Việt Nam tham dự Liên hoan phim thực tế quốc tế tại Pháp
31/03/2023 | 15:33Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Liên hoan phim thực tế quốc tế 2023 đang diễn ra tại thủ đô Paris từ ngày 24/3 - 2/4, công chúng Pháp có dịp được xem 20 bộ phim tài liệu do các đạo diễn trẻ Việt Nam thực hiện và được trình chiếu trong một chương trình đặc biệt mang chủ đề “Cuộc phiêu lưu của Varan Vietnam”.
“Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, “Ước mơ làm công nhân” của Trần Phương Thảo, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của Nguyễn Thị Thắm..., là 3 trong số 20 bộ phim tài liệu được trình chiếu trong “Cuộc phiêu lưu của Varan Vietnam”. Những tác phẩm này được thực hiện trong khuôn khổ các khóa đào tạo về làm phim tài liệu do trại sáng tác Varan Vietnam tổ chức từ năm 2004.
Bằng phong cách làm phim hiện đại với trải nghiệm của điện ảnh trực tiếp, âm thanh đồng bộ và hạn chế đến mức tối đa lời bình, các phim tài liệu được dẫn dắt bằng chính những hình ảnh và lời nói trực tiếp của nhân vật trong phim, từ đó cuốn hút khán giả bằng sự đồng cảm với các nhân vật trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Đề tài các cuốn phim phản ánh cuộc sống và những tâm tư tình cảm đa dạng của các cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thuộc nhiều thành phần, hoặc ở thành thị, hoặc ở nông thôn, trong một xã hội Việt Nam mở cửa và phát triển nhanh chóng. Với những chiếc máy quay kỹ thuật số, các nhà làm phim trẻ mong muốn nói lên khát vọng vươn lên trong cuộc sống của những người dân Việt Nam bình dị.
Sau mỗi buổi trình chiếu, 6 đạo diễn, nhà sản xuất và dựng phim của Varan Vietnam là Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Phạm Thị Hảo, Swann Dubus, Hà Lệ Diễm và Nguyễn Ngọc Thảo Ly đã có những buổi tọa đàm, gặp gỡ công chúng để trao đổi về mục đích cũng như trải nghiệm của họ trong quá trình học tập và làm những thước phim tài liệu đầy tính nhân văn.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, chị Katya Laraison, đại diện Ban tổ chức Liên hoan phim thực tế quốc tế 2023 cho biết trong mùa liên hoan lần thứ 45 năm nay tại Paris, Ban tổ chức đã quyết định xây dựng chương trình “Cuộc phiêu lưu của Varan Vietnam” nhằm tri ân cố đạo diễn André Van In, người đã khởi xướng các khóa đào tạo nói trên ở Việt Nam và cũng để tôn vinh các nhà làm phim trẻ tài năng đến từ đất nước này.
Về phía đại diện Ateliers Varan, bà Chantal Roussel cho biết trung tâm đào tạo điện ảnh trực tiếp Varan do ông Jean Rouch thành lập năm 1978 với mục tiêu đào tạo các nhà làm phim trẻ tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 2004, một nhóm giảng viên do André Van In đứng đầu đã đến Việt Nam tổ chức khóa đào tạo đầu tiên tại Hà Nội nhằm giúp các bạn trẻ làm những thước phim tài liệu phản ánh thực tế cuộc sống với góc nhìn của chính họ. Kể từ đó đến nay, 9 khóa học đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Ateliers Varan, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. Vào năm 2012, một số học viên đã thành lập công ty sản xuất của riêng họ mang tên Varan Vietnam và từ năm 2016 bắt đầu đào tạo các bạn trẻ khác. Một số phim do họ sản xuất đã tham gia nhiều liên hoan phim, trong đó gần đây nhất là phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ người Tày Hà Lệ Diễm.
Bà Chantal Roussel chia sẻ: “Đây mà một trong những trại sáng tác thành công nhất của ông André Van In, người mới mất cách đây mấy tháng. Ông ấy đã rất ấn tượng về nghị lực vươn lên của các bạn trẻ, những người đã tiếp tục công việc đào tạo của ông tại Việt Nam”.
Đạo diễn Trần Phương Thảo, một trong những sáng lập viên của Varan Vietnam, đã bày tỏ niềm vinh dự khi ban tổ chức Liên hoan phim thực tế dành hẳn một chương trình đặc biệt với 10 buổi chiếu khác nhau, để giới thiệu các sản phẩm của trại sáng tác Varan Vietnam từ năm 2004 đến nay. Đạo diễn Trần Phương Thảo coi đây là dịp tốt để chia sẻ kết quả hợp tác giữa Atelier Varan chuyên về đào tạo điện ảnh tài liệu trực tiếp và các nhà làm phim tài liệu Việt Nam.
Nói về thành công của mình, đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm cho biết nhờ có sự hỗ trợ của Varan Vietnam, cô đã hoàn thành phim tài liệu thực tế đầu tay “Những đứa trẻ trong sương”. Phim mô tả cuộc sống của cô bé tên Di, người H’Mông sống tại Sapa (tỉnh Lào Cai), từ những ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, đến khoảnh khắc em trở thành thiếu nữ. Bộ phim phản ánh sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội khi đối diện với tục kéo vợ của người dân tộc mình.
Mặc dù quá trình làm phim vất vả và kéo dài đến hơn 4 năm, nhưng Lệ Diễm tự hào khi tác phẩm dài 92 phút của cô đã gây được tiếng vang lớn không chỉ trên trường quốc tế mà còn được chào đón tại các rạp chiếu ở Việt Nam. Được biết, phim đã tham gia gần 100 liên hoan phim quốc tế, đạt 34 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có Giải Clarens cho phim tài liệu nhân văn tại Liên hoan phim thực tế năm 2022 tại Pháp, và mới đây đã lọt vào top 15 đề cử cho phim tài liệu tại giải Oscar 2023 ở Mỹ. Riêng ở Việt Nam, chỉ sau hai tuần công chiếu, phim đã thu hút hơn 10.000 lượt xem tại các rạp.
Phát biểu tại một buổi ra mắt phim Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã đánh giá cao sự trẻ trung và năng động của các đạo diễn trẻ, và bày tỏ niềm vui khi nhận thấy trại sáng tác Varan Vietnam, mặc dù còn non trẻ trong lĩnh vực điện ảnh thực tế, nhưng đã có thể thích nghi và khẳng định mình với những góc nhìn phong phú về thế giới và điện ảnh, với cách thực hiện phim tài liệu hiện đại và tầm nhìn đa dạng. Đại sứ cũng nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình “Cuộc phiêu lưu của Varan Vietnam” trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Đại sứ hy vọng “trải nghiệm tuyệt vời này sẽ được lặp lại trong tương lai để tiếp tục và không ngừng làm sống động mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Pháp”.
Theo TTXVN