Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
15/03/2021 | 10:07Di tích lịch sử văn hóa nói dung, di tích cấp tỉnh nói riêng là tài sản quý giá của dân tộc ta, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và góp phần vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia đối với thế giới. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng.
Vĩnh Long có gần 700 di tích phổ thông, trong đó có 50 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di lích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng đạt được nhiều thành quả tích cực.
Theo đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, giá trị của di tích trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết, trân trọng, giữ gìn di tích.
Trong công tác quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban Quản lý di tích tại 40 di tích cấp tỉnh; các di tích còn lại đã tự thành lập Ban Cai quản để quản lý. Ngoài ra, các di tích đều xây dựng quy chế hoạt động, công tác bảo vệ, cử người trực tại di tích cũng được quan tâm, nhiều di tích đã có các bảng giới thiệu khái quát, biên soạn tờ gấp giới thiệu di tích.Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác quản lý cấp cơ sở; Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện; Ban quản lý di tích cấp tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa được cũng được chú trọng, duy trì, thực hiện thường xuyên nhằm giúp cho người làm công tác này đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, khai thác hiệu quả, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều phối hợp các ngành, địa phương, Ban Quản lý di tích chưa được xếp hạng khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạngbảo đảm đúng quy trình, quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ VHTTDL.
Giai đoạn 2017-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng 09 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.Năm 2021, ngành văn hóa tiếp tục lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 04 di tích cấp tỉnh.
Cùng với việc lập hồ sơ xếp hạng,công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng được quan tâm, thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, qua đó góp phần lưu giữ được nét văn hóa, kiến trúc lâu đời của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao của người dân, giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã trùng tu, tôn tạo 30 di tích cấp tỉnh. Công tác tổ chức lễ hội được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các di tích lịch sử cấp tỉnh phục dựng, giữ gìn, tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thốngnhư: Lễ Thượng Điền, Hạ Điền,… đúng quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Các lễ hội đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước.
Ngoài ra, công tác xã hội hóa để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích được chú trọng. Các xã, phường, Ban Quản lý di tích cấp tỉnhhằng năm tích cực vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, nhân dân ủng hộ công sức, tiền của để bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa địa phương.
Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích cấp tỉnh nói riêng vào khai thác phục vụ khách du lịch, định hướng của tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch "Du lịch sông nước miệt vườn, du lịch homestay gắn với tìm hiểu danh nhân tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng".Để đạt hiệu quả cao trong việc khai thác các giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đưa các di tích này vào các tour, tuyến du lịch. Theo đó, hằng năm, các di tích đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử các di tích,…
Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục xây dựng kế hoạch liên ngành "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Hiện nay, 50 di tích cấp tỉnh đều có các trường học trên địa bàn đăng ký chăm sóc di tích. Định kỳ, các giáo viên đưa học sinh đến quét dọn kết hợp với nói chuyện, sinh hoạt tìm hiểu về di tich lịch sử địa phương. Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu về lịch sử vùng đất, truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các em, giáo dục các em ý thức được giá trị của các di tích lịch sử văn hóa để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như các di tích thiếu nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo; Thiếu lực lượng kế thừa, am hiểu kiến thức về di tích; Các di tích nguồn kinh phí để trả lương cho người trông giữ còn hạn chế.Ngoài ra, công tác vận động xã hội hóa để người dân đầu tư, đóng góp tiền, công sức phát triển di tích thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao,...
Để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước về di tích nói chung, cấp tỉnh nói riêng đến người dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị di tích.
Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích và các Ban Quản lý di tích cấp tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ, không những đảm bảo an ninh trật tự, mà còn chú trọng đến công tác chăm sóc thường xuyên đến khuôn viên di tích đảm bảo không để xảy ra tình trạng xâm hại đến di tích.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích cấp tỉnh xây dựng nội quy, quy chế tham quan, du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân; Tổ chức hướng dẫn các hoạt động phục vụ tham quan du lịch, lễ hội truyền thống theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân tham gia đóng góp vật chất, sức lao động, trí tuệ,… để cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Đặc biệt, trong công tác bảo tồn, khai thác di tích phải luôn đặt tiêu chí giữ gìn cái gốc, cái nguyên bản là mục tiêu hàng đầu và mang tính bắt buộc. Trong quá trình khai thác không làm mất đi, không làm sai lệch những giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của di tích nhằm mục đích bảo tồn vốn giá trị gốc của di tích. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài các giá trị di tích cấp tỉnh, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong nhân dân.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích cần chú ý cảnh quan, giữ gìn giá trị di tích gốc; Chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích chú ý việc đưa các loại đồ cúng tiến, tượng, di vật ngoại lai, xa lạ với di tích vào khuôn viên di tích, không đúng với di tích làm mất giá trị di tích, vi pháp pháp luật. Ngoài ra,các Ban quản lý di tích tìm hiểu, nghiên cứu văn bản quản lý di tích; phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong tham gia cùng Ban quản lý di tích để quản lý và tổ chức hoạt động; tiếp tục quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích,…