Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng trong phát triển văn hóa đọc

17/12/2019 | 12:08

Công tác vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng đã góp phần giúp cho hoạt động thư viện hiệu quả hơn, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Sự khởi sắc của văn hóa đọc

Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 (sau đây gọi là Đề án) đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội và mỗi con người Việt Nam. Sau khi Đề án được phê duyệt và đi vào triển khai, thực hiện, văn hóa đọc ở Việt Nam đã có sự khởi sắc.

Vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"

Theo số liệu thống kê, mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu tụt giảm. Năm 2019, có 24.080 thư viện công cộng (tăng 14%), trong đó, số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện (tăng 11%), số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.881 (tăng 11.4%) so với năm 2018. Năm 2019, có tổng số 44 triệu bản sách, tăng 3% so với năm 2018.

Tổng số bạn đọc đến thư viện cũng có sự bứt phá. Nếu như trong năm 2017, chỉ có hơn 29 triệu lượt người sử dụng được thư viện công cộng phục vụ thì năm 2018, số người sử dụng là hơn 36 triệu lượt và đến năm 2019 là hơn 47 triệu lượt người.

Bên cạnh đó, Đề án còn đẩy mạnh việc hướng đến phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt như người khuyết tật, người khiếm thị, phạm nhân…

Chỉ riêng bộ phận phục vụ người khiếm thị tại Thư viện khoa học tổng hợp TP HCM trong hai năm qua (2018-2019) đã phục vụ hơn 15 nghìn lượt bạn đọc khiếm thị với hơn 25 nghìn tài liệu chuyên biệt.

Công tác phục vụ tại các trại giam cũng được triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: số lượng sách do các thư viện tỉnh tặng cho trại giam những năm qua là hơn 157 nghìn cuốn; luân chuyển hơn 235 nghìn cuốn; phối hợp tổ chức, trưng bày, triển lãm sách 2.482 lần cho 138.579 phạm nhân tham dự. Nhiều trại giam đã phối hợp với các thư viện tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp phục vụ phạm nhân. Nhờ tăng cường hoạt động đọc sách tại các trại giam, nhiều phạm nhân đã thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo, tu dưỡng để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 2.

Bộ VHTTDL trao Giải thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong hoạt động thư viện

Thành công từ xã hội hóa

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện, thực hiện chủ trương, nhiệm vụ xã hội hóa được giao trong Đề án, Bộ VHTTDL đã phát động nhiều chương trình nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tiêu biểu có thể kể đến Dự án Xe ô tô thư viện lưu động "Ánh sáng tri thức" do Quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn Vingroup tài trợ. Dự án đã trao tặng 08 xe ô tô thư viện lưu động vào năm 2018 và 31 xe vào năm 2019. Đây là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với ánh sáng tri thức. Sau khi nhận xe, các thư viện tỉnh đã tích cực triển khai đưa xe ô tô thư viện lưu động đến phục vụ tại các điểm trên địa bàn; đồng thời còn phối hợp với Trung tâm tin tức VTV24 trong chương trình "Cặp lá yêu thương" để dự án được lan tỏa rộng rãi hơn.

Năm 2019, Vụ Thư viện đã phát động chương trình "Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt" và thu hút được sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân cùng đồng hành như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà sách Thăng Long, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Alpha Book...

Tại nhiều địa phương đã thực hiện chương trình với các hình thức khác nhau. Tại các thư viện công cộng triển khai chương trình "Cùng em đọc sách". Tại các thư viện trường học, các em học sinh có nhiều chương trình hỗ trợ nhau cùng đọc sách; điển hình như tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, các em mắt sáng đã hỗ trợ, cùng đọc sách cho các bạn khiếm thị.

Vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng trong phát triển văn hóa đọc - Ảnh 3.

Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện được đẩy mạnh

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL còn phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp như Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo First News-Trí Việt, Công ty IDT, Tổ chức Good Neighbors (GNI Hàn Quốc), Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam VICC...; các cá nhân, đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL, Bệnh viện Bưu điện... trao tặng hơn 50.000 cuốn sách cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng; đặc biệt là các chương trình tặng sách, thiết bị trường học cho các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tỉnh Hòa Bình; trao tặng sách và thiết bị chuyên dụng cho học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư – Thư viện thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, Dĩ An có 200 ngàn công nhân ở nhiều địa phương trên cả nước tập trung sinh sống. Việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của công nhân được lãnh đạo địa phương chú trọng. "Để đưa sách đến với đối tượng công nhân, những người làm công tác thư viện ở Dĩ An đề xuất lãnh đạo địa phương, tổ chức phục vụ đọc đến với đối tượng công nhân. Thường xuyên phối hợp liên đoàn lao động chuyển sách đến các nhà trọ, vì đối tượng công nhân không có thời gian đến thư viện, thì chúng tôi chuyển sách đến các phòng trọ. Có nguồn kinh phí bồi dưỡng cho người quản lý tủ sách cho công nhân, nên kích thích việc đọc hiệu quả. Công tác này liên kết với công đoàn các công ty. Hiệu quả nhất là một công ty nội thất ở KCN Sóng Thần, có một cán bộ thủ thư chuyên trách. Mỗi tháng lãnh đạo công ty có kinh phí hỗ trợ cho người phụ trách thư viện. Điều này góp phần kích thích văn hóa đọc. Năm 2019, thư viện thị xã Dĩ An phục vụ 189 nghìn lượt người đọc, có hơn 700 ngàn đầu sách, báo.

Tương tự, ở Trại giam Phú Sơn (Phú Lương, Thái Nguyên), công tác xã hội hóa nguồn sách phục vụ phạm nhân được đẩy mạnh. Theo đại diện cán bộ Trại giam Phú Sơn cho biết, Trại giam quản lý 5000 phạm nhân, cho đến nay đã xây dựng được 5 thư viện với 15 nghìn bản sách. Nguồn sách 100% từ nguồn xã hội hóa. Để đảm báo có sách mới, hàng năm trại giam thực hiện 2 lần luân chuyển, cử 1 cán bộ theo dõi. Thư viện mở các ngày trong tuần, có thể mượn về buồng hoặc đọc tại Thư viện. Có trên 100 nghìn lượt phạm nhân đến mượn đọc/năm. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nhằm khích lệ phạm nhân đọc sách được triển khai như: Triển lãm sách là người bạn, người thầy; Sách là nguồn tri thức vô tận…Phát động cuộc thi về sách và viết cảm nhận về sách trong phạm nhân.

Sự tham gia tích cực của các cá nhân, tập thể trong việc chia sẻ, truyền tình yêu, phương pháp đọc sách, tặng sách cho trẻ em, người dân vùng khó khăn, phạm nhân, người khiếm thị... đã góp phần mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, khích lệ tinh thần đọc sách trong người dân, góp phần triển khai hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×