Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên Quang khai thác truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển

27/09/2022 | 08:32

Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, một “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo dựng nên các sắc thái văn hóa độc đáo, với một kho tàng phong phú những lễ hội đặc sắc. Truyền thống lịch sử, văn hóa ấy nay đang trở thành động lực để phát triển.

Tuyên Quang khai thác truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển - Ảnh 1.

Lễ hội thành Tuyên hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng lãnh đạo cuộc Cách mạng của dân tộc.

Tại xã Tân Trào đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, quyết định vận mệnh của đất nước, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho dân tộc ta.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa, Tuyên Quang vinh dự trở thành Thủ đô Kháng chiến, được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương chọn làm nơi đặt trụ sở để lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Nơi đây được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng-Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và Đại hội duy nhất tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội...

Lịch sử gần 200 năm lập tỉnh, với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, gắn bó, chinh phục thiên nhiên, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã tạo nên một bề dày truyền thống với những nét văn hóa đặc sắc kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng và trở thành những di sản văn hóa phong phú cho mảnh đất Tuyên Quang.

Tuyên Quang khai thác truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển - Ảnh 2.

Lễ vinh danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO trao Bằng ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đến nay, tỉnh có 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc đã tạo nên linh hồn của nơi đây.

Người Kinh, người Tày, người Cao Lan với nền văn hóa lúa nước. Người H'Mông, Dao, Pà Thẻn cư trú phần nhiều trên các vùng đồi núi cao đã góp phần tạo nên một hệ thống ruộng bậc thang kỳ vĩ.

Người Dao có một kho tàng tri thức dân gian phong phú, trong đó đặc biệt là các bài thuốc dân gian... Mỗi dân tộc còn thể hiện bản sắc, linh hồn, cốt cách của mình qua trang phục truyền thống; văn hóa ẩm thực, đặc biệt là cách ứng xử trong ăn uống cũng là những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của các tộc người.

Đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc Tuyên Quang rất phong phú. Các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, như Lễ hội Lồng Tông-ngày hội xuống đồng, Lễ hội cầu mùa, lễ hội Động Tiên, lễ hội giã cốm...

Các lễ hội nông nghiệp truyền thống này đều mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mùa màng bội thu, nhân dân được bình yên, no ấm.

Lễ hội đình làng Giếng Tanh, lễ hội đình làng Minh Cầm của người Cao Lan được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tạ ơn những người đã có công tạo dựng nơi cư trú, bảo trợ dân làng làm ăn yên ổn.

Một số lễ hội đã được quan tâm phục dựng lại, như: Lễ rước Mẫu tại Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang); Lễ rước mẫu đình Thác Cấm (Hàm Yên)...

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã tổ chức Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội Trung thu độc đáo và riêng có với những đêm hội đường phố hoành tráng, tạo nên một dấu ấn, một nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người dân thành Tuyên.

Với tài năng, khiếu thẩm mỹ tinh tế, cùng tâm hồn bay bổng, khoáng đạt, những nghệ nhân đã sáng tạo nên các mô hình trình diễn sinh động, mang đậm chất dân gian truyền thống dành cho trẻ em nhân Tết Trung thu hằng năm.

Đây là Lễ hội được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.

Kho tàng tri thức dân gian độc đáo, được đúc kết qua nhiều thế hệ, từ việc truyền miệng thơ ca, truyện cổ, ca dao, tục ngữ cho đến các làn điệu dân ca, dân vũ phong phú, đặc sắc, phản ánh trong đó là quan niệm của cộng đồng các dân tộc về vũ trụ, về tâm thế ứng xử trước thiên nhiên, con người và vạn vật...

Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc, thường diễn ra trong những ngày vui, ngày lễ tết, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào.

Trong đó nổi bật là hát then và giai điệu của cây đàn tính là một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào Tày.

Năm 2020, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO trao Bằng ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn là một trong sinh hoạt tín ngưỡng rất đặc biệt và giàu chất nhân văn, thể hiện lòng dũng cảm, sức mạnh phi thường của con người trước thiên nhiên đầy bất trắc với mong muốn, với khát vọng muôn đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống được thuận lợi, yên vui, hạnh phúc.

Tuyên Quang khai thác truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển - Ảnh 3.

Khôi phục nghề đan mây, tre truyền thống phục vụ du lịch của đồng bào Tày (Na Hang, Tuyên Quang).

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hơn 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó 70 câu lạc bộ hát Then-đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung, 13 câu lạc bộ hát Sình ca... góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Nhiều huyện đã và đang làm tốt công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng như Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương... khi khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế. Điển hình như huyện Lâm Bình đã phát triển 26 điểm homestay, mỗi năm thu hút hơn 15.000 lượt khách lưu trú...

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, những giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc, qua lớp lớp các thế hệ chung tay gìn giữ, trao truyền và bồi đắp đã tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Đó chính là những giá trị tinh thần cao quý, là mạch nguồn tạo nên sự gắn kết cộng đồng dân tộc.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng, khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện trong khu vực các tỉnh miền núi phía bắc.

Theo Báo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×