Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Văn hóa Việt - Tiềm năng to lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

07/06/2024 | 10:29

Việt Nam có kho tàng văn hóa vô giá với những di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh; lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống; trò chơi dân gian; nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục tập quán…

Giá trị văn hóa Việt Nam có thể được khai thác tạo thành những sản phẩm khởi nghiệp, góp phần tạo động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển đất nước một cách bền vững.

Việt Nam có tiềm năng to lớn cho khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, với hàng chục ngàn di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, thắng cảnh; hàng ngàn truyền thuyết gắn với từng gian đoạn lịch sử; gần 8.000 lễ hội dân gian, lịch sử và tôn giáo; hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề truyền thống; hàng trăm trò chơi dân gian. Cùng với đó là y học cổ truyền, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục tập quán…

Nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc và nhân bản của Việt Nam là mảnh đất hứa hẹn đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam còn chưa được khai thác, hoặc mới được khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, ở tầng nấc bên ngoài chứ chưa đi vào chiều sâu. Điều đó có nghĩa còn rất nhiều “dư địa” để những người trẻ khai phá, lựa tìm và đầu tư sáng tạo.

Văn hóa Việt - Tiềm năng to lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (Ảnh minh họa, nguồn: baophapluat.vn)

Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nói riêng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016, phong trào quốc gia khởi nghiệp đã được phát động, để chắp cánh cho những ước mơ khởi nghiệp. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…”. Đây là định hướng quan trọng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa phát triển.

Nhiều đề án về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ ban hành như: đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030. Nhiều đơn vị và tổ chức hỗ trợ sự phát triển đổi mới sáng tạo trực thuộc Chính phủ được thành lập. Công tác tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đã đạt được hiệu quả nhất định.

Sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa ngày càng nhiều và đa dạng. Nhiều người trẻ dấn thân, vượt quá khó khăn và khởi nghiệp thành công, như Đặng Văn Hậu với “Tò he Việt”; Lê Mạnh Cương sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích”; “Hiện tượng mạng” 1977 Vlog; Đinh Võ Hoài Phương với trang Vlog về du lịch và ẩm thực Khoai Lang Thang… đã góp phần thôi thúc và lan truyền cảm hứng để lớp trẻ tự tin hơn với lựa chọn tự làm chủ con đường sự nghiệp.

Nhiều sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ lịch sử của “Việt sử giai thoại”; khôi phục và lan tỏa cổ phục Việt; sản phẩm bánh trà Khuê Văn các; Bộ cờ tướng “Chiếu kinh thành”; sáo trúc dân tộc H’Mông; du lịch trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa; ứng dụng kết nối du lịch ảo Điện Biên; ẩm thực của người Pa Cô; quán cà phê trang trí và trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc Tày, Nùng… Ngay cả những người tuổi đã cao như Phan Thị Thuận 70 tuổi, cũng khởi nghiệp bằng lụa tơ sen tại Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang chuyển giao sang một giai đoạn mới, vị thế ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế. Nhiều địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất đa dạng, với nhiều cách thức khác nhau.

Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức, trong khi đây là một lĩnh vực có tính đặc thù và nếu thành công có thể đạt được mục tiêu kép cả về kinh tế lẫn sức mạnh mềm văn hóa và phát triển bền vững; phát huy được giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các dự án startup Việt chưa đủ hấp dẫn, chưa hướng tới những sản phẩm, dịch vụ có tính chất đột phá dựa trên công nghệ cao, sáng chế mới.

Việc tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn, nhất là đối với khu vực tư nhân. Thời gian qua, không ít hãng phim tư nhân đã phải phá sản và các chủ doanh nghiệp mất trắng tài sản... Tỷ lệ tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa thường chỉ là 5-10% sau 3-5 năm hoạt động.

Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn bộc lộ một số hạn chế bởi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh còn một số “điểm nghẽn”, ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành.

Nhiều startup thiếu hụt nhân sự chuyên môn trong cấu trúc đội ngũ, quản trị nhân sự chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chủ quan cá nhân; sử dụng người thân hoặc bạn bè, dẫn đến tình trạng xung đột, bất đồng và căng thẳng khó giải quyết. Việc triển khai ứng dụng chuyển đổi số còn chậm.

Để thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí của văn hóa, của khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp văn hóa phát triển, nhất là các quy phạm pháp luật liên quan tới công tác quản lý, hỗ trợ và tài trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ từ văn hóa; về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lành mạnh hóa thị trường văn hóa.

Hỗ trợ các tổ hợp sáng tạo, không gian làm việc chung, không gian biểu diễn, trưng bày, triển lãm... Thúc đẩy kết nối mạng lưới, trao đổi kiến thức và thực hành trong cộng đồng chuyên môn giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, câu lạc bộ, “vườn ươm sáng tạo”, doanh nghiệp, giới truyền thông và đặc biệt là với những “nhà đầu tư thiên thần” quan tâm đến lĩnh vực văn hóa.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội thảo khoa học về khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa; tổ chức triển lãm, trưng bày các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp; các cuộc thi ý tưởng, dự án, thi thuyết trình, gọi vốn đầu tư, thi kỹ năng đặc thù... của cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Tổ chức tốt các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao chất lượng các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia; lựa chọn đại diện xuất sắc tham gia StartupWorld Cup - cuộc thi về khởi nghiệp quy mô toàn cầu. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho các startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa thành công. Khai thác hiệu quả công nghệ số để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa./.

Theo dangcongsan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×