Vĩnh Long: Cần giữ di sản "lò nung gạch"
31/10/2022 | 08:12Một trong những đề án du lịch trọng điểm mà tỉnh Vĩnh Long hướng tới để tạo sản phẩm du lịch đặc thù “độc nhất vô nhị” của Việt Nam là Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Những bước đầu cần tiến hành để triển khai đề án là kịp thời có chính sách hỗ trợ giữ gìn các lò nung gạch truyền thống, sớm thực hiện quy hoạch của đề án đưa vào quy hoạch chung của Mang Thít, đồng thời sớm thực hiện việc cắm mốc phạm vi quy hoạch để có giải pháp gìn giữ, bảo vệ những lò gạch.
Kịp thời có chính sách hỗ trợ
Mang Thít là một trong số ít địa phương trong cả nước cho tới nay còn lưu giữ được khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo về sản xuất gạch, gốm. Nghề sản xuất gạch, gốm dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”, sản xuất hàng ngàn mẫu mã sản phẩm gốm đạt chất lượng tốt, tiêu thụ ở khắp các nước trên thế giới, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nghề này đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dẫn đến nguy cơ bị mai một và có thể sẽ không còn nữa. Trên thực tế, do những tác động đến môi trường được đánh giá không tích cực, Trung ương và địa phương đã có chính sách hỗ trợ phá dỡ các lò gạch để chuyển đổi sang hình thức kinh tế khác cho người dân. Trong vòng 10 năm qua, có trên 1.250 lò gạch, gốm đã bị phá dỡ, số lò còn lại cũng đang bị hư hỏng và đang đứng trước nguy cơ bị phá dỡ toàn bộ trong thời gian tới.
Ngày 20/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3502/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương. Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha.
Trong tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND quy định chính sách bảo tồn gạch, gốm thuộc Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt đã nêu rõ, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp để bảo tồn và phát huy khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống tại thời điểm hiện nay là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Để làm được điều này cần phải có chính sách hỗ trợ cho cơ sở sản xuất gạch, gốm. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc đề án là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Để người dân góp sức bảo vệ di sản
Ông Huỳnh Hữu Đức (xã Mỹ Phước) có hơn 60 năm gắn bó với làng gạch, gốm và chứng kiến cả quá trình phát triển “thịnh suy” của làng nghề. Ông chia sẻ: “Hiện nay thì làng nghề đang lâm vào thế khó, đi đoạn đường 2km lò gạch san sát nhưng chỉ có vài lò lên khói, vì sản phẩm làm ra hiện nay giá thành ngày càng cao do giá trấu cao, gạch mộc ngày càng khan hiếm. Tôi là người ở địa phương sống từ nhỏ đến lớn nên khi nghe triển khai đề án thì rất mê, cũng mong dự án sẽ hoàn thành, có nhiều người đến tìm hiểu đầu tư và quê hương mình ngày càng phát triển hơn nữa”.
Theo ông Võ Thanh Tú - Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, trong 3 năm trở lại đây, số lượng lò nung gạch truyền thống giảm rõ rệt. Gạch vỏ lò có màu sắc, cấu trúc đặc biệt nên có một số địa phương ở miền Bắc đến để mua lại khi chủ cơ sở phá dỡ lò gạch. “Chứng kiến từng lò gạch dỡ bỏ, chính quyền địa phương rất trăn trở và mong muốn tỉnh sớm ban hành quy hoạch cắm mốc, xác định rõ vùng lõi và vùng đệm di sản để có biện pháp bảo vệ nhanh chóng. Người dân ở xã đã có những bước chuẩn bị như giữ gìn dụng cụ làm gạch, gốm từ ngày xưa để lại, trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân hiện nay là cần có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế; nhất là ngành nghề gì bổ trợ cho ngành du lịch. Địa phương rất trông mong triển khai đề án, người dân 4 xã cùng góp sức và kinh tế Mang Thít sẽ nâng lên tầm cao mới” - ông Võ Thanh Tú cho biết.
Vừa qua, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế các lò gạch gốm thuộc khu vực Di sản đương đại Mang Thít để làm cơ sở thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch gốm thuộc Đề án Di sản đương đại Mang Thít tỉnh Vĩnh Long, trình tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh vào cuối năm 2022.
Sau chuyến khảo sát thực tế tại vùng lõi kênh Thầy Cai và những khu vực vùng di sản, bà Lê Thị Thúy Kiều - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, địa phương cần phải nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân ở làng gạch, gốm. Nắm rõ tình trạng mua bán, sang nhượng, phá dỡ những lò gạch. Bên cạnh đó, nắm rõ có bao nhiêu hộ đồng tình cùng thực hiện đề án. Hiểu rõ điều kiện kinh tế, thống kê bao nhiêu nhân khẩu ở độ tuổi lao động… để quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Mục tiêu cuối cùng là để người dân cùng tham gia, vì lợi ích người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo khoa học gồm khách mời trong nước và quốc tế. Những vị chuyên gia sẽ góp ý nhiều nội dung trong đề án, trong đó có quy hoạch đề án, sau đó tỉnh sớm thực hiện việc cắm mốc phạm vi quy hoạch để có giải pháp gìn giữ, bảo vệ những lò gạch kịp thời. Về chính sách hỗ trợ giữ gìn các lò nung gạch truyền thống, Sở VHTTDL đã phối hợp với Sở Công Thương xây dựng dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc đề án, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp cuối năm 2022. Chính sách này là cơ sở pháp lý để khuyến khích các hộ gia đình gìn giữ các lò gạch, lò gốm, góp phần bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít, tạo điều kiện phát triển du lịch Vĩnh Long.
Qua khảo sát, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long ghi nhận thực trạng, những khó khăn thực tại và những mong muốn của người dân, kiến nghị của địa phương. Đồng thời yêu cầu các địa phương kết hợp với ngành chức năng phải khẩn trương thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch đất và quy hoạch chi tiết. Quan tâm quy hoạch giao thông nông thôn và các công trình công cộng kèm theo. Tăng cường tuyên truyền lợi ích của dự án để vận động người dân giữ lại các lò gạch, tiếp tục duy trì sản xuất.