Văn hóa trầu cau của Việt Nam
25/10/2012 | 08:31Với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục, mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau vừa là biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám, bổ tư là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm "miếng trầu là đầu câu chuyện", giúp cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi, cởi mở hơn.
Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam và trở nên thật gần gũi. Ăn trầu là một phương thức ẩm thực. Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng: Sự tích trầu cau. Trầu cau trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam; nó đi vào muôn mặt của đời sống xã hội, là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình hạnh phúc.
Với mục đích gìn giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn hóa Trầu cau Việt Nam" với 3 chủ đề chính:
Chủ đề 1: Tục ăn trầu và giá trị của văn hóa trầu cau ở Việt Nam với các nội dung: Nguồn gốc tục ăn trầu của Việt Nam; Bộ dụng cụ ăn trầu; Cách têm trầu, nhai trầu; Những nét đẹp của văn hóa trầu cau Việt Nam; mời trầu.
Tương truyền tục ăn trầu của người Việt có từ thời Hùng Vương qua câu chuyện cổ tích về tình cảm vợ chồng thủy chung, anh em gắn bó, vượt non vượt suối tìm nhau và cùng hóa thành cây cau, dây trầu, tảng đá quấn quýt bên nhau. Gắn với nguồn gốc đó là những dấu tích vật chất còn lại chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý - Trần tới ngày nay. Bộ dụng cụ này ở Việt Nam gồm có: Bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi (dùng để đựng, lấy vôi têm trầu); dao (dùng để bổ cau, têm trầu); khay, cơi, hộp, âu, giỏ, tráp, túi, khăn, đẫy… (dùng để đựng trầu, thuốc và xếp các dụng nhỏ); ống nhổ (để bỏ cổ trầu, bã trầu); cối, chìa ngoáy, hộp đựng (dành cho những người lớn tuổi, răng yếu dùng để giã nát trầu trước khi nhai). Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng trong tục ăn trầu ở Việt Nam. Tùy theo kích thước, tính chất, đặc điểm mà không gian và chủ nhân sử dụng của bình vôi khác nhau: Bình vôi dùng trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng; bình vôi mang theo bên người khi ra ngoài; bình vôi dành cho tầng lớp quý tộc hay giới bình dân.
Chủ đề 2: Tục ăn trầu của một số dân tộc ít người tại Việt Nam
Không chỉ với người Việt, nhiều dân tộc ít người ở Việt Nam như: Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu… ở vùng núi phía Bắc đến các dân tộc dọc theo dãy Trường Sơn, Tây Nguyên như Khơ Mú, Bru, Êđê và người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ, Nam bộ đều có tục ăn trầu. Giữa các dân tộc, tục ăn trầu có những nét tương đồng, nhưng do không gian văn hóa riêng của từng dân tộc mà có những điểm khác biệt.
Chủ đề 3: Bảo tồn giá trị văn hóa Trầu cau Việt Nam
Ngày nay, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trong nhịp sống hối hả, tục ăn trầu dần bị mai một. Thói quen ăn trầu chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn. Mặc dù vậy, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội, nghi lễ truyền thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… Đồng thời, những nét đẹp của văn hóa Trầu cau ở Việt Nam vẫn mãi lắng đọng sâu đậm trong văn học dân gian, ca dao, dân ca… và ghi dấu trong thơ, nhạc, phim ảnh hiện đại… Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này cần được bảo tồn và phát huy nhằm bồi dưỡng phong cách, tâm hồn, tình cảm người Việt Nam; giúp họ sống theo triết lý tình nghĩa trầu cau.
Phòng trưng bày Văn hóa Trầu cau Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nguồn Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam