Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

“Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”: Trước hết, bản thân các nhà báo cũng phải chuẩn mực

14/03/2019 | 11:09

Bàn về vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Báo chí muốn góp phần xây dựng sự chuẩn mực thì bản thân mỗi nhà báo, phóng viên cũng phải chuẩn mực”.

Trao đổi về chủ đề trên, ông Lợi nói thêm: “Chuẩn mực trong đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội. Có một hiện tượng hiện nay là báo chí mải mê chạy theo “câu view” nhiều quá. Những hiện tượng không tốt lại được làm “nóng”, thậm chí “nuôi dưỡng” những điều thiếu tích cực. Đó là sự không chuẩn mực của báo chí”.

“Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”: Trước hết, bản thân các nhà báo cũng phải chuẩn mực - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông nhận định như thế nào về vai trò truyền thông của báo chí trong phản ánh các hành vi cũng như phản biện lại các hiện tượng lệch chuẩn liên quan đến văn hóa ứng xử trong thời gian qua?

- Ông Hồ Quang Lợi: Hội Nhà báo Việt Nam đã, đang rất tích cực, khẩn trương phối hợp cùng Bộ VHTTDL trong công tác chuẩn bị tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc diễn ra từ ngày 15-17.3 tại Hà Nội theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tôi tin rằng cuộc hội thảo này sẽ mang lại hiệu quả tích cực khi đề cập đến một chủ đề rất thời sự, thiết thực với đời sống xã hội và đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Văn hóa ứng xử chính là một gương mặt của văn hóa. Văn hóa ứng xử đang trở thành một vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội. Bên cạnh những nét đẹp chuẩn mực, trên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến chúng ta lo ngại về sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Thực trạng này đang chịu tác động mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số, trong đó có sự lên ngôi của mạng xã hội ở mức không kiểm soát được. Cần nhấn mạnh, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số đó, vai trò của báo chí càng phải được thể hiện và khẳng định một cách mạnh mẽ bằng việc thể hiện thông tin một cách chính xác, chuẩn mực và có tính định hướng cao, trong đó có vấn đề truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử.

Trong thời gian qua, báo chí đã góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều tin, bài đã phát hiện, làm lan tỏa những nét đẹp về văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội, từ đó tác động tích cực và nhân lên những điều tốt đẹp. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phát hiện, phản ánh và lên tiếng mạnh mẽ trước nhiều hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn. Qua đó rung lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, mở rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Cũng phải thấy rằng, báo chí đã phát hiện những bất cập trong quản lý và định chế ở các mức độ khác nhau, từ quy ước, các văn bản quy định để từng bước hình thành những chuẩn mực. Lâu nay, trước nhiều hiện tượng lệch chuẩn, nhiều ý kiến cho rằng cứ để xã hội tự điều chỉnh tính chuẩn mực, để mọi người dần tự hiểu thế nào là đúng và thế nào là không đúng. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó chúng ta phải từng bước hình thành những chuẩn mực, thể hiện rõ bằng các định chế, điều khoản. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Trong đó, điều 5 quy định rõ chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Gần đây nhất, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bao gồm 4 điều người làm báo cần làm và 8 điều không được làm. Quy tắc này được dư luận quan tâm bởi trực tiếp tác động tới người làm báo với vai trò dẫn dắt dư luận xã hội.

Với tinh thần như vậy, tôi hoan nghênh Bộ TT&TT đang xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam”. Đối với Bộ VHTTDL, tôi nghĩ chúng ta cũng cần dần hình thành và ban hành những chuẩn mực về ứng xử văn hóa. Song hành là vai trò quan trọng của báo chí trong việc hình thành và xây dựng chuẩn mực đó.

“Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”: Trước hết, bản thân các nhà báo cũng phải chuẩn mực - Ảnh 2.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện ở Hà Nội Ảnh: TR.HUẤN

Theo ông, báo chí đã thể hiện được vai trò của mình trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, tác động và định hướng đúng đắn cho dư luận xã hội hay chưa?

- Báo chí muốn góp phần xây dựng sự chuẩn mực trong xã hội nói chung và về chuẩn mực văn hóa ứng xử nói riêng thì bản thân báo chí, bản thân các nhà báo cũng phải chuẩn mực.

Chuẩn mực trong việc đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội. Có một hiện tượng là báo chí bây giờ mải mê chạy theo “câu view” nhiều quá. Những hiện tượng không tốt lại được làm “nóng” lên, thậm chí còn “nuôi dưỡng” những điều thiếu tích cực. Đó là sự không chuẩn mực của báo chí. Chúng ta đang xây dựng một nền báo chí vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn và đặc biệt là phải góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Báo chí phải góp phần vào đó. Trong đó, văn hóa ứng xử là vấn đề thời sự, rất quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay.

“Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”: Trước hết, bản thân các nhà báo cũng phải chuẩn mực - Ảnh 3.

Tại buổi hội thảo "Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0" trong khuôn khổ Hội báo xuân 2018, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cảnh báo: Nếu phóng viên, nhà báo lấy nguồn tin trên FB mà không tiến hành xác minh một cách thận trọng sẽ phải "rước họa vào thân" Ảnh: NG.N

Nhắc đến sự không chuẩn mực của báo chí, có thể nói đây là một vấn đề đang đặt ra đối với đội ngũ người làm báo Việt Nam. Một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, trong khi những thông tin được kiểm chứng chưa rõ ràng thì báo chí lại vào cuộc một cách thái quá. Ông có suy nghĩ gì trước hiện tượng này?

- Đó là vấn đề tôi đã lên tiếng. Gần nhất là những thông đến vụ việc cô giáo có quan hệ tình cảm với nam sinh. Tôi thấy sự vào cuộc của báo chí vừa rồi cần điều chỉnh.

Nếu việc đưa thông tin ở mức độ cảnh báo xã thì chấp nhận được. Tuy nhiên báo chí khai thác quá dồn dập, thậm chí có những tờ báo đăng mấy chục bài, và đưa cả những thông tin chưa được kiểm chứng làm nóng trong dư luận xã hội quá mức cần thiết. Vô hình trung tạo nên một bầu không khí xã hội vẩn đục, tác động rất xấu đến việc xây dựng hình ảnh và môi trường giáo dục. Vì vậy, sự vào cuộc như vừa rồi của báo chí rất cần cảnh báo và nhắc nhở.

Cũng có một hiện tượng khá phổ biến là trong khi nhiều nhà báo mải mê “câu view” bằng những tin bài giật gân, gây sốc thì những bài viết về tấm gương người tốt việc tốt, hiện tượng tích cực lại không được nhiều tờ báo chú trọng?

- Đây cũng là vấn đề cần cảnh báo. Việc tiêu cực, không tốt thì nhiều khi báo chí lại đưa với liều lượng quá mức, trong khi việc phát hiện và tạo sức lan tỏa đối với những điều tốt đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến... thì đúng là còn bị xem nhẹ, hoặc làm rất nhạt. Nếu cứ nhìn vào những gì báo chí phản ánh, thậm chí có những tờ báo có đến 70- 80% thông tin tiêu cực thì sẽ khiến cho hình ảnh bức tranh xã hội trở nên lệch lạc, không đúng bản chất. Tôi cho rằng, cần phải chấn chỉnh để báo chí khách quan hơn, chính xác hơn trong phản ánh đời sống xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nâng cao vai trò báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử

Phát biểu tại cuộc họp về công tác chuẩn bị Hội thảo “Vai trò của Báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, với một chủ đề mang tính thời sự, hội thảo cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Đặc biệt, cần chú trọng và nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử, tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Dự kiến diễn ra vào sáng 16.3 tại Bảo tàng Hà Nội, hội thảo do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành TƯ, UBND TP Hà Nội; các nhà nghiên cứu văn hóa, báo chí, truyền thông và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo... Nội dung hội thảo tập trung thảo luận về lối sống, văn hóa ứng xử của con người Việt Nam, văn hóa ứng xử trong gia đình; ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ; xây dựng môi trường ứng xử lành mạnh, an toàn trên mạng xã hội...

Hội thảo cũng đánh giá vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa về chuẩn mực văn hóa trong đời sống xã hội. P.A



Ở góc độ của từng nhà báo, theo ông, mỗi người làm báo cần tự nâng cao ý thức và phát huy trách nhiệm như thế nào đối với cộng đồng?

- Tôi cho rằng, các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cần phải tiếp tục mở những cuộc sinh hoạt về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hai văn bản rất quan trọng là Luật Báo chí 2016 và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đều có hiệu lực từ 1.1.2017, nhưng đã hơn 2 năm, dường như nhiều cấp hội nhà báo và một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đến nơi đến chốn việc giáo dục đạo đức cho đội ngũ người làm báo của mình, để qua đó mỗi cá nhân nhận thức tốt hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Bản thân các nhà báo cũng cần vừa trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, đội ngũ người làm báo Việt Nam cùng nhau thực hiện mục tiêu xây dựng một nền báo chí vừa có sức chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, góp phần xây dựng những nền văn hóa và nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×