Ưu tiên bảo vệ di sản
20/08/2021 | 10:08Từ ngày 1.8, tàu du lịch cỡ lớn không được phép đi vào trung tâm Venice. Quyết định kịp thời này của Chính phủ Italy đã giúp Venice không bị UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới trong tình trạng nguy hiểm, nhưng về lâu dài, cần xác định lộ trình phát triển bền vững để bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố.
Tháng 6.2021, tàu du lịch cỡ lớn đầu tiên kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 tiến vào kênh đào Vencie, hàng trăm người đã tập trung cả trên bờ và trên thuyền nhỏ để phản đối. Chính phủ Italy dường như đã lắng nghe, sau cuộc họp nội các giữa tháng 7, đã đưa ra quyết định, từ ngày 1.8, tàu du lịch cỡ lớn không được vào trung tâm Venice, để bảo vệ di sản và hệ sinh thái của thành phố này.
Lệnh cấm áp dụng đối với các tàu có bất kỳ đặc điểm nào trong 4 đặc điểm sau: Nặng hơn 25.000 tấn, dài hơn 180m, cao hơn 35m hoặc thải ra hơn 0,1% lưu huỳnh. Tàu lớn sẽ tạm thời chuyển đến cảng công nghiệp Marghera; các tàu du lịch nhỏ hơn vẫn được cập cảng ở trung tâm thành phố.
Quyết định này đã chấm dứt những do dự chính trị suốt thời gian qua, đặt nhu cầu của người dân và các cơ quan quản lý văn hóa lên trên nhu cầu của công nhân bến cảng và ngành du lịch. Ông Tommaso Cacciari, thành viên nhóm vận động “No Grandi Navi” (Không tàu thuyền lớn) nói với hãng tin Reuters rằng: “Với chúng tôi, đây là một thắng lợi lớn. Nhiều người so sánh chúng tôi như David chống lại Goliath”.
Nhiều năm nay, việc tàu du lịch cỡ lớn đi qua Quảng trường St Mark, trung tâm Venice, gây ra tranh luận không ngớt cả ở địa phương và trên phạm vi quốc tế, vì chúng phá vỡ cảnh quan và gây ra những đợt sóng lớn phá hoại nền móng của thành phố, làm tổn hại hệ sinh thái mong manh của khu vực đầm phá. Báo cáo mới đây của UNESCO nêu rõ: “Lệnh cấm tàu trên 40.000 tấn vào các kênh đào tại Venice không đem lại tác dụng trên thực tế, vì không đưa ra được biện pháp thay thế để tàu cỡ lớn neo đậu… Cần cấm hoàn toàn tàu cỡ lớn, bằng việc chuyển hướng tới những cảng phù hợp hơn”.
Chính những tác động tiêu cực từ hoạt động của tàu thuyền, sự phát triển du lịch quá tải và quản lý yếu kém là lý do UNESCO xem xét đưa Venice vào “danh sách đỏ”, tại cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới cuối tháng 7 vừa qua. Đây là lần thứ 3 trong 7 năm UNESCO thảo luận về vấn đề này. Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini thừa nhận, “việc Venice bị xem xét đưa vào danh sách Di sản thế giới nguy hiểm đòi hỏi chúng ta phải có những bước tiến xa hơn, cần ngay lập tức cấm tàu thuyền đi vào kênh Giudecca”.
Nhưng nhờ quyết kịp thời của Chính phủ Italy, Di sản thế giới Venice đã không bị đưa vào “danh sách đỏ”. Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini hoan nghênh quyết định của UNESCO, song cho biết "sự lưu ý đối với Venice vẫn cao", đồng thời nhấn mạnh cần xác định "lộ trình phát triển bền vững". Ủy ban Di sản Thế giới cũng ra hạn chót cho Chính phủ Italy đến tháng 12.2021 phải báo cáo các nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái và di sản của thành phố này.
Thực tế, như Tổ chức Di sản Thế giới nhấn mạnh, việc bị đưa vào “danh sách đỏ” không phải là hình phạt hay lời cảnh báo, mà “là cơ chế để bảo vệ các di sản độc đáo cho thế hệ tương lai” - ông Peter Martin, Ủy ban UNESCO Đức, giải thích. Việc bị đưa vào danh sách đỏ đơn giản chỉ cho thấy cần có hành động khẩn cấp để đạt được mục tiêu bảo tồn.
Quyết định của Chính phủ Italy là "bước đi cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn môi trường, cảnh quan, nghệ thuật và văn hóa của Venice". Chính phủ cho biết sẽ bồi thường những công ty và người lao động có hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do lệnh cấm này, như công ty du lịch.
Tuy vậy, cuộc chiến bảo vệ di sản Venice chưa kết thúc. Chính phủ Italy từng thông qua nhiều quyết định nhằm hạn chế tàu thuyền cỡ lớn vào Venice nhưng không có giải pháp rốt ráo. Jane da Mosto, thành viên nhóm “We are here Venice” (Chúng tôi ở đây, Venice) tập trung vào các dự án xã hội và môi trường, cho đây không phải giải pháp dài hạn. Filippo Olivetti, giám đốc điều hành Tập đoàn Bassani chuyên cung cấp dịch vụ cảng và du lịch, thì cho rằng Venice không thể tồn tại mà không có tàu biển…