UNWTO: Du lịch toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức
31/03/2022 | 08:35Ngành du lịch toàn cầu vẫn trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1/2022 với một kết quả khả quan hơn nhiều so với bước tái khởi động yếu ớt hồi năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu đang đối mặt với những rào cản mới.
Du lịch đang "lội ngược dòng"
Báo cáo mới nhất do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố chỉ ra, dựa trên dữ liệu mới nhất vừa được cập nhật, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong tháng 1/2022 đã tăng hơn gấp đôi so với mức của năm 2021 (tăng 130%). Hơn 18 triệu khách quốc tế được ghi nhận trên toàn cầu vào tháng đầu tiên năm nay, tương đương với tổng mức tăng của toàn bộ năm 2021.
Trong khi những con số trên khẳng định rằng một xu hướng khởi sắc của ngành du lịch đã bắt đầu từ năm ngoái, nhưng tốc độ phục hồi trong tháng 1 đã bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới Omicron và việc tái áp đặt các hạn chế đi lại ở một số điểm đến trên thế giới. So với thời điểm trước đại dịch (tháng 1/2019), lượng khách quốc tế vào tháng 1/2022 vẫn giảm 67%.
Cụ thể, tháng 1 năm nay, lượng khách quốc tế tăng mạnh nhất tại khu vực Tây Âu, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 58%.
Trong tháng đầu năm 2022, khu vực Trung Đông cũng ghi nhận mức tăng trưởng lượng khách quốc tế với 89%, và châu Phi là 51%, cao hơn so với mức năm 2021 Tuy nhiên, so với mức trước đại dịch, cả hai khu vực này vẫn không tránh khỏi sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách quốc tế với tỷ lệ lần lượt là 63% và 69% so. Trong khi đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng khoảng 44% về lượng khách quốc tế, nhưng việc duy trì tình trạng "cửa đóng then cài" của một số điểm đến trong khu vực đã dẫn đến sự sụt giảm lớn nhất (giảm 93%) về lượng khách quốc tế so với mức năm 2019.
Triển vọng phục hồi
Sau hai năm rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, ngành du lịch toàn cầu hứa hẹn sẽ dần phục hồi trong năm 2022. Tính đến ngày 24/3, 12 điểm đến trên thế giới đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế liên quan đến Covid-19 và ngày càng có nhiều điểm đến nỗ lực nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế. Những động thái tích cực này sẽ góp phần giải phóng nhu cầu du lịch đã bị dồn nén bấy lâu của du khách.
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đã đặt ra những thách thức mới cho nền kinh tế toàn cầu và tạo ra những rủi ro cho việc lấy lại lòng tin của du lịch toàn cầu. Mặc dù các thị trường châu Á và Mỹ đã bắt đầu mở cửa hoạt động du lịch quốc tế nhưng hoạt động di chuyển đến khu vực châu Âu có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thị trường này từ lâu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Việc đóng cửa không phận giữa Ukraine và Nga cũng như các lệnh cấm vận đối với các hãng hàng không Nga của các quốc gia châu Âu đã và đang ảnh hưởng đến việc di chuyển bằng đường hàng không trong nội vùng châu Âu. Cuộc xung đột cũng khiến các chuyến bay đường dài nối khu vực châu Âu và Đông Á phải di chuyển đường vòng; điều này khiến thời gian bay lâu hơn và tốn kém chi phí hơn. Trong năm 2020, Nga và Ukraine chiếm khoảng 3% mức chi tiêu cho hoạt động du lịch quốc tế và đóng góp 14 tỷ USD vào doanh thu du lịch toàn cầu, nhưng những đóng góp này sẽ biến mất nếu xung đột tiếp tục kéo dài.
Cả hai thị trường này đều là thị trường trọng điểm không chỉ đối với các khu vực lân cận mà còn với cả các điểm đến châu Âu có thế mạnh về thiên nhiên như biển xanh và nắng vàng. Hơn nữa, thị trường khách Nga cũng được xem là thị trường mục tiêu quan trọng mang lại nguồn thu lớn cho các điểm đến xa hơn như Maldives, Seychelles hoặc Sri Lanka. Trong khi các điểm đến ở Nga và Ukraine chiếm khoảng 4% về lượng khách quốc tế đến từ châu Âu nhưng chỉ đạt 1% doanh thu từ thị trường này vào năm 2020.
Mặc dù vậy, UNWTO nhận định, xu hướng tìm kiếm thông tin về hàng không và đặt dịch vụ du lịch ở nhiều kênh khác nhau đã cho thấy ngành du lịch toàn cầu đang lấy lại đà tăng từ đầu tháng 3.