Văn hoá Việt Nam sẽ hội nhập với thế giới bằng sự khoa học, sáng tạo và kết nối cộng đồng của người dân
16/02/2023 | 10:56Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam về ý nghĩa của sự kiện quan trọng này.
Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị được Ủy viên BHC Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng giao làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Hội thảo. Bà có thể cho biết, ý nghĩa và mục đích của Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"?
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện quan trọng của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên của Đảng, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược này. Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương gồm Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa.
Bối cảnh năm 1943 đã đặt ra những vấn đề cấp bách để bản Đề cương về văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra đời, giúp cho những người làm văn hóa, đặc biệt là những nhà quản lý về văn hóa, được định hướng những nguyên tắc để phát triển văn hóa theo hướng đề cao tính dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trải qua 80 năm, cho đến hôm nay, trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị.
Vì vậy, hội thảo khoa học quốc gia nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời có ý nghĩa rất thiết thực. Đây là dịp chúng ta cùng nhìn lại, phân tích thấu đáo để một lần nữa khẳng định những giá trị bền vững của bản đề cương. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ kế thừa, phát triển những định hướng, nguyên tắc của Đề cương như thế nào. Phải chăng là sự hội tụ tinh hoa, khát vọng, trí tuệ của toàn dân tộc để đưa văn hóa trở thành trụ cột thực sự của sự phát triển toàn diện, bền vững. Chúng ta phải vận dụng các nguyên tắc của Đề cương như thế nào để bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn với phát triển bền vững đất nước.
Vậy theo bà, sau 8 thập kỷ, Đề cương về văn hóa Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển văn hóa hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay đã trải qua 80 năm và chúng ta vẫn nhận thấy rằng nguyên tắc của đề cương về văn hóa liên quan đến dân tộc hoá, khoa học hóa và đại chúng hóa vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh phát triển của Việt Nam ngày hôm nay.
Bởi vì, Việt Nam có 4000 năm văn hóa với sự đa dạng phong phú và rất nhiều giá trị văn hóa được hun đúc, lan toả. Nhưng đến năm 1943 thì lần đầu tiên sự phát triển văn hóa đã được xây dựng thành đề cương với rất nhiều giá trị trong đó có 3 nguyên tắc trên, đã tạo ra động lực để phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Như chúng ta cũng thấy trong bối cảnh văn hóa năm 1943, Đề cương văn hóa đã tạo nên một sức sống mới, động lực mới để những người làm về văn hoá, sáng tạo về văn hóa trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Và như chúng ta cũng biết, cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một người đã tạo ra những sự thay đổi rất lớn, là tác giả khởi xướng sự đổi mới của Việt Nam năm 1986. Vậy thì ngày hôm nay, những nguyên tắc của Đề cương về văn hóa gắn với giai đoạn hiện nay, khi chúng ta coi văn hóa là 1 trong những trụ cột của sự phát triển Việt Nam, gắn với phát triển bền vững, vì vậy những nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hóa và đại chúng hóa càng cần phải được phát huy.
Phải làm như thế nào để phát triển văn hóa Việt Nam, để có thể truyền tải được những tài nguyên về văn hóa Việt Nam (tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể), phát huy được sức mạnh sáng tạo của người Việt Nam, phát huy được khả năng kết nối của văn hóa Việt Nam đối với thế giới là vấn đề vận dụng.
Việc phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh của phát triển Việt Nam, để văn hóa trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra những hệ giá trị, tạo ra sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chúng ta nhìn nhận sức sống của Đề cương về văn hóa với những nguyên tắc như vậy để thấy Đề cương vẫn có vai trò vô cùng quan trọng, có tính cấp thiết.
Vậy theo bà, cần vận dụng Đề cương như thế nào để phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ của đất nước như hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Nhìn nhận từ bối cảnh chúng ta hiện nay, đã có những phát triển rất mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhưng có những thời điểm ở đâu đó văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân thì việc chúng ta vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa như làm thế nào để văn hóa Việt Nam thật sự phát triển mạnh mẽ, phát huy được những thế mạnh một cách khoa học, thể hiện được các giá trị bản sắc của Việt Nam nhưng đồng thời gắn phát triển văn hóa vào xu thế đổi mới, hội nhập của chúng ta đặc biệt trong bối cảnh 4.0 như hiện nay.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhìn nhận các giá trị ở 3 nguyên tắc của Đề cương về văn hóa và sự vận dụng bằng chính sự cống hiến, trách nhiệm, tư duy logic của chúng ta trong phát triển văn hoá. Đã đến lúc văn hóa phải thực sự trở thành một trụ cột phát triển của Việt Nam. Sức sống của Đề cương vào thời điểm hiện nay sẽ tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hoá.
Bối cảnh văn hóa năm 1943 của Đề cương đã tạo ra một sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ và thời điểm trước đó thì như thế nào chúng ta đã rõ rồi, còn ngày hôm nay chúng ta có tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ đó không thì đó là một câu chuyện chúng ta phải trả lời và đó không phải là câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà là của cả toàn bộ hệ thống chính trị xã hội của Việt Nam.
Ví dụ chúng ta muốn phát huy được các nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hóa và đại chúng hóa thì chúng ta phải vận dụng được khoa học, đầu tư cho văn hóa để văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu của đông đảo quần chúng. Chúng ta cần có sự đầu tư về mặt kinh phí, chủ động giải pháp hợp tác công tư hoặc chúng ta phải có sự nhận thức việc chuyển tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của Việt Nam là một câu chuyện thực tế. Chúng ta cũng cần huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội. Điều cao nhất là chúng ta phải biến văn hóa thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi, trở thành một niềm tự hào, sức mạnh bản sắc, sự thuyết phục của Việt Nam với thế giới bằng những giá trị, sản phẩm dịch vụ văn hóa từ chính sự sáng tạo của còn người Việt Nam.
Tôi cũng mong muốn rằng sự khởi động của rất nhiều hoạt động, sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như cơ quan Đảng và Nhà nước, người dân, đặc biệt tầng lớp nghệ sĩ, người thực hành về văn hóa đã có sự thay đổi gần đây. Tôi cũng mong muốn rằng kết quả của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như Hội nghị liên quan đến các vấn đề thể chế, nguồn lực văn hóa hay tiếp theo đây là Hội thảo quốc gia kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam như một sự khởi động, động lực của sự phát triển. Để chúng ta tìm ra những giải pháp phát huy được giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, để văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, thể hiện được bản sắc, sức mạnh của con người, của dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam sẽ hội nhập với thế giới bằng sự khoa học, sáng tạo và kết nối cộng đồng của người dân Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!