Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

"Ươm mầm" những tác phẩm sống mãi với thời gian

31/10/2023 | 16:35

Trại sáng tác là hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; cụ thể hóa Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; đồng thời, thu hút, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn.

Phát huy sức mạnh đội ngũ sáng tác

Lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức Trại sáng tác nhằm thu hút các tác giả, phát huy sức mạnh đội ngũ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn. Trại sáng tác khu vực phía Bắc diễn ra từ ngày 19 - 25/10 tại Nhà sáng tác Tam Đảo, Vĩnh Phúc với sự tham gia của 23 văn nghệ sĩ. Trại sáng tác khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 28/10 - 03/11 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 26 văn nghệ sĩ tham gia.

"Ươm mầm" những tác phẩm sống mãi với thời gian - Ảnh 1.

Trại sáng tác nhằm phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn

Hoạt động nhằm phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2030), 85 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2030).

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng với quốc tế. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, sau lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" diễn ra tháng 12/2022 tại TP Hải Phòng, Ban tổ chức nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa hưởng ứng. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt để tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm hỗ trợ các tác giả hoàn thiện, nâng cao chất lượng tác phẩm. Sau trại, các tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện và gửi lại để Hội đồng đánh giá, lựa chọn và công bố, dự kiến trong đầu năm 2024.

Điều đáng mừng là các bản thảo, đề cương khá đa dạng về thể loại, hướng tới đề tài cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đây là những “mảnh đất” bất tận, luôn là cảm hứng và cũng luôn thách thức người sáng tạo.

Ở mảng văn học, có thể kể đến các tiểu thuyết “Người gác đèn biển” (Dương Hướng), “Việc nước việc nhà” (Nguyễn Thị Hồng Thắm), “Cuộc đụng đầu lịch sử” (Nguyễn Trọng Tân)… Ở mảng sân khấu, có nhiều kịch bản kịch nói triển vọng như “Nỗi lòng của đất” (Chu Thơm), “Ngôi nhà của Bác” (Lê Quý Hiền), “Viên gạch hồng ở Paris” (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)… và đặc biệt có kịch bản chèo “Hoa dã quỳ vẫn nở” (Nguyễn Đức Minh).

Trong lĩnh vực âm nhạc, xuất hiện những tác phẩm khí nhạc và nhạc kịch lớn như “Tự hào Việt Nam quê hương tôi” cho cello và dàn nhạc giao hưởng (Ngô Hoàng Quân); kịch bản nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam” (Đỗ Hồng Quân); nhạc kịch “Xuân bất tử” (Ngô Quốc Tính)… Mảng múa có những vở “Dòng sông năm ấy” (Ứng Duy Thịnh); “Xống Chụ Xon Xao” (Phạm Duy Khuê)…

"Ươm mầm" những tác phẩm sống mãi với thời gian - Ảnh 2.

Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và các tác giả tham gia Trại sáng tác khu vực phía Bắc đi thực tế cơ sở

Khơi dậy cảm hứng sáng tác

Tham gia hưởng ứng sáng tác với tiểu thuyết “Cuộc phân tranh” trong bộ tác phẩm dài hơi về thời đại Hồ Chí Minh, nhà văn Thiên Sơn chia sẻ: “Cuộc phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” hướng văn học, nghệ thuật vào giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc, có ý nghĩa chấn hưng văn hóa, tinh thần dân tộc. Bất cứ văn nghệ sĩ nào cũng muốn sáng tác những tác phẩm như thế và cuộc phát động đã tạo cảm hứng, khơi dậy sự quyết liệt sáng tác”.

Theo nhà văn Thiên Sơn, để thực hiện bộ tiểu thuyết đồ sộ 5 cuốn như dự định về thời đại Hồ Chí Minh, ông dành quỹ thời gian 12-15 năm để đọc và tìm hiểu nhiều tư liệu, sau đó nghiên cứu và triển khai. Việc được tham gia Trại sáng tác góp phần giúp tác giả có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo.

Tác giả sân khấu Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, sau khi có ý tưởng, bà dành phần lớn thời gian nghiên cứu sách, báo, phim tài liệu ở trong và ngoài nước. Những yếu tố hư cấu đến đâu, sáng tạo thế nào cho tác phẩm hấp dẫn cũng cần khoảng thời gian dài tư duy.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của văn nghệ sĩ sáng tác, nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho rằng, việc tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật quy mô toàn quốc là cú hích để nâng cao chất lượng kịch bản, tác phẩm. Từ đây, các văn nghệ sĩ được tập trung sáng tác, hiện thực hóa ý tưởng thành tác phẩm; tham gia trao đổi, tọa đàm, góp ý vào tác phẩm, kịch bản, đề cương… để thêm hoàn thiện. Ngoài ra, việc đầu tư biên tập, thiết kế, dàn dựng tác phẩm để đưa đến công chúng cũng rất quan trọng. Một tác phẩm văn học hay từ bản thảo chưa đủ, mà phải được đầu tư minh họa, thiết kế bìa sách và các hoạt động giới thiệu, tọa đàm, giao lưu để thu hút bạn đọc. Đối với những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, dù kịch bản “có bột” nhưng không chọn được đạo diễn, nghệ sĩ hội đủ tài năng... thì cũng khó tạo tiếng vang.

“Một trại sáng tác nào, dù dài đến đâu cũng không thể đủ thời gian cho việc hoàn thành một tác phẩm văn học nghệ thuật, nhưng lại là cú hích quan trọng cho văn nghệ sĩ tìm được cảm hứng, gặp nhau trao đổi, thảo luận và định hướng những sáng tác của mình. Vì vậy, có thể nói trại sáng tác đóng vai trò như một "bà đỡ mát tay" tạo cảm hứng đối với mỗi trại viên. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có những tác phẩm chất lượng"- nhà văn Nguyễn Trọng Tân chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, hội chuyên ngành, đơn vị nghệ thuật để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo. Trước mắt, các kịch bản, tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chất lượng từ cuộc phát động này sẽ được đầu tư, nghiên cứu đưa đến các đơn vị xuất bản, biểu diễn phù hợp để thiết kế, dàn dựng và công bố.

Trại sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian 2023 sẽ khởi đầu cho những bước đi chắc chắn và tốt đẹp, tạo cơ sở cho sự ra đời của những tác phẩm văn hóa nghệ thuật mới, có chất lượng cao, tiếp nối dòng chảy của nền văn học nghệ thuật nước nhà./.



Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×