luôn thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ cũng như các quy định của địa phương. Trong việc cưới, 100% các cặp đôi tổ chức đám cưới theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; nhiều đám cưới đã hạn chế số lượng khách mời, không phô trương, lãng phí; tình trạng tiếp khách bằng thuốc lá, rượu, bia giảm; việc tổ chức tiệc cưới tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được đa số Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong việc tang, nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Đặc biệt, tập tục địa táng người quá cố đã giảm dần, thay vào đó là hình thức hỏa táng. Năm 2023, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện đạt 79%, một số xã, thị trấn có tỷ lệ thực hiện hỏa táng cao như: Yên Đồng, Nguyệt Đức, Văn Tiến, Trung Nguyên, Tề Lỗ, Tam Hồng... Cùng với đó, các lễ hội được tổ chức theo quy chế bảo đảm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân; việc khao thọ, mời khách ăn uống linh đình cơ bản được khắc phục.

Công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến nay, 100% trạm y tế xã, 100% cơ quan, trường học đã có khuôn viên cảnh quan đạt tiêu chí nông thôn mới. Phong trào bảo vệ cây xanh nơi công cộng và khuyến khích mọi người, mọi nhà, cơ quan trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh được nhân rộng và được toàn xã hội đồng tình hưởng ứng. Hầu hết các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đều chú trọng việc thực hiện các quy định về văn minh thương mại, không lấn chiếm, cơi nới, làm mái che, mái vảy, không lắp đặt biển quảng cáo sai quy định; không bày bán hàng hóa trên vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan, vi phạm trật tự đô thị… Hết năm 2023, toàn huyện có gần 95% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 100% thôn, tổ dân phố văn hóa; hơn 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Còn với huyện Vĩnh Tường, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa mới ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, 95% đám cưới, đám tang trên địa bàn huyện được tổ chức theo nếp sống văn minh; hơn 78% số người qua đời được hỏa táng; hơn 93% hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình văn hóa; 98% số làng, thôn, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa; hơn 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở… Đến nay, hầu hết các đám cưới được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Chuyển biến tích cực và rõ nét nhất trong việc tang là số gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng người quá cố trước khi an táng ngày càng tăng; nhiều xã có gần 100% người qua đời được đưa đi hỏa táng như: Vũ Di, Tân Phú, Tuân Chính, Cao Đại, An Tường... Các hủ tục lạc hậu cơ bản được loại bỏ; việc chôn cất, cải táng, xây mộ thực hiện theo đúng quy hoạch nghĩa trang Nhân dân và tiết kiệm quỹ đất; việc mừng thọ được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không phô trương gây lãng phí.

Không chỉ ở Vĩnh Tường, Yên Lạc, đến nay, các địa phương trong tỉnh ngày càng ý thức cao trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Nhiều địa phương đã đưa những nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, nội quy của cơ quan, đơn vị nhằm phát huy ý thức tự giác của người dân trong việc thực hiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; quy chế, nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hiện hiệu quả bình xét các danh hiệu văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh và các phong trào thi đua tại địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại các khu dân cư, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tập trung chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện tốt hương ước, quy ước; vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân trong xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị, lồng ghép nội dung vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; khơi dậy trong Nhân dân tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Theo Cổng TTĐT Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×