Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Vấn đề phát triển văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước

17/11/2010 | 09:39

TS.Lê Trung Kiên-Giảng viên Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã có bài viết về vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Năm 1991, sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh chính trị mới như một sự kế tục bản Cương lĩnh năm 1930 trong hoàn cảnh mới của đất nước. Lần này, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đảng một lần nữa bổ sung, phát triển Cương lĩnh lãnh đạo đất nước của mình. Chúng ta có thể thấy rõ tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của bản “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) này khi so sánh với bản Cương lĩnh đã được Đảng ta thông qua vào Đại hội VII năm 1991.

Đối với một đời người, 20 năm là thời gian đủ để một bào thai sinh thành, lớn lên và trở thành một thanh niên, một công dân, một thành viên hữu ích cho xã hội. Đối với một tổ chức Đảng trong thời đại thông tin ngày nay, 20 năm là cả một khoảng thời gian để có thể làm nên được những kỳ tích mà trước đó loài người chưa hề nghĩ tới. Nhìn chung bản Cương lĩnh này đã thể hiện được điều đó.

Văn hoá là một trong những định hướng phát triển lớn của đất nước

Giống như Cương lĩnh 1991, bản Cương lĩnh lần này vẫn gồm 4 nội dung lớn với 12 mục cụ thể. Nhưng đề mục của các nội dung đã có sự thay đổi đáng kể. Nội dung thứ III, Cương lĩnh 1991 là: “Những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại” thì Cương lĩnh lần này là: “Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.

Như vậy, nếu như ở Cương lĩnh 1991, “văn hoá” chưa có mặt trong đề mục của những định hướng lớn, thì tại Cương lĩnh này, “văn hoá” đã là một trong những định hướng phát triển lớn, bên cạnh các định hướng lớn khác là kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sự thay đổi này đã nói lên quan điểm về văn hoá, nhận thức về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước hiện nay của Đảng ngày càng trở nên sâu sắc, rõ ràng, khoa học hơn.

Ngay từ Hội nghị Trung ương 5, khoá VIII (năm 1998) Đảng ta đã nhận thức rằng: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Cho đến nay, quan điểm này đã chính thức được ghi nhận sau hơn 10 năm thực thi trong thực tiễn và đã trở thành một nội dung lớn trong cương lĩnh của Đảng.

Điểm mới trong “Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh”

Mục 6 trong nội dung này ở Cương lĩnh năm 1991 là nói về chính sách xã hội, trong đó có đề cập đến lĩnh vực văn hoá như một vấn đề của chính sách xã hội thì tại dự thảo Cương lĩnh này, mục 6 đã được thay đổi là “Xây dựng nền văn hoá …” trong đó chính sách xã hội là một vấn đề của xây dựng văn hoá.

Trong mục 6, dự thảo Cương lĩnh có đưa ra các vấn đề chính đó là: “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển…. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân…”

Nhìn chung, xét từ phương diện khoa học văn hoá – xã hội, bản dự thảo Cương lĩnh này là thành quả lao động kiên trì và vô cùng thận trọng của tập thể các giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi, các nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm của đất nước. Với những nội dung đã xác định về định hướng xây dựng và phát triển văn hoá, cá nhân tôi nhận thấy như vậy đã là hoàn chỉnh và toàn diện, khó mà có những khiếm khuyết.

Những vấn đề xây dựng và phát triển văn hoá được dự thảo Cương lĩnh đề ra đã thể hiện được kết quả, thành tựu của những trăn trở, suy tư về văn hoá trong các văn kiện của Đảng từ 20 năm trở lại đây, có thể xem đó là sự kết tinh những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá. Những vấn đề đó đều thể hiện tinh thần nhân văn cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện được quy luật vận động và phát triển của văn hoá và được hình thành trên cơ sở 5 quan điểm về xây dựng và phát triển văn hoá đã được Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Căn cứ vào những định hướng trên ta có thể phân tích, triển khai mở rộng ra để đề cập tới tất cả những vấn đề xây dựng và phát triển văn hoá trong thực tiễn cuộc sống của đất nước, từ những vấn đề vĩ mô đến những vấn đề vi mô trong đời sống văn hoá xã hội.

Lối sống văn hóa thể hiện cả ở việc lời nói đi đôi với việc làm

Nếu bản Cương lĩnh 1991 được coi như tư duy của một chàng trai 17 tuổi, vừa vượt qua bao gian lao vất vả với chiến tranh, với thiên tai và sự khắc nghiệt của tự nhiên để sinh tồn phát triển trong nền văn minh nông nghiệp, thì bản Cương lĩnh này vẫn thể hiện tư duy của chàng trai ấy, nhưng đã là một trí thức, một công dân trong xã hội văn minh công nghiệp, bắt đầu bước vào tuổi trung niên với những sự chắc chắn, vững vàng về vốn sống và sự am hiểu xã hội của mình.

Trong nội dung II: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Cương lĩnh 1991 xác định:

“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:

- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.”

Dự thảo Cương lĩnh lần này xác định rõ ràng, chắc chắn hơn:

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.”

Như vậy có thể thấy, nội dung của xã hội xã hội chủ nghĩa mà dự thảo Cương lĩnh của Đảng lần này có bổ sung thêm 2 điều quan trọng:

- Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Và có thay đổi một số câu chữ, ví dụ như, ở Cương lĩnh 1991 là “Do nhân dân lao động làm chủ” thì dự thảo Cương lĩnh 2011 là “do nhân dân làm chủ”. Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với sự thay đổi này vì là người dân trong thời đại ngày nay thì đã là người lao động và người làm chủ xã hội hiện đại không phải chỉ có những người đã đến tuổi lao động, có việc làm mà cả những học sinh sinh viên, những người không có khả năng lao động cũng cần được phát huy quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình.

Góp ý bổ sung nội dung “lời nói luôn đi đôi với việc làm

Xét thực trạng đời sống văn hoá xã hội hiện nay, Đảng và nhà nước ta cũng đang chú ý nhiều đến việc xây dựng văn hoá Đảng, văn hoá chính trị, tôi xin có một ý nhỏ như sau:

Điều lệ Đảng Cộng sản đã xác định rất rõ là Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Trong nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang triển khai tích cực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một trong những điều bình thường, giản dị nhất, nhưng cũng là cốt lõi nhất đã làm nên văn hoá Hồ Chí Minh mà chúng ta đã nhận biết được một cách sâu sắc trong tư tưởng và trong hành động của Hồ Chí Minh về phong cách làm việc, lối sống văn hoá là: lời nói phải đi đôi với việc làm.

Trên thực tiễn cuộc sống, sự không thống nhất giữa lời nói và việc làm, nói một đằng làm một nẻo hay chỉ nói mà không làm sẽ làm mất đi nhân cách con người. Nếu là người cán bộ thì vấn đề không chỉ là nhân cách con người bị mất mà còn mất đi lòng tin, tình yêu của người dân với cán bộ của Đảng.

Sự không thống nhất giữa lời nói và hành động, lời nói không đi đôi với việc làm là một biểu hiện nổi trội nhất, dễ nhận biết nhất của sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống con người, đặc biệt là người cán bộ đảng viên.

Xuất phát từ những nhận thức như vậy, tôi xin đề nghị bổ sung vào dự thảo Cương lĩnh, nội dung thứ III: “Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại” tại mục 6 khổ thứ nhất, câu thứ hai mấy chữ: “lời nói luôn đi đôi với việc làm” để câu này được trọn vẹn như sau:

“… Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao, lời nói luôn đi đôi với việc làm. …”

(Theo VGP)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×