Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Việt Nam-Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

24/02/2023 | 17:03

"Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội đẩy mạnh xúc tiến du lịch lẫn nhau, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19" - đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2023 do Văn phòng Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 23/2.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và cũng trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam. Trước khi có dịch Covid-19, du lịch đóng góp bình quân 10-11% GRDP của thành phố; thu hút gần 50% lượng khách quốc tế và 1/3 lượng khách quốc nội, đóng góp 1/4 doanh thu du lịch của cả nước.

Du lịch phát triển thúc đẩy sự phát triển của các ngành, dịch vụ khác, đặc biệt kéo theo sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa và vận chuyển của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, du lịch được xác định là một trong những ngành mũi nhọn và Thành phố cần tập trung phát triển trong thời gian tới.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, hai bên đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản nói chung, trong đó có ngành Du lịch nói riêng. Thị trường khách du lịch Nhật Bản được đánh giá cao và luôn được xác định là thị trường khách trọng điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Việt Nam-Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Phiên trao đổi cơ hội hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hai bên. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch Nhật Bản đến với Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong top 5 thị trường hàng đầu. Năm 2019, Thành phố đón hơn 600.000 lượt khách Nhật Bản, chiếm trên 60 % lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam. Năm 2022, sau khi mở cửa trở lại, nhiều hoạt động hợp tác xúc tiến du lịch đã được tổ chức tại Nhật Bản và Việt Nam. Lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong tốp 10 thị trường khách quốc tế của thành phố với hơn 100.000 lượt.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản dần trở thành điểm đến rất được yêu thích của khách du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong những năm qua với các điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng như núi Phú Sĩ, đền Fushimi Inari Taisha với nền văn hóa, lịch sử phong phú; cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và những công trình xây dựng kiến trúc độc đáo.

Trước dịch Covid-19, Nhật Bản đã đón khoảng 500.000 lượt khách Việt Nam/năm. Dự báo trong những năm tới đây, Nhật Bản tiếp tục là điểm đến được du khách Việt Nam quan tâm hàng đầu.

"Để phát huy hơn nữa trao đổi khách giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Nhật Bản, ngành Du lịch Thành phố xác định cần xây dựng chiến lược tổng thể và dài hạn, thúc đẩy mở các đường bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Nhật Bản; tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội, giao lưu văn hóa, xúc tiến du lịch giữa hai quốc gia như Lễ hội Việt - Nhật, Lễ hội Việt Nam tại các địa phương Nhật Bản. Đồng thời, cần tăng cường tham gia các hội chợ du lịch của nhau để quảng bá, giới thiệu về Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung cũng như về Nhật Bản, qua đó kết nối người mua với các công ty du lịch trong nước với mục tiêu gia tăng nhiều khách Nhật Bản đến Việt Nam và ngược lại, đóng góp hiệu quả hơn vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và giao lưu văn hóa, vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp của hai nước", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa chia sẻ.

Ông Uchida Shusuke, Phó trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam nhận định, hoạt động du lịch tại Việt Nam sau gần 1 năm mở cửa đang phục hồi nhanh và ngày càng sôi động. Từ hè 2022, lượng người Việt Nam đi du lịch trong nước tăng cao; đặc biệt, lượng khách du lịch vào tháng 1/2023 (bao gồm cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) cao kỷ lục trong 5 năm gần đây. Với hoạt động du lịch quốc tế, người Việt ưu tiên tour du lịch Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore...) vì không cần visa và giá rẻ; tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đáng chú ý, số tiền người Việt chi tiêu khi đi du lịch tăng so với thời điểm trước dịch.

Về phía Nhật Bản, trước dịch Covid-19, mỗi năm thu hút khoảng 500.000 du khách, trong đó du khách có mục đích du lịch chiếm 35%, đi công tác chiếm 10%, còn lại 55% là du học sinh và thực tập sinh. Năm 2022, Nhật Bản thu hút được hơn 284.000 du khách Việt Nam, chiếm 7,4% lượng khách quốc tế đến Nhật Bản. Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trong nhóm thị trường khách du lịch trọng điểm mà Nhật Bản hướng đến.

Theo ông Uchida Shusuke, hiện nay, các chuyến bay giữa Việt Nam-Nhật Bản đã khôi phục 95% so với trước dịch. Năm 2023, JNTO sẽ tập trung xây dựng mối quan hệ và hợp tác với các công ty du lịch, hãng hàng không, kênh truyền thông; đẩy mạnh tiếp thị kỹ thuật số và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Nhật Bản thông qua Lễ hội Việt-Nhật, các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để nhanh chóng khôi phục số lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản về mức trước đại dịch.

Theo Báo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×