Ứng dụng chuyển đổi số vào nghệ thuật truyền thống
12/06/2023 | 14:40Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số" vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, áp dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những hiệu quả mới trong sự sáng tạo nghệ thuật đặc biệt giúp nghệ thuật sân khấu truyền thống không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp văn hoá.
Áp dụng chuyển đổi số để nghệ thuật truyền thống không bị mai một
Hội thảo nhằm phát huy Đề án "Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn và triển khai đại nhạc hội dân ca và bolero Việt Nam (giai đoạn 2021-2025)" do Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM khởi xướng. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM cho biết, Đề án được ủng hộ và cho phép của Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ TT&TT chính là sự khẳng định giá trị, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
"Đề án nhằm nghiên cứu tác động của công việc ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng, phát huy, khai thác, lan toả nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp trình diễn, phổ biến, lan toả về nghệ thuật truyền thống trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của ứng dụng công nghệ. Tập hợp, liên kết các đơn vị về đào tạo, vận dụng, triển khai biểu diễn các vùng miền và cả nước. Sẽ có nhiều hoạt động như tổ chức các hội thảo, hội nghị, chương trình nghiên cứu vận dụng về nghệ thuật truyền thống, tổ chức các cuộc thi, liên hoan tìm kiếm tài năng trình diễn nghệ thuật truyền thống Việt nam trên mạng công nghệ...", ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng trong thời kỳ hội nhập, nghệ thuật truyền thống đang bị lấn át bởi nhiều loại hình khác, nếu không bảo tồn sẽ mất hẳn đi một phần vốn quý của văn hóa phi vật thể.
Ông Phạm Sanh Châu vừa kết thúc nhiệm kỳ là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, sau 4 thập kỷ làm về đối ngoại chia sẻ, tại Ấn Độ, Bộ Hàng không quy định mỗi khi máy bay hạ cánh tuyệt đối không được mở nhạc quốc tế mà phải là nhạc của đất nước này. Chính quy định này khiến ông Phạm Sanh Châu trăn trở, đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam không làm như vậy? Lần nào máy bay ở Việt Nam hạ cánh cũng phát bài hát Bonjour Vietnam (Xin chào Việt Nam). Tất nhiên tôi không phủ nhận bài hát này rất hay. Nhưng chúng ta có một kho tàng dân ca đồ sộ như vậy sao không dùng, chả lẽ chỉ có mỗi bài Bonjour Vietnam? Ví dụ máy bay đáp đến Vinh bật bài Ví, giặm thì hay biết mấy? Thế giới đã "phẳng" từ lâu rồi, việc chuyển đổi số càng làm chúng ta "phẳng" hơn, nhưng cũng có những thách thức với nhiều chuyên gia. Như câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại? Vì càng hiện đại, nghệ thuật truyền thống phải cạnh tranh với pop, rap, kpop… Sao nhạc Việt lại không mang sang Trung Đông và các nước khác để thế giới biết đến nhiều hơn với âm nhạc Việt Nam?".
Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, TS, NSND Thanh Ngoan cho rằng, với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo riêng là vô cùng quan trọng. Vì từ trước đến giờ việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn, không bị thất thoát. "Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc. Và nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu hơn văn hóa nghệ thuật. Như đưa các đề án về các trường học sẽ làm các em yêu và trân trọng hơn di sản văn hóa của cha ông để lại", NSND Thanh Ngoan nhấn mạnh.
Chuyển đổi số: Thách thức và cơ hội
Trong ba năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhà hát, sân khấu phải đóng cửa, khán giả không được thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật có quy mô, chất lượng cao. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện hình thức phát trực tuyến các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh, tạo cơ hội cho những người làm nghệ thuật nói riêng và khán giả trên khắp mọi miền đất nước nói chung có thể thưởng thức những tác phẩm đặc sắc, cập nhật thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp…Khi đó, nghệ thuật chuyển đổi số mới chỉ là "phép thử" trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Câu hỏi, về lâu dài, làm thế nào để các nhà hát, đơn vị nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên các nền tảng mạng xã hội? Câu trả lời không hề đơn giản. Bài toán đặt ra là trong khi các Youtuber nổi tiếng có thể kiếm tiền dễ dàng thì đây lại là khó khăn đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là những đơn vị nghệ thuật truyền thống. Những địa chỉ, trang mạng xã hội tuy đã được các đơn vị xây dựng, song chưa phát huy hiệu quả, ít người truy cập, quan tâm.
Tại Hội thảo, TS. Phạm Ngọc Minh (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hoá vở diễn sân khấu.
"Theo kế hoạch mà Bộ VHTTDL đã xây dựng sẽ có nhà hát trên Youtube với sự tham gia của 12 nhà hát của Bộ cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả cả nước sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hay. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc nghe nhạc trực tuyến,thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người. Do đó, việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn âm nhạc", TS. Phạm Ngọc Minh nhận định.