Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức Chương trình Hội thảo Hướng nghiệp cho Vận động viên tại thành phố Đà Nẵng
15/09/2023 | 08:52Đối với mỗi cán bộ, HLV, VĐV hoạt động trong ngành TDTT, việc cống hiến hết mình cho thể thao, giành thành tích cao trong thi đấu, góp phần vào sự lớn mạnh của nền thể thao quốc gia là điều luôn nằm trong trái tim và suy nghĩ của họ. Tuy nhiên, sẽ đến một thời điểm nào đó, vì một số những lý do khách quan, chủ quan, họ không thể tiếp tục thi đấu và phải giã từ sự nghiệp.
Có những VĐV sự chuẩn bị, diễn biến và kết thúc của quá trình giải nghệ này diễn ra khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cũng có những VĐV, quá trình này lại rất khó khăn và mệt mỏi. Những VĐV đó do chưa có sự sẵn sàng cho việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng như chưa có sự định hướng từ ban đầu, sự tư vấn của các đơn vị, tổ chức có liên quan, hay cá nhân có kinh nghiệm, sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực không thể ngờ tới.
Nhận thức được những khó khăn vướng mắc mà các VĐV có thể phải đối diện trong quá trình trước và sau khi giải nghệ, các quốc gia, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao đều có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho vấn đề này. Đó có thể là các chính sách đào tạo nghề, giáo dục cho các VĐV song song với khoảng thời gian họ đang cống hiến cho thể thao, để khi giải nghệ, họ đã có sẵn trong tay lượng kiến thức cần thiết, hoặc một nghề nghiệp ổn định. Đôi khi đó có thể là những chương trình học bổng, chương trình bảo hiểm dài hạn đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc. Còn đối với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, đó có thể là các chương trình hỗ trợ VĐV, cơ hội làm việc đúng chuyên môn để họ có thể tiếp tục cống hiến và phát triển sự nghiệp.
Xuất phát từ những lý do trên, vào những ngày đầu tháng 9, trong không khí sôi nổi của ngành Thể dục thể thao chuẩn bị cho Asiad 19 Hàng Châu, Trung Quốc, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp với Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng tổ chức Chương trình Hội thảo Hướng nghiệp cho Vận động viên tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo này được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp các Vận động viên tự tin, sáng tạo trong việc chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi ngừng thi đấu đỉnh cao.
Trên thực tế, trong nhiều năm vừa qua, việc sắp xếp công việc cho các VĐV tại các địa phương sau khi giải nghệ chưa thật sự được quan tâm chú ý, nhất là đối với các VĐV không đạt được thành tích nổi bật trên các đấu trường khu vực và thế giới. Sự hỗ trợ về một phần kinh tế và sự giới thiệu các vị trí công việc thường chỉ dành cho một bộ phận các VĐV ưu tú hoặc các VĐV trong tập luyện, thi đấu không may gặp phải chấn thương, khuyết tật.
Cùng với đó, tình hình kinh tế và tài chính trong và ngoài nước đối mặt với khủng hoảng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc bố trí việc làm cho các VĐV; xu thế tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp cắt giảm nhân viên trong bối cảnh chung cũng là những rào cản cho việc tuyển dụng nhân sự.
Về yếu tố chủ quan, đa số các VĐV sau khi nghỉ thi đấu các kiến thức và kỹ năng để đáp ứng các công việc khác ngoài lĩnh vực thể dục thể thao còn yếu…đó cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị rất khó có thể sắp xếp một công việc phù hợp với nhóm VĐV này.
Trước thực trạng đó, các đơn vị quản lý, các nhà quản lý luôn quan tâm và giành nhiều tâm huyết của mình vào việc làm thế nào để chăm lo, động viên, khuyến khích đầu tư, đãi ngộ tốt đối với các vận động viên tài năng, góp phần vào việc thu hút nhân tài thể thao cho nước nhà.
Phát biểu tại Chương trình, Lãnh đạo Uỷ ban Olympic – ông Trần Văn Mạnh chia sẻ: Ông rất vui mừng khi có mặt tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng, một trong những cái nôi đào tạo, huấn luyện lực lượng Vận động viên của cả nước để cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo Hướng nghiệp vận động viên. Chương trình này đã được Hội đồng Olympic Châu Á hỗ trợ, Ban Chấp hành Uỷ ban Olympic Việt Nam phê duyệt, sẽ mang nhiều ý nghĩa, giá trị sâu sắc và tạo sức lan toả rộng khắp ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sự kiện này cũng là dịp thuận lợi để động viên, khích lệ và tăng thêm sức mạnh cho các vận động viên không chỉ trong tập luyện, thi đấu mà còn có sự liên tục phấn đấu, học tập nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, khi nghỉ thi đấu sẽ có những công ăn việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống của cá nhân và gia đình.
Tại Hội thảo, các vận động viên đã được lắng nghe 4 chuyên đề có liên quan đến công tác hướng nghiệp, gồm: Kinh tế thể thao – Cơ hội việc làm cho các vận động viên sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao; Câu chuyện và bài học khởi nghiệp; Chia sẻ một số thông tin về chương trình đào tạo cho vận động viên tài năng thể thao của Trường ĐH TDTT Đà Nẵng; và Đại diện Alphanam Group chia sẻ nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực từ tập đoàn, hoạt động và hỗ trợ, đào tạo từ thực tế để vận động viên tự tin, đủ điều kiện ứng tuyển nhanh chóng, hiệu quả.
Đặc biệt, tại Chương trình các vận động viên còn được giao lưu với cựu cầu thủ Lê Công Vinh và chuyên gia Fitness Nguyễn Hằng – những tấm gương điển hình trong việc hướng nghiệp thành công của vận động viên sau khi giải nghệ.
Một số thông tin tham khảo về các Chương trình hướng nghiệp cho vận động viên trên thế giới.
Chương trình hỗ trợ giáo dục của Liên đoàn Cử tạ quốc tế: Liên đoàn Cử tạ quốc tế hiện nay đã rất chủ động trong việc liên kết với các trường Đại học trên thế giới để xây dựng các chương trình đào tạo từ xa, giúp các vận động viên, huấn luyện viên có thể yên tâm hơn trong vấn đề học tập, đào tạo. Bên cạnh đấy, Liên đoàn Cử tạ quốc tế còn tổ chức chuỗi Chương trình hỗ trợ giáo dục với nhiều các buổi hội thảo, lớp học ngắn hạn, các buổi sinh hoạt chuyên đề được chủ trì bởi các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TDTT… biên tập và giảng dạy. Các buổi học đơn giản có khi chỉ là những cơ hội giúp mọi người chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sống. Thông thường các tiết học nằm trong Chương trình hỗ trợ giáo dục được diễn ra vào khoảng thời gian diễn ra các Giải vô địch Cử tạ Thế giới vì đây là dịp số lượng các VĐV Cử tạ quy tụ đông đảo nhất.
Malaysia với chế độ hưu trí đối với các vận động viên đoạt huy chương Vàng: Đề án về việc hỗ trợ các vận động viên sau giải nghệ được đưa ra sau Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung - Kuala Lumpur năm 1998 giữa Công ty Carlsberg Malaysia và Hội đồng Olympic Malaysia (OCM). Chương trình này đã chứng kiến tổng cộng gần 200 vận động viên được hưởng lợi từ chương trình bảo hiểm có tiền thưởng tích lũy đến 3,67 triệu RM của Đề án. Đề án Hỗ trợ vận động viên giải nghệ OCM-Carlsberg đang cung cấp chương trình bảo hiểm nhân thọ cá nhân đối với những vận động viên Malaysia giành được huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á, Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung hay tại Thế Vận Hội với việc Hội đồng Olympic Malaysia chi trả phí bảo hiểm hàng năm trong khoảng thời gian 14 năm. Huy chương vàng cá nhân tại Đại hội thể thao châu Á, Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung sẽ được trao một hợp đồng bảo hiểm suốt đời mệnh giá 50.000 RM, trong khi nhà cựu vô địch Olympic được cung cấp gói bảo hiểm suốt đời mệnh giá 160.000 RM.
Nhật Bản giúp các VĐV lo toan về cuộc sống: Để cho toàn xã hội sử dụng một cách có hiệu quả những khả năng của các vận động viên hàng đầu đã nghỉ thi đấu, các vận động viên sẽ được cung cấp học bổng phát triển nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho việc học tập của họ tại các trường đại học và các học viện khác. Những vận động viên nhận được học bổng có nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động đóng góp xã hội tại các câu lạc bộ, trong các trường học và tham gia vào các sự kiện để trực tiếp nói chuyện với công chúng về những gì họ làm và những thành tựu mà họ đã đạt được.
Trung Quốc thực hiện các giải pháp toàn diện cho các vận động viên sau khi giải nghệ, gồm: Các giải pháp tạo việc làm; Các biện pháp giáo dục; Các biện pháp an sinh; Các biện pháp hỗ trợ lập nghiệp; Các chương trình đào tạo nghề… Hơn 10 tỉnh của Trung Quốc đã thực hiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho các vận động viên giải nghệ trong giai đoạn chuyển đổi nghề nghiệp của mình. Khóa học dành cho các chương trình này được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu của một số chức danh có liên quan tới thể thao, chẳng hạn như huấn luyện viên và nhân viên cứu hộ. Một chương trình giáo dục nghề nghiệp thường kéo dài khoảng 40 ngày. Các tỉnh, thành phố đã và đang triển khai những chương trình này như tỉnh Giang Tô đã tổ chức chương trình đặc biệt dành cho các vận động viên bắt đầu mở doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Đông đã thiết kế chế độ giáo dục linh hoạt để thích ứng với các vận động viên các môn thể thao khác nhau và với công việc mà họ hướng tới./.