Văn hóa dân gian - tài sản phát triển du lịch
02/07/2024 | 15:13Hiện nay du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… đang nở rộ ở nhiều địa phương. Ở các vùng quê, vùng đô thị có dịch vụ du lịch phát triển, văn hóa dân gian ứng dụng đang đóng vai trò quan trọng trong vấn đề quy hoạch, tạo nên sản phẩm du lịch.
Tìm kiếm sản phẩm du lịch văn hóa dân gian
Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian là một gói các dịch vụ, hàng hóa được xây dựng trên cơ sở tài nguyên văn hóa dân gian và nhu cầu du khách, phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên du lịch văn hóa dân gian. Ở những vùng tài nguyên phong phú, độc đáo, có nhiều giá trị sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tài nguyên du lịch văn hóa dân gian ở nước ta rất đa dạng và phong phú (có 54 dân tộc với 200 ngành nhóm địa phương) ở nhiều vùng, nhiều tộc người có tài nguyên du lịch mang tính đặc thù, đặc trưng dễ hấp dẫn du khách. Đặc điểm phong phú tài nguyên và tính đặc thù cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm văn hóa dân gian đa dạng, hấp dẫn có khả năng thu hút khách cao.
Các sản phẩm du lịch văn hóa dân gian không thể di chuyển, các cơ sở du lịch vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên du khách muốn tiêu dùng phải đến cơ sở du lịch, đến các điểm, khu du lịch thưởng thức.
Đặc điểm này đòi hỏi phải quảng bá mạnh mới thu hút được du khách. Mặt khác, các sản phẩm du lịch có tính thời vụ nghiêm ngặt. Không thể xem lễ hội, xem chợ phiên ở ngày thường. Không thể mua đặc sản trong mùa trái vụ… Tính thời vụ còn dẫn đến sự “quá tải” của du lịch. Đặc điểm này cũng đòi hỏi nhà thiết kế sản phẩm du lịch văn hóa luôn coi trọng nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa dân gian.
Căn cứ vào các dạng tài nguyên du lịch văn hóa dân gian có thể phân chia các sản phẩm du lịch thành các loại hình như sản phẩm du lịch nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm các đồ mỹ nghệ thủ công, lưu niệm; sản phẩm du lịch từ dịch vụ ăn, nghỉ; sản phẩm du lịch được khai thác từ lễ hội, lễ tục (nghi lễ, phong tục) dân tộc; sản phẩm du lịch trải nghiệm dựa trên cơ sở của kho tàng tri thức dân gian.
Khơi nét đặc trưng văn hóa vùng miền
Thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch đòi hỏi phải tuân theo một quy trình cụ thể. Trước hết, cần phải nghiên cứu tài nguyên du lịch và đặc trưng văn hóa dân gian ở địa phương. Tìm hiểu các điểm, khu du lịch và căn cứ vào nhu cầu du khách thường đến với tiềm năng mở rộng thị trường để xây dựng ý tưởng.
Từ ý tưởng, doanh nghiệp và nhà tư vấn sẽ thiết kế các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa dân gian. Các sản phẩm này phải đạt được yêu cầu mới và phải hấp dẫn, có khả năng được du khách chấp nhận. Nhưng điều quan trọng hơn đó phải là các sản phẩm đặc thù của từng vùng miền, địa phương.
Cũng là sản phẩm du lịch biển, nhưng du lịch biển ở Quảng Ngãi khác với ở Bình Định và càng khác với Nha Trang (Khánh Hòa). Điểm khác đó do nhiều yếu tố quyết định, nhưng yếu tố hàng đầu phải là tài nguyên du lịch và “hồn cốt” văn hóa dân gian.
Để thiết kế được các sản phẩm, đòi hỏi người sản xuất phải tiến hành sản xuất thử nghiệm, thăm dò nhu cầu du khách. Sau đó, tiến hành quảng cáo, bán sản phẩm. Cả một quy trình xây dựng sản phẩm đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa nhà tư vấn (có thể là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian), các nghệ nhân và doanh nghiệp du lịch. Tất nhiên, muốn xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù đòi hỏi phải tuân theo hệ thống nguyên tắc quan trọng:
Thứ nhất, phải chứa đựng cái hồn của văn hóa dân gian. Hồn của văn hóa dân gian phải trở thành cốt lõi của sản phẩm, nó tạo nên tính đặc thù riêng của từng vùng, miền khác nhau.
Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng thành các chuỗi sản phẩm, trong đó có sản phẩm cốt lõi. Đây là loại sản phẩm đặc trưng, tinh túy nhất phản ánh vẻ đẹp đặc sắc, có sức hấp dẫn du khách. Sản phẩm cốt lõi giữ vị trí trung tâm, hạt nhân của sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm cốt lõi cần phải xây dựng các sản phẩm bổ trợ. Các sản phẩm này có khả năng kết nối với sản phẩm cốt lõi, bổ sung thêm tính đặc thù, đặc sắc của sản phẩm cốt lõi, có điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia. Trong sản phẩm bổ trợ, cần xây dựng loại sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm hoàn thiện là những dịch vụ, hàng hóa cung cấp những tính năng, lợi ích vượt quá sự mong đợi của khách hàng, giúp cho sản phẩm đó hấp dẫn hơn các sản phẩm khác.
Ví dụ bên cạnh dịch vụ tắm biển ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), còn có sản phẩm trải nghiệm, hướng dẫn khám phá các dải san hô bằng dịch vụ lặn biển, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính.
Trước thực trạng và nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch như vậy, du lịch Việt Nam muốn cất cánh đòi hỏi phải thoát ra cái vẻ đẹp “na ná” của du lịch các cùng miền. Du lịch các địa phương cần căn cứ vào tính riêng của tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên du lịch tự nhiên để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.
Ở các chương trình này vừa lựa chọn các di tích làm điểm nhấn, vừa khai thác các di sản văn hóa dân gian phi vật thể (lễ hội, phong tục, nghề thủ công, ẩm thực...) tạo thành các sản phẩm bổ trợ. Ví dụ chương trình “Hành trình của các thần linh” sử dụng các chất liệu từ nghi lễ thờ cúng âm hồn, làm mộ gió, thờ cá ông... trở thành những sản phẩm thiêng nhưng mang tính đồ lưu niệm.
Hoặc bổ sung các trải nghiệm về khám phá biển, khám phá san hô, khám phá tri thức dân gian về văn hóa tỏi cùng những sản phẩm mang tính đặc sản của tỏi, của đảo Lý Sơn...
Các chương trình du lịch khác về bãi biển đẹp Mỹ Khê, về cửa biển, cửa sông, các khu chứng tích Sơn Mỹ, khu di tích Sa Huỳnh, các danh thắng núi Ấn, sông Trà... cần gắn với việc khai thác các di sản nghề thủ công, ẩm thực, tri thức dân gian trong sinh hoạt đời thường nhằm tạo thành các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm văn hóa dân gian của từng vùng ở Quảng Ngãi.
Mặt khác, nghiên cứu một số nghề thủ công được khai thác thành sản phẩm du lịch vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, mua các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản với hình thức đồ lưu niệm, hàng đặc sản...
Linh hồn của các sản phẩm du lịch đặc thù là các bài thuyết minh của hướng dẫn viên, các tài liệu giới thiệu về các di sản văn hóa, các địa danh, đặc trưng ẩm thực... Vì vậy các chi hội Văn nghệ dân gian ở các tỉnh nên đăng ký đề tài cấp tỉnh về xây dựng bộ tài liệu làm cẩm nang hướng dẫn viên du lịch.
Mục đích của bộ tài liệu này nhằm cung cấp các kiến thức chuẩn, khoa học cho các hướng dẫn viên, thuyết minh viên ở địa phương và toàn quốc về du lịch địa phương mình. Bộ tài liệu còn được xây dựng thành giáo trình giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn viên, thuyết minh viên.
Phương thức phát hành của bộ tài liệu có thể xây dựng thành các sách giới thiệu cẩm nang du lịch (dưới dạng sách in và sách điện tử). Hoặc có thể phát hành trên mạng dưới dạng tài liệu hạn chế có trả phí. Như vậy, cẩm nang thuyết minh du lịch không phải là sản phẩm du lịch mà là linh hồn tạo ra sự hấp dẫn của các điểm, tour, tuyến du lịch.
Bản thân của ngành du lịch là ngành kinh tế liên kết tổng hợp. Vì vậy, cần có giải pháp liên kết du lịch hấp dẫn. Bên cạnh việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh cần liên kết theo hướng văn hóa “biển và rừng”.
Các yếu tố văn hóa rừng sẽ bổ sung cho sản phẩm du lịch biển và tạo thành tour du lịch liên thông giữa cửa biển với đầu nguồn sông; giữa văn hóa dân gian miền biển với văn hóa dân gian miền rừng.
Như vậy, dựa vào yếu tố văn hóa dân gian để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù sẽ góp phần cho các địa phương có vẻ đẹp riêng, sức hấp dẫn riêng. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ làm cho du lịch từng vùng cất cánh, vượt qua cái bóng “na ná” của du lịch cả nước.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chất tổng thể, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân dân gian với doanh nghiệp du lịch.
Văn hóa dân gian không chỉ đi tìm các vẻ đẹp cổ xưa, không chỉ bằng lòng ca ngợi cái hay, cái đẹp mà văn hóa dân gian thực sự là nguồn lực để phát triển du lịch. Từ di sản, văn hóa dân gian sẽ trở thành tài sản của du lịch.