Việt Nam trúng cử vào Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 nhiệm kỳ 2021 - 2025 của UNESCO
07/06/2021 | 09:32Các quốc gia thành viên UNESCO tin tưởng, việc trúng cử vào Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 nhiệm kỳ 2021 - 2025 của UNESCO, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp nổi bật vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá.
Việt Nam và Bangladesh (hai đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương) vừa trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (Công ước 2005) nhiệm kỳ 2021-2025.
Công ước UNESCO về Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thông qua vào ngày 20/10/2005. Theo UNESCO, 75% mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới đều liên quan đến văn hóa.
Bởi vậy, thu hẹp khoảng cách khác biệt trong văn hóa là việc làm cấp thiết vì sự an toàn, hòa bình và phát triển. Đa dạng văn hóa là động lực mạnh mẽ của sự phát triển, không chỉ liên quan tới tăng trưởng kinh tế, mà còn để có được một cuộc sống hoàn thiện hơn về mặt trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần.
Công ước 2005 được soạn thảo và đưa vào thực thi với mục đích bảo vệ và phát huy sự đa dạng trong các Biểu đạt văn hóa khi quy mô toàn cầu hóa ngày càng mở rộng.
Trong bối cảnh đó, thay vì tồn tại và duy trì một cách tự nhiên, hay có thể bị tác động bởi các lĩnh vực khác thì các hoạt động văn hóa, văn hóa phẩm… cần có những căn cứ pháp lý để được bảo vệ và phát triển.
Việt Nam là một trong những nước nỗ lực tham gia vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn Công ước. Đặc biệt, sau khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ 2011-2015. Việt Nam cũng được đánh giá là thành viên có trách nhiệm của UNESCO và có đóng góp thiết thực trong công việc của tổ chức.
Theo thông tin từ Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Ủy ban sẽ họp hàng năm để đảm bảo việc thực hiện Công ước luôn phù hợp trong một thế giới không ngừng phát triển.
Hiện các quốc gia thành viên UNESCO tin tưởng Viêt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp nổi bật vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá.