Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Thành tựu sau 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa

21/09/2022 | 13:30

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Qua thời gian thực thi Luật Di sản văn hóa có một số hạn chế, bất cập nhưng cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ đông đảo của Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch,…tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế -xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Vĩnh Long: Thành tựu sau 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa - Ảnh 1.

Tượng thần Vishnu (được công nhận bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg,ngày 24/12/2018) Ảnh: Dương Minh Hạnh (chụp tại Bảo tàng ngày 26/4/2017)

Theo số liệu từ nguồn báo cáo tại Hội nghị - Hội thảo tổng kết Luật Di sản văn hóa ngày 12/01/2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Với những thành tựu đáng ghi nhận: cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 07 di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thế giới, 04 di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập). Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật. Đến nay, có 238 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt,  trong đó 153 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy.

Riêng đối với tỉnh Vĩnh Long, hiện có 65 di tích được xếp hạng, trong đó 11 di tích cấp Quốc gia và 54 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo vệ di vật, cổ vật được chú trọng, có trên 10.000 di vật, cổ vật ở các di tích đã được lập danh mục và hướng dẫn bảo quản. Bảo tàng Vĩnh Long lưu giữ trên 27.000 tư liệu, hiện vật. Trong đó, có 01 hiện vật là Tượng thần Vishnu được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, có 02 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó là: Lễ hội truyền thống Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và Nghề làm tàu hủ ky.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh, cụ thể hóa những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa./.

Theo vinhlong.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×