Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào việc học tập, tu dưỡng suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức

17/04/2021 | 14:23

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xác định đúng những nội dung, phương pháp, cách thức học tập, tu dưỡng suốt đời của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ; góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhận thức, mục đích, thái độ, động cơ đúng đắn của việc học tập, tu dưỡng suốt đời

Nhận thức đúng về tính thiết yếu, mục đích, xây dựng ý thức trách nhiệm, thái độ, động cơ học tập, tu dưỡng suốt đời là vấn đề quan trọng, tạo cơ sở để lựa chọn đúng nội dung, phương pháp, cách thức, đồng thời quyết định chất lượng, hiệu quả học tập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong suốt quá trình vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, tu dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm: “Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”(1). Người học tập không phải vì “chủ nghĩa bằng cấp”, “chủ nghĩa quan cách”, “danh thơm tiếng tốt”, tiền tài địa vị, chủ nghĩa cá nhân, “vinh thân phì gia”, mà học tập phải gắn liền với tu dưỡng các giá trị phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống tốt… để mở mang, phát triển kiến thức, tri thức, hiểu biết, phát huy ưu điểm, thế mạnh, sở trường, năng lực làm chủ, tư duy sáng tạo, kỹ năng sống và làm việc; phòng chống lạc hậu, tiêu cực; hạn chế yếu kém, khuyết điểm để làm người, làm việc hữu ích, giúp được người, giúp được mình cùng tiến bộ; để đóng góp, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, giải phóng mọi năng lực, giải phóng dân tộc, xã hội, con người và nhân loại.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trực tiếp thị sát thực tế ở nhiều quốc gia, dân tộc, cả những nước chính quốc và thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cả những quốc gia hòa bình và quốc gia có chiến tranh, những quốc gia phát triển và quốc gia chậm phát triển và những quốc gia có các thể chế chính trị khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khảo sát, nghiên cứu, phân tích, tổng kết và đi đến nhận định: “Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa”(2), đồng thời thấy rõ, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc luôn áp dụng thủ đoạn “ngu dân dễ trị” trong các chính sách xâm lược thuộc địa.

Người khẳng định, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dân tộc đã được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã đề nghị tiến hành ngay ba nhiệm vụ chính là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, trong đó nhiệm vụ diệt giặc dốt đặt trước nhiệm vụ diệt giặc ngoại xâm. Như vậy, theo Người, ngu dốt là một loại giặc, nhưng còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, và muốn tiêu diệt giặc dốt thì phải học tập, tu dưỡng nghiêm túc, cầu thị, hiệu quả, thiết thực đối với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải học tập, tu dưỡng suốt đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”(3). Muốn làm sự nghiệp cách mạng, phục vụ được Tổ quốc và Nhân dân, bảo vệ và xây dựng được Đảng, Nhà nước, chế độ thì trước tiên cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ hiểu biết, kiến thức, tri thức khoa học, phẩm chất nhân cách, đạo đức, lối sống tốt, để vừa là công dân tốt, vừa là “công bộc” tốt.

Hiệu quả học tập, tu dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức được “cân đong đo đếm”, đánh giá ở hiệu quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, ở sự đóng góp, cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, Nhân dân, gia đình, nên việc học tập, tu dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức phải hướng tới hoàn thiện bản thân, vì năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác và thiết lập đời sống gia đình, tổ chức, xã hội. Do đó, không chỉ khi đương nhiệm, mà cả khi nghỉ hưu, cán bộ, công chức, viên chức vẫn phải là công dân hữu ích, có những giúp đỡ, đóng góp, cống hiến ở các hình thức khác nhau cho gia đình, cộng đồng, xã hội, Nhân dân, cho Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, theo phương châm: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(4).

2. Xác định đúng những vấn đề cần phải học tập, tu dưỡng suốt đời

Thực hiện phương thức học tập, tu dưỡng toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, thứ tự ưu tiên; có kiến thức, tri thức nền tảng, tổng quát và kiến thức, tri thức theo ngành, lĩnh vực, chuyên sâu, phù hợp với từng chuyên môn, công việc, lĩnh vực hoạt động. Nền tảng kiến thức, tri thức hàng đầu của cán bộ, công chức, viên chức là hệ thống lý luận chính trị, kiến thức, tri thức về quy luật tự nhiên, xã hội, tư duy, thế giới quan khoa học, niềm tin, đạo đức cách mạng, phong cách công tác, để giác ngộ mục tiêu, lý tưởng của giai cấp, của Đảng, Nhà nước; xác định phương hướng, cách thức, phương pháp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; xây dựng lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp tư duy và làm việc sáng tạo trong cuộc sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng, tiếp cận, nghiên cứu tư tưởng của các nhà lý luận, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, hoạt động cách mạng của Việt Nam và thế giới, nhất là tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn liền với khảo nghiệm thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(5). Theo Người, học lý luận để hiểu biết, để thực hành, áp dụng vào việc làm: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”(6). Nội dung cốt lõi của lý luận chính trị là lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, mục tiêu lý tưởng, phương pháp cách mạng của Đảng, dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại.

Mặt khác, học lý luận chính trị cần được gắn bó hữu cơ với học tập về khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; học cách chăm sóc sức khỏe, thể lực và trí lực; học cách đọc, cách nói, cách viết, cách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức, cách hoàn thiện bản thân, cách phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và chăm sóc gia đình. Trong đó, quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ luôn đi tiên phong, xung kích, cách mạng hóa tư duy và hành động trong các lĩnh vực đời sống xã hội, trong cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần học tập khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ “để trở thành những tay chuyên môn nhân tài ứng dụng vào các ngành thực nghiệp và các cơ quan hành chính”(7). Khoa học kỹ thuật và công nghệ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả tốt; xây dựng phương pháp, tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp trong cuộc sống và công tác, bảo đảm tính kế hoạch, khoa học, thực tế, cụ thể, thiết thực, rõ ràng, minh bạch, văn minh, tiến bộ, hiệu quả.

Khi đất nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị cán bộ, đảng viên, công chức: “Chúng ta vừa làm, vừa học, vừa học, vừa làm. Cán bộ chính trị phải học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật phải học chính trị, để trở nên những cán bộ toàn diện”(8). Đồng thời, “cần học nhiều thứ: học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, nghiệp vụ”(9), để có được khối kiến thức, tri thức căn bản, nền tảng tốt, kiến thức, tri thức chuyên ngành giỏi, tinh thông nghiệp vụ.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, cán bộ, công chức, viên chức cần học tập, biết sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, nhất là ngôn ngữ quốc tế trong hoạt động công vụ và đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức: “Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người”(10) và “học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một cái chìa khóa để mở thêm kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”(11). Muốn thực hiện chức trách, nhiệm vụ tốt, thì cán bộ, công chức, viên chức phải có sức khỏe tốt, biết vận dụng kết quả học tập, tu dưỡng suốt đời với kiến thức, tri thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn vào rèn luyện thể chất cả trí lực và thể lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc, thì nên nghiên cứu các vấn đề, hoặc theo sức mình mà tăng gia sản xuất. Như thế đã bổ ích cho thân thể lại vui cho tinh thần”(12). Muốn học tập, tu dưỡng suốt đời đạt kết quả tốt, muốn có năng suất, chất lượng, hiệu quả cuộc sống và công tác tốt, thì cán bộ, công chức, viên chức phải có sức khỏe tốt “phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”(13).

3. Lựa chọn, thực hiện đúng phương pháp, cách thức học tập, tu dưỡng suốt đời

Để việc học tập, tu dưỡng suốt đời đạt hiệu quả thiết thực cho cuộc sống và công tác, nhất là đáp ứng yêu cầu cải cách, hoạt động công vụ trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần căn cứ vào nhu cầu, khả năng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế để lựa chọn đúng các hình thức, cách thức, phương pháp học tập, tu dưỡng cho phù hợp; cần thực hiện phương châm tự giác, tự nguyện, tự chủ trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn công tác và đời sống hiện thực. Học tập, tu dưỡng từ nhiều nguồn thông tin, kết hợp nhiều phương tiện, lực lượng, cơ sở vật chất, cách thức, biện pháp.

Tuy nhiên, hệ thống kiến thức, tri thức luôn thay đổi, phát triển không ngừng. Do vậy, đối với nhà trường cần kịp thời cải cách, đổi mới tư duy, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo theo yêu cầu thực tiễn xây dựng nguồn nhân lực và hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ trong tình hình mới. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải học tập, tu dưỡng suốt đời bằng nhiều cách thức, biện pháp phong phú, đa dạng, thiết thực, cụ thể, phù hợp với nhu cầu cuộc sống và nhiệm vụ công tác…, có thể học “trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp”(14).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tự lực, tự cường, tự học tập, tu dưỡng suốt đời, vừa làm việc vừa học tập, vừa làm giàu trí tuệ vừa tu dưỡng phẩm chất, nhân cách trong nhiều điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, không gian, thời gian, thực tế cuộc sống và hoạt động cách mạng khác nhau. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cần phải lấy việc tự học tập, tự đào tạo, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân thường xuyên, liên tục trong cuộc sống, công tác là chủ yếu. Người nhấn mạnh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(15).

Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân và Nhân dân vừa là chủ thể xây dựng, sở hữu vừa là đối tượng được phục vụ của nền công vụ. Chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ được đánh giá, xếp loại ở mức độ hài lòng về sự phục vụ cộng đồng, xã hội, cung cấp dịch vụ công và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Những tình cảm, nhiệt huyết, ý tưởng, sáng kiến, đóng góp từ Nhân dân vào xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nền công vụ có giá trị to lớn, giúp cho nền công vụ được xây dựng thực sự là nền công vụ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo.v.v… có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”(16), những tấm gương người tốt, việc tốt, người tử tế, việc tử tế. Học lẫn nhau trong từng gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia, quốc tế, để tiếp thu mặt tốt, tích cực, tiến bộ, đồng thời phòng, chống những mặt xấu, tiêu cực, lạc hậu.

Ngày nay, trước yêu cầu về chất lượng, hiệu quả xây dựng và hoạt động của nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân, thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  cần nâng cao trình độ, ý chí quyết tâm, trách nhiệm công tác để học tập, tu dưỡng và cống hiến “Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”(17). Việc học tập, tu dưỡng suốt đời phải gắn liền với thực hành, thực nghiệm, thực tế, học tập phục vụ cho làm việc, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học để hành. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(18).

Do đó, bổ sung, phát triển, hoàn thiện kết quả học tập, tu dưỡng suốt đời với các phẩm chất, năng lực, nhân cách, tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu từ hoạt động thực hành, thực tiễn tổ chức cuộc sống, lao động, công tác. Vì vậy, người lãnh đạo, quản lý và các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được học tập, làm việc trong các môi trường khác nhau, nhất là trong những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, hy sinh, có nhiều thử thách để bồi dưỡng, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện, phát triển các kỹ năng, tư duy, phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, nghị lực… để trở thành những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.

-------------------------

Ghi chú:

(1) Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, Bác Hồ thời niên thiếu, Nxb CTQG - ST, H.2000, tr.48-49.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.256.

(3),(4) Sđd, tập 15, tr.294, tr.113.

(5),(8),(9),(16) Sđd, tập 12, tr.563, tr.694, tr.528, tr.528.

(6),(10),(15),(18) Sđd, tập 6, tr.357, tr.103, tr.694, tr.528.

(7) Sđd, tập 4, tr.98-99.

(11) Bác Hồ - Con người và phong cách, Nxb Lao động, H.1999, tr.54.

(12) Sđd, tập 5, tr.176.

(13),(17) Sđd, tập 10, tr.440, tr.440.

(14) Sđd, tập 8, tr.100.

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×