Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vĩnh Long: Du lịch với những tác động trong bối cảnh dịch bệnh và một số giải pháp phục hồi

13/08/2021 | 08:08

Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch toàn cầu. Nó nhanh chóng “đóng băng” và ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành du lịch, trong đó du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng không nằm ngoài tầm bị ảnh hưởng.

Điểm lại những con số buồn mà du lịch tỉnh Vĩnh Long gặp phải từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tính cả năm 2020, tổng lượt khách du lịch tới tỉnh chỉ đạt 665.000 lượt, giảm 55,5% so với năm 2019; doanh thu đạt 190 tỷ đồng, giảm 335 tỷ đồng so với cùng kỳ. Một số cơ sở du lịch trong tỉnh đã phải ngưng hoạt động. Đội ngũ lao động của ngành cũng có sự biến động lớn do ảnh hưởng dịch, nhiều lao động phải tạm ngưng công việc, nghỉ không hưởng lương trong thời gian giãn cách, một số đã phải chuyển sang các ngành nghề khác mưu sinh - tỷ lệ này chiếm trên 30%.

Vĩnh Long: Du lịch với những tác động trong bối cảnh dịch bệnh và một số giải pháp phục hồi - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên du lịch – một trong các đối tượng được xem xét hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ phê duyệt)

Trải qua các đợt dịch của năm 2020, tưởng chừng dịch bệnh trong nước đã có thể ổn định và được kiểm soát tốt, ngành du lịch Vĩnh Long cũng như các địa phương khác trong cả nước nhanh chóng thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp kích cầu du lịch, nhanh chóng bắt tay và liên kết với nhau để xây dựng lại tour, tuyến trong cụm, khối liên kết nhằm sớm phục hồi nguồn doanh thu, lượng khách trước khi dịch bệnh xảy ra.

Xác định khách du lịch nội địa vẫn là đối tượng có thể tập trung khai thác ngay vì trong khi dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khách quốc tế khó có thể sớm quay trở lại với du lịch Việt Nam cũng như loại hình du lịch “Tây ở nhà ta” của Vĩnh Long. Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động được xem là động lực quan trọng, một giải pháp trọng tâm mà Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh, thành tập trung thực hiện để khôi phục thị trường du lịch khách nội địa. Các cơ quan chuyên môn về quản lý du lịch của tỉnh đã tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở du lịch thông qua việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên các trang thông tin điện tử, tranh thủ các trang mạng xã hội; hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu phục vụ cho du khách tại các cơ sở; nắm tâm tư nguyện vọng của các cơ sở kinh doanh để đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; phối hợp ngành điện cung cấp danh sách để chủ các cơ sở nhận gói hỗ trợ giảm giá điện do Chính phủ phê duyệt,... Bên cạnh đó, các cơ sở du lịch cũng hưởng ứng tích cực chương trình trên, mọi người quan tâm chỉnh chu lại các sản phẩm hiện có của cơ sở, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, mạnh dạn xây dựng các sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi thu hút,…để kêu gọi du khách quay trở lại với du lịch Vĩnh Long.

Vĩnh Long: Du lịch với những tác động trong bối cảnh dịch bệnh và một số giải pháp phục hồi - Ảnh 2.

Khách du lịch đến Khu du lịch Bến Thành Vinh Sang những tháng đầu năm 2021

Mặc dù có những lúc bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát, nhưng nhìn chung, kết quả bước đầu lượng khách du lịch và doanh thu du lịch của tỉnh đã trên đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2021. Trong quý I/2021, lượng khách và doanh thu tăng trung bình hàng tháng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc, đáng phấn khởi cho toàn ngành tiếp tục phấn đấu trong thời gian tiếp theo. Điều này cũng khẳng định, việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế ngành du lịch. Nó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lao động nhất định. Mặc dù sự phục hồi này có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn ngành du lịch nhưng nó có thể giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới các doanh nghiệp.

Niềm vui toàn ngành chưa được bao lâu thì làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 ập đến. Trong khi vết thương chưa hồi phục do 3 lần tác động của dịch trước đây, đến lần thứ tư này được xem như một cú đánh muốn hạ knock-out ngành du lịch. Đợt dịch thứ tư này đã khiến các cơ sở du lịch rơi vào tình thế điêu đứng hơn do đa phần các cơ sở cả lữ hành, lưu trú, phương tiện vận chuyển,… đã có sự đầu tư chi phí cho cơ sở vật chất, công tác quảng bá, nhân sự phục vụ... trước đó nhằm chuẩn bị cho công tác phục vụ du khách trong những đợt du lịch trọng điểm, đặc biệt là 03 tháng hè năm 2021 này, cùng với đó là chi phí thuê mặt bằng, văn phòng, chi phí hỗ trợ hoãn, hủy tour,... Từ những ảnh hưởng trên, hoạt động du lịch của địa phương lại quay trở về giai đoạn trước, lượng khách và doanh thu du lịch bình quân bị giảm sút mạnh trong quý II/2021 và ảnh hưởng bình quân 06 tháng đầu năm, trong đó lượng khách đến giai đoạn hiện tại chưa đạt đến 50% chỉ tiêu năm 2021. Một thực tế mà cả ngành phải đối mặt là nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài thì xem như những tác động xấu từ dịch sẽ ảnh hưởng toàn ngành cho đến cuối năm. Đây là điều đáng lo ngại cho chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực ngành; sự phục hồi trở lại của ngành du lịch.

Trong bối cảnh tác động nặng nề của đợt dịch lần thứ tư này, chắc chắn một lần nữa nhiều lao động lĩnh vực ngành sẽ phải ngưng việc hoặc chuyển sang lĩnh vực khác để mưu sinh; một số cơ sở không trụ được phải tạm ngưng hoạt động do không còn nguồn vốn; cơ sở vật chất các khu điểm, tàu thuyền xuống cấp nhưng sẽ khó khăn trong kinh phí sửa chữa sau dịch, đời sống người lao động sẽ vất vả,… nhiều vấn đề nan giải  đặt ra mà bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương thì ngành du lịch của tỉnh phải đối mặt và tham mưu, có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn, sớm hỗ trợ cho các cơ sở phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung thực hiện các vấn đề sau:

Thứ nhất, các ngành chuyên môn của tỉnh cần tập trung tham mưu tốt việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch nói riêng cũng như các lĩnh vực ngành khác nói chung thông qua xem xét triển khai gấp gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; triển khai ngay Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch khi ban hành chính thức với nội dung cho cơ sở lữ hành rút bớt tiền ký quỹ từ Ngân hàng để trang trải khó khăn giai đoạn này. Việc triển khai sớm các gói hỗ trợ trên  thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tạo động lực cho các cơ sở vượt qua khó khăn, sớm phuc hồi.

Thứ hai, cần đẩy nhanh kế hoạch triển khai thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Vĩnh Long theo kế hoạch đã phê duyệt. Đây là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng chống dịch bệnh và tạo điều kiện bình thường mới cho phát triển kinh tế xã hội, tạo đà cho việc phục hồi và phát triển lĩnh vực ngành trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng.

Thứ ba, cần có các gói hỗ trợ, cho vay lãi suất thấp đối với các cơ sở kinh doanh nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng không nằm trong diện hỗ trợ gói cho vay lãi suất 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP quy định (do có một số điều kiện khó để đạt), để qua đó các cơ sở có được nguồn vốn tái đầu tư kinh doanh sau dịch, nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ lao động tại cơ sở.

Thứ tư, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sau dịch, thông tin kịp thời bằng nhiều hình thức về điểm đến du lịch Vĩnh Long an toàn (trên các công cụ, phương tiện truyền thông, mạng xã hội) để trấn an tâm lý du khách, tiếp tục với thông điệp “Du lịch Vĩnh Long - an toàn – thân thiện - hấp dẫn”, qua đó giúp du khách sớm trở lại với du lịch của địa phương.

Thứ năm, vận động các cơ sở du lịch ổn định lại hoạt động kinh doanh sau dịch, quan tâm chỉnh trang lại cơ sở, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và điểm đến, có các hoạt động kích cầu thu hút hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Người Vĩnh Long đi du lịch Vĩnh Long” trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút khách nội địa (trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể quay trở lại), trước hết là các sở, ban ngành tỉnh, các địa phương và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Các cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch vì để củng cố lại đội ngũ sau khi một lượng lớn lao động của ngành bị biến động trong thời gian dịch diễn ra.

Thứ sáu, dự báo và tính toán thời điểm thích hợp để triển khai các chương trình sự kiện, các hoạt động thu hút khách du lịch, nhằm kích cầu tạo đà cho lượng khách quay trở lại dịp lễ cuối quý 4/2021 (nếu dịch được kiểm soát), dịp mừng Đảng, mừng Xuân năm 2022. Tận dụng cơ hội liên kết, hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng xây dựng lại các tour, tuyến liên kết để góp phần phục hồi lượng khách trở lại tỉnh.

Hy vọng với sự phối hợp nhiều giải pháp thiết thực trên, sự quyết tâm của toàn ngành, sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Du lịch Vĩnh Long sẽ sớm phục hồi và phát triển ổn định trở lại trong thời gian sớm nhất./.

Theo vinhlongtourist.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×