Vi phạm bản quyền vẫn "tung hoành" trên nền tảng số
17/04/2024 | 21:35Trong tọa đàm Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Khó khăn trong bảo vệ bản quyền
Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) Phạm Thanh Tùng cho biết: Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả không chỉ cho công dân Việt Nam mà cả các tổ chức, cá nhân quốc gia trên thế giới là thành viên của các tổ chức công ước quốc tế như Berne, Rome, Geneva, WCT… Để làm được điều này, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là quy định cơ bản để các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng trong thực tiễn và thực thi nghiêm vấn đề bản quyền tác giả.
"Chúng tôi đã phân định rõ các quyền như sao chép, phân phối, kể cả những nhà cung cấp dịch vụ trung gian để có thể giúp kiểm tra, xử lý những vấn đề này khi có tranh chấp. Các chủ thể cũng có thể tự kiểm tra và bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng được đồng bộ và tương thích với luật quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta đã có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và thực thi bảo vệ bản quyền" – ông Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Tùng, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Phạm Hoàng Hải cho biết: "Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang diễn ra hàng ngày, vô cùng phức tạp. Theo số liệu chúng tôi thống kê được, có khoảng 100 trang web vi phạm bản quyền bóng đá, một mùa giải 2022-2023 có 1,5 tỷ lượt xem đến với các trang web này. Đối với nội dung về phim và các sản phẩm văn hóa khác có khoảng 200 trang web lậu, hàng tháng có khoảng 120 triệu lượt xem đến vào các trang web đó. Gần đây, chúng tôi còn phát hiện ra một số trang web đặt máy chủ ở nước ngoài vi phạm bản quyền về các sản phẩm truyện tranh nước ngoài, điển hình truyện tranh Nhật Bản. Vì vậy, đã có những đơn vị, tổ chức Nhật Bản đến với làm việc Bộ Thông tin và Truyền thông và có ý kiến nói rằng, vi phạm về truyện tranh trên không gian mạng đã gây thiệt hại đến hàng trăm triệu USD cho các đơn vị sở hữu bản quyền".
"Qua đó, chúng ta phải khẳng định rằng, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng vô cùng phức tạp, có nhiều hình thức khác nhau, rất tinh vi. Trong khi đó, yếu tố môi trường số là môi trường xuyên biên giới nên khó xác định các chủ thể và hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, bộ máy thực thi của Việt Nam còn hạn chế nên khó xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số" – ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh.
Cần sự tích cực từ phía chủ sở hữu
Trước thực trạng trên, để chống xâm phạm bản quyền - bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng số, ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền. Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.
"Đặc biệt, các chủ thể cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số" – ông Phạm Thành Tùng cho biết thêm.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam Hoàng Đình Chung cho rằng: Để khắc phục tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thực thi các hành lang pháp lý về quyền tác giả. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã có nhiều điểm mới về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng về mặt thực thi còn hạn chế. Theo đó, cần có sự tích cực hơn nữa từ phía chủ sở hữu bản quyền trong các trường hợp sai phạm. Các đơn vị này có thể cung cấp chứng cứ của các bên phát hành bất hợp pháp, phối hợp với các dịch vụ cung cấp dữ liệu trung gian, lưu trữ máy chủ và đơn vị quản lý nhà nước nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Ngoài ra, công nghệ là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ bản quyền trên nền tảng số. Vì vậy, cần nâng cao hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, hỗ trợ pháp lý bản quyền hay phát hiện, báo cáo vi phạm bản quyền./.