Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ứng xử của nghệ sĩ: Ý thức, trách nhiệm và chế tài xử phạt

07/03/2023 | 08:22

Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, theo nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý, cần có thêm chế tài xử phạt những sai phạm của nghệ sĩ trong ứng xử.

Hội thảo Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức cuối tuần qua đã chỉ ra những vấn đề này.

Lợi dụng uy tín, mắc bệnh ngôi sao

Tác giả Nguyễn Minh Nguyệt chỉ ra một thực tế hiện nay, nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người đẹp dùng danh tiếng của mình để quảng cáo sản phẩm. Trang cá nhân của các nghệ sĩ được biến thành nơi bán hàng, quảng cáo sản phẩm giảm cân, dưỡng da, dưỡng tóc, phẫu thuật thẩm mỹ.. với những lời cam kết chất lượng "chắc như đinh đóng cột" trong khi chất lượng không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng. Chỉ đến khi cơ quan chức năng khẳng định hàng giả, hàng kém chất lượng, nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi thì dư luận mới "té ngửa" về chất lượng sản phẩm, "tiền mất, tật mang".

Ứng xử của nghệ sĩ: Ý thức, trách nhiệm và chế tài xử phạt - Ảnh 1.

Hội thảo Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng đặt ra nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ

Người nghệ sĩ kiếm tiền bằng chính sự nổi tiếng của mình không sai bởi đó là mồ hôi, công sức gây dựng của họ qua nhiều năm. Nhưng không thể chấp nhận vì tiền mà quảng cáo các sản phẩm không đúng sự thật. Nhà nghiên cứu sân khấu, TS. Cao Ngọc nhận định: "Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, là hành vi lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Những nghệ sĩ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông".

Bên cạnh việc quảng cáo hàng chưa được kiểm định, nhiều nghệ sĩ từng bị dư luận phản ứng vì những phát ngôn gây sốc, coi thường khán giả.

Lý giải điều này, tác giả Hoàng Thanh Du cho rằng, có 3 nguyên nhân nổi bật. "Thứ nhất, xuất phát từ bản tính nghệ sĩ. Cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ rất lớn, và điều này đôi khi dẫn đến việc họ thể hiện bản thân mình nhiều hơn. Thứ hai, xuất phát từ việc nghệ sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trên môi trường xã hội, quên hoặc không học đại cương "đạo đức diễn viên", chưa quán triệt, thậm chí chưa đọc Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ VHTTDL đã ban hành. Thứ ba, một số rất ít nghệ sĩ muốn lợi dụng câu chuyện này để tạo ra sự quan tâm, gây chú ý nhiều hơn. Họ muốn gây dựng tên tuổi bằng scandal, phát ngôn gây sốc…"- tác giả Hoàng Thanh Du nhận định.

NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội bày tỏ: "Có một số nghệ sĩ đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện cụ thể như việc sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm "câu like", "câu view", tăng tương tác trên mạng xã hội.

Thậm chí, có hiện tượng không ít nghệ sĩ livestream để "bóc phốt" đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân… Một số nghệ sĩ còn sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân nhằm gây sự chú ý của nhiều người hoặc có những nghệ sĩ lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của bản thân đưa ra những phát ngôn gây "sốc", tạo tâm lý hoang mang trong dư luận.

NSND Quốc Chiêm nhìn nhận, chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa "chợ búa" trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là "cái vỏ vật chất của tư duy" nên hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.

Ứng xử của nghệ sĩ: Ý thức, trách nhiệm và chế tài xử phạt - Ảnh 2.

Nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng

Phải có chế tài quy định kỷ luật tước danh hiệu nghệ sĩ

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. Bởi vậy, nếu người nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm xã hội trước xã hội thì sẽ có những hành động, phát ngôn phù hợp, trở thành người có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Nhưng nếu người nghệ sĩ thiếu ý thức trách nhiệm, phát ngôn bừa bãi thì ảnh hưởng tiêu cực khá lớn. "Nghệ sĩ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm. Mỗi nghệ sĩ phải biết cân bằng giữa cảm xúc và bản lĩnh thì mới chịu được áp lực và làm tròn trách nhiệm của mình" - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định.

Đồng quan điểm, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng: Mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lý, nhu cầu của công chúng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt hai bộ Quy tắc ứng xử.

Tác giả Hoàng Thanh Du đặt vấn đề: "Chúng ta cần phải cụ thể hóa hơn nữa, không chỉ các tiêu chí xét tặng mà còn phải có chế tài quy định kỷ luật tước danh hiệu nghệ sĩ. Chúng ta đã có một Hội đồng xét tặng từ cấp cơ sở thì sao không có một Hội đồng kỷ luật cũng từ cấp cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ?".

Với các Bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở T.Ư và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ; làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra. "Chúng ta đã có một Hội đồng xét tặng từ cấp cơ sở thì sao không có một Hội đồng kỷ luật cũng từ cấp cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ?"- Tác giả Hoàng Thanh Du đặt vấn đề.

Ứng xử của nghệ sĩ: Ý thức, trách nhiệm và chế tài xử phạt - Ảnh 3.

Nghệ sĩ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm (ảnh minh họa)

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ VHTTDL ban hành tháng 12/2021 nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là cơ sở để các nghệ sĩ tự soi, tự sửa. Mặt khác, các ban, ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn từ trung ương tới các địa phương cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chương trình biểu diễn, kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng "lệch chuẩn".

Cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính còn có hình thức xử phạt "bổ sung" như cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng. Được biết, Quy trình xử lý sẽ ban hành và có hiệu lực trong năm 2023.

Hy vọng, với những cơ chế quản lý chặt chẽ như vậy, tình trạng nghệ sĩ lợi dụng tình cảm của khán giả để quảng cáo sản phẩm chưa kiểm chứng, có lối ứng xử "lệch chuẩn" sẽ được chấn chỉnh./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×