Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay

12/06/2019 | 07:43

Tại buổi thảo luận hội trường Quốc hội chiều 11/6, đa số đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.

Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống thư viện

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), từ bao đời nay, thư viện luôn là một niềm tự hào của thành phố, trường đại học. Thư viện luôn là địa chỉ tìm đến của các nhà khoa học hay những người muốn làm giàu kiến thức. Ở Việt Nam, Pháp lệnh về thư viện ra đời năm 2000 đã tạo điều kiện để hệ thống thư viện phát triển.

Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thư viện trong thời kỳ mới, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc xây dựng Luật Thư viện là đúng và cần thiết. Góp ý về dự thảo lần này, đại biểu này đồng ý với tên gọi là Luật Thư viện. Về hệ thống, nên có một hệ thống thư viện thống nhất bao gồm cả công lập và tư nhân phục vụ cộng đồng.

"Về ngân sách, nhà nước cần có kinh phí cho hệ thống thư viện công lập đồng thời tài trợ, hỗ trợ một phần cho hệ thống thư viện tư nhân. Đặc biệt, cần bố trí một nguồn ngân sách thỏa đáng cho thư viện cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa" – đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Về vấn đề chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, dự thảo cần quy định rõ nhà nước đầu tư để phát triển thư viện trong đó tập trung cho mạng lưới thư viện công lập, tăng cường dịch vụ lưu động, luân chuyển vốn tài liệu đến các địa bàn khó khăn, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.

"Hoạt động thư viện là hoạt động công ích vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, chủ yếu do nhà nước thực hiện. Nếu không có quy định cụ thể theo chính sách đầu tư công thì sẽ không giải quyết được các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện, không khuyến khích được đầu tư của cộng đồng, khó triển khai xã hội hóa. Tuy nhiên, các nội dung quy định nhà nước đầu tư cần phải được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm" – vị đại biểu này cho hay.

Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) thì cho rằng, Dự thảo Luật Thư viện lần này đã có điểm mới trong việc mở rộng và quy định với thư viện ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa, cho phép thành lập thư viện tư nhân. Tuy nhiên, cần phải thể hiện rõ nét hơn về chính sách thu hút đầu tư của nhà nước. Chính vì vậy, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số chính sách của nước ngoài dành cho tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực thư viện như giảm thuế đất, doanh thu hoặc hỗ trợ vốn tài liệu.   

Xếp hạng thư viện có cần thiết không?

Liên quan đến việc xếp hạng thư viện, các ý kiến phát kiến tại phiên thảo luận hội trường lại cho nhiều quan điểm khác nhau. Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, việc xếp hạng thư viện là hết sức cần thiết vì thư viện có nhiều quy mô, vốn tài liệu, tiện ích, tính chất và đối tượng phục vụ khác nhau, trình độ và phương thức quản lý cũng khác nhau.

Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên). Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, việc xếp hạng dựa trên các tiêu chí cụ thể có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quy mô, uy tín, thương hiệu của thư viện, là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội và thu hút người đọc. Đối với thư viện ngoài công lập, các thư viện thứ hạng cao sẽ chứng tỏ được hiệu quả hoạt động tốt để được hưởng các chính sách của nhà nước như luân chuyển sách báo, liên thông thư viện, tham gia cung cấp các dịch vụ công.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí lại cho rằng: "Cá nhân tôi đặt vấn đề việc xếp hạng thư viện có cần thiết không? Cần phải xác định mục đính đánh giá để làm gì rồi mới đưa ra quy định xếp hạng. Nếu đã ban hành quy định xếp hạng thì Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu đánh giá cả thư viện công lập và tư nhân để tạo sự bình đẳng. Tuy nhiên, quy định xếp hạng cũng phải để ở dạng mở để khuyến khích các thư viện hạng dưới nỗ lực hơn trong việc nâng hạng".

Phải chú trọng đầu tư nguồn nhân lực cho lĩnh vực thư viện

Đối với nguồn nhân lực phục vụ phát triển hệ thống thư viện của cả nước, nhiều đại biểu đánh giá đây là vấn đề quan trọng mà Ban soạn thảo Luật cần phải nghiên cứu nhiều hơn để khi Luật được ban hành, đi vào thực tiễn, hệ thống thư viện sẽ không gặp khó khăn do thiếu nhân lực phục vụ.

Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay - Ảnh 3.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang). Ảnh: Quochoi.vn

Cho rằng quan trọng nhất là đời sống của các nhân viên thư viện cần phải được nâng cao hơn nữa để giữ họ lại với nghề, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đề nghị Ban soạn thảo Luật cần đánh giá xem Luật có đủ mạnh để khắc phục được những hạn chế, bất cập, tạo lập và thu hút được nguồn nhân lực chuyên môn cao cho cả thư viện công lập lẫn tư nhân hay chưa.

Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), việc đào tạo người làm thư viện một cách bài bản và chuyên sâu quy định trong điều 35, 36 của dự thảo Luật là hợp lý. Song hoạt động giao tiếp của người làm thư viện với bạn đọc mới là vấn đề quan trọng để giữ bạn đọc ở lại thư viện.

Vì vậy, cần có quy định về kỹ năng giao tiếp, hành vi ứng xử, thái độ của người làm thư viện. "Giao tiếp trong thư viện là giao tiếp không có động lực kinh tế, văn hóa trong thư viện là văn hóa tri thức, bạn đọc là đối tượng có văn hóa, vì vậy người làm thư viện cần phải có cách giao tiếp phù hợp, thái độ nhã nhặn, lịch sự." – đại biểu Thảo nói.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện

Cảm ơn những ý kiến đóng góp hết sức nhiệt tình, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với Dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Việc ban hành Luật Thư viện là cần thiết, đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Nam Nguyễn

Báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, về chính sách nhà nước để phát triển thư viện, tại Pháp lệnh thư viện hiện hành đã có quy định một số chính sách nhà nước phát triển thư viện.Tuy nhiên, do chưa quy định cụ thể nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

"Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để cụ thể hóa hơn nữa các chính sách của nhà nước về phát triển thư viện như: chính sách ưu tiên, đầu tư, bảo đảm hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, phát triển cân đối giữa các địa bàn, ưu tiên đầu tư công nghệ mới." – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Về phân loại thư viện, tại dự thảo Luật đã xác định có 3 loại hình thư viện được phân loại đó là: phân loại theo sở hữu, phân loại theo chức năng nhiệm vụ và phân loại theo phương thức hoạt động. "Phân loại thư viện là một trong những cơ sở quan trọng để ban hành cơ chế, chính sách phát triển thư viện, nâng cao chất lượng hoạt động, áp dụng các chính sách ưu đãi của nhà nước và thực hiện công tác quản lý nhà nước về thư viện" – Bộ trưởng cho hay.

Về xếp hạng thư viện, Bộ trưởng cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mục đích của việc xếp hạng thư viện đó là: Tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện; Việc xếp hạng dựa trên các tiêu chỉ cụ thể trong đó có hiệu quả hoạt động, nâng hạng xuống hạng buộc các thư viện buộc phải phấn đấu để nâng cao chất lượng. Về một số vấn đề khác, Ban soạn thảo Luật Thư viện sẽ nghiêm túc rà soát lại để đảm bảo, chỉnh lý và hoàn thiện các định nghĩa, bảo đảm thống nhất cách hiểu và bao quát các nội dung quy định của Luật.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×