Tuyển Pencak Silat Việt Nam: Thay đổi linh hoạt, hướng tới mục tiêu giành từ 3 HCV SEA Games 32
09/03/2023 | 09:41Hướng tới SEA Games 32, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam được triệu tập với 4 HLV, 30 VĐV tham dự thi đấu 13 nội dung đối kháng, 4 nội dung quyền và đặt mục tiêu giành từ 3 HCV.
Là một trong những môn thể thao trọng điểm của Việt Nam trên đấu trường SEA Games và ASIAD, Pencak Silat luôn thể hiện được vị thế với những tấm HCV quý giá, góp phần vào bảng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà (2022), đội tuyển pencak silat Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu với thành tích 6 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ, đứng vị trí số 1 toàn đoàn.
Hướng tới SEA Games 32, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam được triệu tập với 4 HLV và 30 VĐV (21 VĐV đối kháng, 9 VĐV quyền) tham dự thi đấu 13 nội dung đối kháng, 4 nội dung quyền. Tuy nhiên, ở kỳ Đại hội lần này, đội tuyển Pencak Silat chỉ đặt mục tiêu giành từ 3 HCV.
Lí giải cho mục tiêu có phần khá khiêm tốn năm nay, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Nguyễn Văn Hùng cho biết, ở thời điểm hiện tại, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam phải đối diện với khá nhiều khó khăn không chỉ về mặt nhân sự mà còn về thể thức thi đấu, quy định của BTC.
Theo đó, sau SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, hai trụ cột của đội tuyển là Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Trí đã dính chấn thương dài hạn. Việc thay thế cho những trụ cột bằng lứa VĐV mới có thể đáp ứng được về mặt chuyên môn nhưng cần thêm quá trình đào tạo dài hạn mới cho kết quả được như kỳ vọng.
"Khi Đình Nam, Văn Trí nghỉ, BHL đã đôn các VĐV trẻ lên thay thế. Chúng ta có các VĐV trẻ tiềm năng từ 2002 đến 2004 thay thế cho các đàn anh nhưng các bạn ấy còn quá trẻ, vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu thay thế. Việc đào tạo sẽ phải mất một vài năm chứ không phải tự dưng mà có" - HLV Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Theo tính toán của BHL đội tuyển, tại các kỳ Đại hội, lực lượng nhân sự chỉ có khoảng từ 20-21 VĐV dàn trải cho 13 - 15 nội dung đối kháng, số còn lại được chia cho các nội dung quyền. Điều này khiến cho việc đào tạo VĐV kế cận và tạo ra sự cạnh tranh gần như không có.
"Mỗi kì SEA Games sẽ có những sự thay đổi về hạng cân, có kì loại bỏ những hạng cân nhẹ, có những kỳ lại không tổ chức hạng cân năng nên chúng ta cần phải có đủ số VĐV để xoay tour, đáp ứng được yêu cầu của mỗi kỳ. Thực tế, ở mỗi hạng cân phải có ít nhất 2 VĐV thì mới có sự va chạm, cạnh tranh tốt hơn" - HLV Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Nhìn vào kỳ SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia không chỉ giới hạn số lượng nội dung mỗi quốc gia tham dự ở mức 70% (ngoại trừ nước chủ nhà là 100%), mà còn loại bỏ nhiều hạng cân nặng. Đều này khiến BHL đội tuyển Pencak Silat và VĐV phải có sự tính toán kĩ càng và thay đổi phù hợp.
"Một số VĐV phải thay đổi hạng cân ví dụ như Quàng Thị Thu Nghĩa (HCV hạng cân 75kg SEA Games 31), năm nay phải đánh xuống 70kg. Việt Nam mạnh ở những hạng cân nặng như Duy Tuyến (85kg), Văn Toàn (95kg)... nhưng năm nay không có các nội dung này. Nước chủ nhà chỉ tổ chức các hạng cân nhẹ. Chúng ta không phải không có các VĐV tốt ở hạng cân nhẹ nhưng để áp đảo như hạng nặng thì không có, mức độ cạnh tranh với các đối thủ chỉ ở 50 - 50" - HLV Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, trong 2 năm vừa qua, Liên đoàn Pencak Silat thế giới cũng đưa ra những thay đổi về thể thức đánh, thể thức tính điểm. Cụ thể, với những tình huống túm 2 tay quật ngã theo luật mới sẽ chỉ được dùng 1 tay; Với các đòn túm đấm, túm đá chỉ được công nhận dùng 2 tay trong trường hợp 1 tay nắm, 1 tay xòe; Hoặc với các tình huống bám biên đánh trong luật cũ có thể đá bật ra ngoài nhưng với luật mới sẽ bị nhắc nhở....
Theo VĐV Quàng Thị Thu Nghĩa, VĐV sẽ cần rất nhiều thời gian để làm quen với thể thức thi đấu mới, việc thay đổi quá nhanh khiến các VĐV không kịp làm quen và dễ gặp lúng túng khi thực chiến.
"Việc làm quen kĩ thuật mới ban đầu sẽ khó khăn vì VĐV chưa quen được. Dù vậy, dần dần theo từng ngày tháng làm quen các VĐV sẽ có thể thực hiện tốt, chỉ có cái thực hiện thuần thục hay không thôi. Hiện với bọn tôi, khó khăn nhiều nhất là ép cân để phù hợp với hạng cân quy định, việc ép cân sẽ khiến VĐV bị mệt nhanh hơn. Từ năm 2018 tôi đã đánh hạng 75 kg và đánh thường xuyên nên quen hạng đấu này, việc ép cân xuống đột ngột dẫn đến rất dễ bị mệt" - Quàng Thị Thu Nghĩa nói.
Ở thời điểm hiện tại, tuyển Pencak Silat Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị cho mục tiêu trước mắt là SEA Games 32 và xa hơn là ASIAD 19. Theo kế hoạch của BHL, toàn đội đang trải qua 3 chu kỳ tập luyện gồm chuẩn bị chung (tập nền tảng thể lực, xây chắc cơ bắp), tập va chạm (tăng sức chịu đựng) và chuẩn bị thi đấu (bước vào tập luyện các bài tập thực tế).
"Chúng tôi đang xây dựng từng giai đoạn như SEA Games, ASIAD, Indoor Game… Để đạt được thành tích tốt phải có những VĐV được đào tạo một cách bài bản, dài hơi và có sự kế cận. Rất may mắn là đội tuyển có những sự lựa chọn VĐV tiềm năng ở các đơn vị. Sau khi kết thúc SEA Games, toàn độ sẽ quay lại xây dựng chu kỳ mới, làm sao đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chí cho giải tiếp theo" - HLV Nguyễn Văn Hùng nói.