Về giá trị “khoan dung” trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh
15/04/2021 | 14:22Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta sống rất giản dị, mộc mạc và chân tình. Trong nhân cách Hồ Chí Minh, có thể thấy: khoan dung là một giá trị. Giá trị này tồn tại không chỉ như một yếu tố của cấu trúc đạo đức cá nhân mà còn thẩm thấu trong mọi phương diện.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta sống rất giản dị, mộc mạc và chân tình. Người là cha, là bác, là anh, là quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. Người là vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt đối với chúng ta, Bác là người thầy. Những lời dạy của Bác là những lời dạy quý báu được truyền từ những nhà giáo lão thành cho đến thế hệ con cháu mai sau. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Trong nhân cách Hồ Chí Minh có thể thấy khoan dung là một giá trị. Giá trị này tồn tại không chỉ như một yếu tố của cấu trúc đạo đức cá nhân mà còn thẩm thấu trong mọi phương diện.
Theo nghĩa thông thường nhất, khoan dung được hiểu là sự tha thứ, sự thừa nhận, sự tôn trọng lẫn nhau mà ở cấp độ cao nhất là sự tiếp nhận. Sự phát triển của lịch sử đã chứng minh điều ấy. Xã hội loài người ngày càng hoàn thiện hơn không chỉ bởi nhân loại biết tha thứ cho nhau, thừa nhận nhau, tôn trọng nhau mà căn bản là biết tiếp nhận nhau. Điều này thể hiện ở chỗ, khi mối giao lưu giữa con người với nhau còn hạn hẹp, sự tiếp nhận chủ yếu diễn ra trong nội bộ cộng đồng thì lịch sử phát triển chậm chạp. Khi mối quan hệ càng mở rộng, sự tiếp nhận lẫn nhau được đẩy mạnh thì lịch sử phát triển nhanh hơn. Vì vậy, từ chối tiếp nhận là chấm dứt phát triển.
Với cách hiểu về khoan dung như vậy, thì Hồ Chí Minh là một biểu hiện của sự khoan dung và cao hơn là mẫu mực về sự khoan dung. Khoan dung là một giá trị đạo đức, nó được lan tỏa, trải rộng trong mọi biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh mà tập trung nhất là trong lĩnh vực chính trị, trong lối ứng xử với các dân tộc, các nền văn hóa khác hay nói cách khác trong lĩnh vực văn hóa.
Trong con người Hồ Chí Minh, tha thứ cho lỗi lầm của người khác không chỉ là hành vi bị thôi thúc bởi yêu cầu của chính trị mà cao hơn, sâu hơn, từ trong cội rễ của vấn đề, đó là từ lương tâm, đạo đức, từ việc ý thức sâu sắc về tính đồng loại giữa con người với con người. Trong thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến (năm 1947) Người viết “Nhân dịp này tôi tha thiết kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường, lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Tôi mong rằng các người hãy mau mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”1. Ngoài tha thứ, đức khoan dung ở Hồ Chí Minh còn là sự thừa nhận người khác, thừa nhận những giá trị riêng của người khác.
Cả cuộc đời Người là sự phấn đấu quên mình để cho nhân loại, dân tộc được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Người cùng Đảng lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng không ngoài mục đích buộc các thế lực xâm lược phải thừa nhận Việt Nam độc lập, thống nhất, được hưởng các quyền dân tộc cơ bản như các dân tộc khác trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Người đã dẫn ra tư tưởng trên đây trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 để một lần nữa khẳng định quyền được thừa nhận, quyền được hưởng các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Sau đó Người khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”2 .
Cùng với sự tha thứ, thừa nhận, khoan dung ở Hồ Chí Minh còn là sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người. Hồ Chí Minh tôn trọng đồng bào của mình, tôn trọng cộng sự của mình, tôn trọng những nhu cầu khát vọng, phẩm giá, lương tri của nhân loại tiến bộ. Vì lẽ ấy, Người đánh giá cao những ai vì lẽ phải, vì chính nghĩa, vì sự tiến bộ của con người mà đấu tranh cho dù họ ở quốc gia nào, màu da nào, giai cấp nào, đảng phái nào. Người đấu tranh không khoan nhượng chống các thế lực thực dân, đế quốc, song phân biệt rất rõ bạn và thù. Đó là lý do để khoan dung ở Người không trở thành một giá trị trừu tượng.
Ở Hồ Chí Minh, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người suy cho cùng là sự tôn trọng những nhu cầu, lợi ích chân chính, tôn trọng những ai vì nhân phẩm mà hy sinh, mà phấn đấu. Vì lẽ ấy Người đề cao những đóng góp của Đức Phật, Đức Ki-tô, của những người sáng lập các tôn giáo chân chính bởi suy cho cùng, những vị ấy cũng có khát vọng về hạnh phúc cho nhân loại. Đó cũng là lý do để Người thừa nhận Khổng Tử, Giê-su, Đức Phật, Tôn Dật Tiên, Các Mác… đều có ưu điểm chung bởi họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho con người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Và, với đồng bào có đạo Người tôn trọng niềm tin của họ, kiên trì nhất quán thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Như trên đã nói, tiếp nhận là biểu hiện cao nhất của khoan dung và cuộc đời, nhân cách Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động nhất của sự tiếp nhận. Nhờ biết tiếp nhận, Người đã làm giàu vốn tri thức, nâng tầm văn hóa của mình để trở thành biểu tượng của sự kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, của truyền thống và thời đại. Với tư cách là một lãnh tụ cách mạng, một nhà văn hóa, cũng nhờ biết tiếp nhận mà Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ yếu đến mạnh để cuối cùng như đã thấy – làm lên những chiến công càng ngày càng hiển hách, chói lọi.
Nhờ phương pháp tiếp nhận đúng đắn, Người đã phát hiện được những ưu điểm của các học thuyết, chủ nghĩa, của các nền văn hóa và ngay trong từng cá nhân con người. Với Người, đạo Khổng có ưu điểm là “có đạo tu thân”; đạo Phật có ưu điểm là có lòng từ bi; tôn giáo của chúa Giê-su có ưu điểm là lòng bác ái; chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm đó là chính sách thích hợp với cách mạng nước ta; chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp cách mạng đúng đắn. Với cá nhân con người cũng vậy, Người nhìn thấy trong họ những khả năng, những tiềm năng và vai trò của cách mạng là phát hiện, nuôi dưỡng, phát huy những phẩm chất ấy. Người nói:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”3.
Khoan dung là nét độc đáo trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Giá trị ấy, được hình thành trên cơ sở truyền thống và được phát huy trong điều kiện mới của thời đại. Nhờ đó, những tư tưởng của truyền thống có thêm nội dung mới của thời đại. Cũng nhờ đó mà Hồ Chí Minh, với hành trang của một người yêu nước đã trở thành một người mác-xít chân chính, một nhà nhân đạo chủ nghĩa xã hội hiện đại có khả năng đại diện cho một nền văn hóa của tương lai.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 249.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 1.
3. Hồ Chí Minh. Nửa đêm (bản dịch của Nam Trân).
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 04 –NQ/TW ngày 30/10/2016 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
2. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.