Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Cộng đồng cần lên tiếng trước những hiện tượng lệch chuẩn
11/08/2021 | 14:09Giữa đại dịch Covid-19, cùng với sức lan tỏa từ những hành động, nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách thì vẫn còn đó không ít hiện tượng thiếu chuẩn mực, thái độ ứng xử chủ quan và tùy tiện. Hơn bao giờ hết, đây là lúc sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý thức chung tay đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch cần được nêu cao.
Bên cạnh đó, cần thiết có sự lên tiếng mạnh mẽ từ cộng đồng trước những hành vi, hiện tượng lệch chuẩn, đi ngược lại công cuộc phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Lan tỏa hành động đẹp
Trong những ngày khó khăn này, trước những thử thách khắc nghiệt vì đại dịch, cộng đồng đã lan tỏa nhiều hình ảnh ấm áp, những sự giúp đỡ, sẻ chia. Những bếp ăn 0 đồng, những suất quà tình nghĩa, những lời nhắn nhủ “Mỗi người đi xe máy về quê xin hãy lấy 500K”, “Ai cần thì lấy”, “Ai xin thì cho”… đã mang đến nhiều xúc cảm và tiếp thêm sức mạnh trong cộng đồng.
Người dân ở khắp mọi vùng miền trong những ngày qua cũng được thưởng thức nhiều món ăn tinh thần thấm đẫm giá trị nhân văn do đội ngũ văn nghệ sĩ, tuyên truyền viên thực hiện, như một cách thức để nhân lên nguồn sức mạnh vượt qua thử thách, “chia lửa” với tuyến đầu chống dịch. Theo Cục Văn hóa cơ sở, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, đội ngũ cán bộ văn hóa ở các tỉnh, thành đã nỗ lực ra quân, bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động để chuyển tải đến người dân những thông điệp ý nghĩa. Tuyên truyền phòng, chống đại dịch bằng các hình thức cổ động trực quan trên panô, áp phích, bảng điện tử, triển lãm… đã được nhiều tỉnh, thành tích cực triển khai. Bộ tranh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19 do Cục Văn hóa cơ sở phát hành cùng một số mẫu tranh cổ động được các địa phương tuyển chọn, ấn hành hiện đang phát huy “sứ mệnh” quan trọng của mình, góp phần động viên, giúp nhân dân có được nguồn sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, ngành văn hóa các tỉnh, thành cũng đã nỗ lực xây dựng và ra mắt nhiều sản phẩm tinh thần ý nghĩa, góp phần chia sẻ yêu thương để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đơn cử, tại Bến Tre, Sở VHTTDL đã chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, nâng cao nhận thức người dân trong việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre đã phối hợp ra quân tuyên truyền tại một số tuyến đường chính của TP Bến Tre và các huyện trên địa bàn. Trước đó, Trung tâm Vân hóa - Điện ảnh tỉnh, Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nhằm tăng cường đưa các sản phẩm văn hóa tinh thần đến với nhân dân, Sở VHTT tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng các chương trình nghệ thuật trên sóng truyền hình. Vở kịch Tinh thần người xứ Nghệ được xây dựng phản ánh cuộc sống và sự hy sinh cao cả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, mang đến cho người xem thông điệp về tình người trong hoạn nạn.
Mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với các hoạt động tuyên truyền cổ động, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm…, kế hoạch tuyên truyền hướng đến việc xây dựng và thực hiện một số chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật. Mở màn chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch là chương trình Cháy lên được tổ chức tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Lên tiếng trước hành vi lệch chuẩn
Cùng với những cảm xúc trước những nghĩa cử cao đẹp, cộng đồng cũng bày tỏ phản ứng gay gắt trước một số hành vi, thái độ dửng dưng, vô cảm, thậm chí là sự chống đối trước những nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Dư luận phẫn nộ và chỉ trích gay gắt những cá nhân không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách và bao biện rằng “Chắc Covid sẽ chừa mình ra…”. Dư luận cũng bức xúc trước cảnh tượng những đám đông chen vai thích cánh tại các chùa, đền, phủ giữa những ngày dịch bệnh đang có nguy cơ diễn biến phức tạp; hay hình ảnh nhiều người bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng để đến nơi công cộng, tập thể dục, vui chơi… Có đến 1001 lý do bao biện nhưng dù thế nào, những hành vi ứng xử thiếu trách nhiệm đó cũng rất cần lên án.
Gần đây, giữa những ngày chồng chất khó khăn thì hành động có thể xem là phản cảm nhất của một cán bộ, người đứng đầu một Sở ở địa phương đã thực sự gây bức xúc trong dư luận. Trên nhiều diễn đàn, người dân đặt câu hỏi, vì sao vị lãnh đạo đó có thể đi chơi golf trong thời điểm cả nước căng mình chống dịch? Cách đó không lâu, dư luận cũng không khỏi bức xúc trước hành động của một cán bộ ở TP Đà Nẵng tát nữ nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụlấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trong khu phong tỏa. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang tập trung mọi nguồn lực để chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và người dân cả nước cũng đang nêu cao ý thức trách nhiệm, chia sẻ, động viên nhau để vượt qua khó khăn, thì việc những cán bộ, công chức lại thể hiện tinh thần, thái độ thiếu trách nhiệm thực sự là những hành vi bất chấp những quy tắc đạo đức, bất chấp những kỷ cương, kỷ luật mà xã hội đang tuân thủ. Những án phạt nghiêm khắc là điều cần thiết. Hơn thế, đây cũng là những lời cảnh tỉnh về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng nói chung và mỗi lãnh đạo, cán bộ nói riêng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh.
Dư luận thời gian qua cũng bày tỏ sự bức xúc trước những tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang và mất niềm tin đối với người dân. Bên cạnh những tác động tích cực từ việc sử dụng mạng xã hội, những diễn đàn, kênh truyền thông… nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch thì trong thực tế, đã có khá nhiều những tin giả tạo nên các cơn khủng hoảng, gây bất an trong cộng đồng. Các nguồn tin không chính thống hoặc được nhào nặn, tam sao thất bản…, cùng với tốc độ nhanh chưa từng thấy của các hành vi “like, comment và share” đã tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống cộng đồng. Gần đây nhất, nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về một nhân vật “bác sĩ Khoa”, người thấy mẹ mình khó qua khỏi nên đã quyết định rút ống thở để chuyển sang cho một sản phụ đang được cấp cứu gần đó. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của thông tin giả này khi vô tình để cảm xúc chi phối, chia sẻ thông tin với tốc độ chóng mặt. Khi những thông tin phản biện được lan truyền, nhiều bài chia sẻ câu chuyện gốc đã được xóa và không ít người phải lên tiếng xin lỗi dư luận.
Hơn lúc nào hết, trong cuộc chiến vô hình gian nan này, chúng ta rất cần sự chia sẻ, đồng thuận, chung tay của cả xã hội. Đồng thuận không chỉ để lan tỏa những giá trị đẹp mà còn để lên án, đẩy lùi những hành vi phản cảm, đi ngược với những giá trị nhân văn, chia sẻ, vì cộng đồng.