Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam

08/05/2020 | 16:59

Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – năm 2021; Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; Khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định.

Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam - Ảnh 1.

Cần phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam. Ảnh minh họa (nguồn: news zing)

Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – năm 2021 thành phố Hà Nội (Sau đây gọi tắt là Hội đồng).

Theo Quy chế, Hội đồng có chức năng tham mưu UBND Thành phố thẩm định, xét chọn các cá nhân đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – năm 2021 thành phố Hà Nội để trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét.

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ đề nghị, xét chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – năm 2021 thành phố Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đảm bảo chất lượng, thời gian và đúng quy định của pháp luật.

Công bố kết quả xét chọn bằng hình thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố, cổng thông tin điện tử Thành phố để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc.

Đối với hồ sơ đề nghị xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Hội đồng Thành phố xin ý kiến Thường trực Thành ủy trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng chuyên môn cấp Bộ.

Ngoài ra, Hội đồng có nhiệm vụ hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ Ba trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định gửi Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ. Đồng thời, xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.

Bắc Ninh: Việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội" được chỉ đạo gắn chặt với công tác quản lý nhà nước và sự nghiệp công tác gia đình, trong đó đặc biệt là việc thực hiện "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020" trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo báo cáo thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, trong 10 năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã in và cấp phát hàng chục nghìn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình hành động công tác gia đình tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2020; tổ chức 5.000 bản cam kết xây dựng gia đình hạnh phúc và bản đăng ký xây dựng gia đình hạnh phúc đã được các cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc.

Các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được chỉ đạo tuyên truyền trong các nội dung sinh hoạt chuyên đề tại các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Các nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được đề cập một cách chủ động và được các cấp, các ngành quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng.

Các hình thức tuyên truyền, vận động được tổ chức đa dạng, phong phú: tổ chức các cuộc thi, biểu diễn tiểu phẩm, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; nói chuyện chuyên đề, các hoạt động tuyên truyền trực quan, các hoạt động cộng đồng như họp cộng đồng, truyền thông cộng đồng, truyền thông trường học; sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động nhóm phòng, chống bạo lực gia đình... Các hoạt động của công tác gia đình đã góp phần to lớn tích cực như một rào cản vững chắc trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nam Định: Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực của ngành, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Theo đó, giai đoạn 2010-2020, thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới", hệ thống các thiết chế về văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được nâng cấp, xây mới đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định được các cấp, các ngành triển khai tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng, từ đó khơi dạy tinh thần tự giác của mỗi người dân, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội".

Theo thống kê, tỷ lệ Gia đình Văn hóa của tỉnh tăng qua các năm: Năm 2010, toàn tỉnh có 375.235/534.613 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (70,2%) thì đến năm 2019, có 521.160/613.378 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (84,9%), tăng 14,7% so với năm 2010. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc phát huy ý thức tự quản, tự giác, phòng ngừa của mỗi cá nhân, gia đình trong việc bài xích, tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại; giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng được quan tâm thực hiện. Việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức đúng truyền thống và quy định của Nhà nước. Các đội văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo người dân tham gia, thường xuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ gắn với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền đấu tranh phòng, chống, thông tin xấu, tin giả trên Internet, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.


Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×