Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang: Sức hút từ phong trào văn nghệ quần chúng

21/06/2022 | 15:10

Đời sống ngày càng phát triển, hoạt động văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Tuyên Quang: Sức hút từ phong trào văn nghệ quần chúng - Ảnh 1.

Đội văn nghệ thôn Dộc Vầu, xã Vân Sơn (Sơn Dương) góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 2.528 tổ, đội văn nghệ quần chúng ở thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học. Mỗi tổ, đội có từ 10 đến 40 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Các đội hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn. Nhiều đội hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương. Vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương, bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, những “diễn viên không chuyên” đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Những huyện có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh như Yên Sơn có 462 tổ, đội văn nghệ quần chúng; Na Hang có 154 tổ, đội văn nghệ; Lâm Bình có 110 tổ, đội văn nghệ... Các tổ, đội thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, huyện Yên Sơn tập trung đa dạng các hình thức tuyên truyền, chú trọng đến hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở. Mới đây, Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Mông huyện Yên Sơn lần thứ nhất được tổ chức đã để lại ấn tượng với khán giả. Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn”, nhưng các diễn viên không chuyên đã thể hiện hết mình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Đặc biệt, thông qua các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc Mông đã góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, xóa bỏ những quan điểm lạc hậu và hủ tục vốn đã ăn sâu vào lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân.

Chị Đào Thị Dung, thành viên đội văn nghệ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi bộc bạch, đội văn nghệ của thôn có 10 thành viên đều là những người say mê ca hát, mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Vào những ngày ngày lễ, Tết, mọi người lại gặp gỡ, giao lưu giữa các đội với nhau. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Tại Liên hoan vừa qua, tiết mục múa ô Xuân về trên bản mông, và múa Hương sắc vùng cao do đội văn nghệ biểu diễn đạt giải A.

Tuyên Quang: Sức hút từ phong trào văn nghệ quần chúng - Ảnh 2.

Đội văn nghệ trường Tiểu học Khuôn Hà, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) biểu diễn phục vụ khách du lịch tại homestay.

Hoạt động văn nghệ đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho chính người dân địa phương và tạo nên nét riêng có, hấp dẫn của các điểm du lịch cộng đồng. Sau 3 năm thành lập, đội văn nghệ trường Tiểu học Khuôn Hà, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã có những đóng góp cho phong trào văn nghệ của địa phương. Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, đội trưởng đội văn nghệ cho hay, ban đầu khi mới thành lập đội chỉ có 10 thành viên là các em học sinh trong trường tham gia sinh hoạt. Các thành viên chủ yếu tập luyện vào buổi chiều cuối tuần và biểu diễn khi có chương trình của trường. Dần dần, người dân trong xã cũng đăng ký tham gia, phong trào lớn dần, tổng số thành viên trong đội giờ đã lên 40 người.

Từ khi có đội văn nghệ, bà con trong xã thường xuyên có được “món ăn tinh thần” sau những ngày lao động vất vả. Những thành viên đàn hay, hát giỏi hướng dẫn cho các thành viên khác để tiếng đàn, lời ca, các tiết mục diễn ngày một hay hơn. Hàng năm, đội biểu diễn gần 80 buổi văn nghệ phục vụ du khách tại các homestay. Các tiết mục được dàn dựng công phu, chương trình vừa mang tính chất biểu diễn, vừa kết hợp giao lưu, tạo sự gần gũi, thân thiện với du khách. Ngoài biểu diễn phục vụ khách du lịch, đội văn nghệ còn thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại xã, huyện.

Văn nghệ quần chúng có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán. Tuy nhiên, nhiều tổ, đội hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, chưa hiệu quả do đa số người dân đi làm ăn không có thời gian tham gia sinh hoạt. Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, nhiều nơi không có, chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa, tập hợp những người cùng sở thích, cùng đóng góp, cùng sinh hoạt và cùng thưởng thức, trong khi đó, đời sống của người dân ở nhiều nơi còn nhiều khó khăn. Do đó, việc phát triển cả về số lượng và chất lượng văn hóa, văn nghệ ở nhiều địa phương vẫn chưa được như kỳ vọng.

Đồng chí Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh khẳng định, để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích các tổ, đội văn nghệ hoạt động; có cơ chế đối với các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương. Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức liên hoan, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho các hạt nhân văn nghệ thể hiện.

Theo Báo Tuyên Quang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×