Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khẳng định sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa

03/09/2020 | 14:00

Cách đây 75 năm, ngày 2/9/1945, trên mảnh đất Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo, tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới rằng "Việt Nam đã thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ tất cả các đặc quyền của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy"(1).

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khẳng định sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa - Ảnh 1.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập. (Ảnh: xaydungdang.org.vn)

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam sau 80 năm bị giặc Pháp đô hộ và sau một nghìn năm chế độ phong kiến, đồng thời khởi đầu cho sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới.  Bản Tuyên ngôn khẳng định sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa

1. Tuyên ngôn độc lập 1945 khẳng định các dân tộc trên thế giới đều có quyền tự do và bình đẳng; Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập, tự do và bình đẳng là một cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy "những lẽ phải không thể chối cãi được" của hai bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp để khẳng định những quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ nêu rõ: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 cũng khẳng định: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Như vậy cả hai bản tuyên ngôn ra đời trước đó hơn một thế kỷ đều đề cập đến quyền tự do và bình đẳng của con người như một lẽ tự nhiên. Những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong hai bản tuyên ngôn của nước Pháp và nước Mỹ đã từ lâu trở thành những chân lý lớn không ai có thể bác bỏ được. Tuy nhiên hai bản Tuyên ngôn ấy mới tập trung vào quyền con người, quyền của người dân mà chưa nói đến quyền độc lập của dân tộc. Trên cơ sở ấy, trong Tuyên ngôn độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra: các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền được sung sướng. Người đã phát triển quyền con người thành quyền của dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì quyền con người và quyền dân tộc gắn bó mật thiết với nhau. Quyền con người luôn gắn liền với độc lập, tự do của dân tộc bởi lẽ dân tộc có độc lập thì quyền con người mới được thực hiện. Đây chính là điểm then chốt, đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta đang bị thực dân đô hộ. Người khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Trên thế giới, cho đến đầu thế kỷ XX, các nước tư bản và đế quốc vẫn chưa hề có tuyên bố về việc tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc. Năm 1917, tại Đại hội Xô Viết toàn Nga, Lênin cho thông qua Pháp lệnh về hoà bình, tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc nhược tiểu như một chính sách đối ngoại. Hiến chương Liên hiệp quốc thừa nhận quyền bình đẳng của các nước ký ở Cựu Kim Sơn tháng 6/1945, đến ngày 24/10/1945 mới có hiệu lực. Như vậy Tuyên ngôn Độc lập đã nêu quyền độc lập, tự do của dân tộc như một lẽ phải trong quan hệ quốc tế để khẳng định quyền độc lập của một dân tộc thuộc địa, chưa được các nước lớn thừa nhận.

Tất nhiên, không phải đến thời điểm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh mới quan tâm đến vấn đề tự do, bình đẳng của dân tộc mà ngay từ rất sớm - vào độ tuổi 13- như Người từng nói, Người đã chú ý đến những khái niệm Tự do- Bình đẳng- Bác ái và Người đã muốn "tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy". Sau này, ánh sáng lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của đại cách mạng Pháp 1789 cũng là tinh thần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 đã hướng Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đến con đường đấu tranh để đem lại tự do và bình đẳng cho dân tộc mình.

Từng làm giáo viên của trường Dục Thanh, là một trí thức yêu nước, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu được giá trị của hai tiếng "tự do", Người cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc nỗi cay đắng, nhục nhã của sự mất tự do. Sau này giáo sư Vũ Khiêu cũng nhận định: "mất tự do là điều mãi mãi day dứt tâm tư người trí thức. Bởi nó trói buộc tâm hồn, hạ thấp nhân phẩm và ngăn cản sáng tạo. Đất nước bị xâm lược, nhân dân mất tự do, sống lầm than đau khổ. Với người trí thức chân chính, đau khổ ấy gấp bội lần. Ở họ, nỗi đau khổ của nhân dân được cộng thêm suy tư của người trí thức. Với họ, mất tự do là cảm thấy đời sống thực không còn nữa. Không được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do hành động, người trí thức mất đi bản chất tri thức, mất đi điều kiện cơ bản nhất để tồn tại với danh nghĩa là trí thức". Vì lẽ đó mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đặt quyết tâm phải tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc, tự do cho đồng bào.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định với mục tiêu đòi tự do cho đồng bào và quyền tự quyết cho dân tộc. Điều đó được thể hiện rất cụ thể trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới hội nghị Versaille với những đòi hỏi hết sức chính đáng: Đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị người bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như người Âu, đòi tự do báo chí, đòi tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật, và sau cùng, đòi có một đoàn đại biểu thường trực của dân bản xứ được bầu vào nghị viện Pháp… Trong bài báo Vấn đề bản xứ, đăng trên báo L'Humanité, ngày 2- 8-1919, một lần nữa Người khẳng định: "Chúng tôi chỉ có thể coi các yêu sách rất đúng đắn đó cũng là của chính mình, trong thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết" (2).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có quyền tự do thì con người ngày nay chỉ là kẻ nô lệ khốn nạn. Vì vậy, "không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện tại đòi hỏi thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả". Người cho rằng, nguyện vọng của nhân dân An Nam về việc đòi quyền tự quyết là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, hòa cùng ý nguyện nắm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Ngày 20/9/1919, khi Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của một phóng viên Mỹ hỏi Người về mục đích đến Pháp, Người đã trả lời không chút đắn đo: Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng. Đúng 46 năm sau, những nguyện vọng chính đáng đó đã trở thành hiện thực, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập".

Có thể thấy, việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn độc lập của nước Pháp và nước Mỹ để mở đầu cho bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam là một lập luận vừa kiên quyết vừa khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến cho Pháp và Mỹ là hai cường quốc không thể không công nhận chủ quyền tự do của nước Việt Nam dựa trên những lý lẽ mà chính họ đưa ra đó là quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Và từ vấn đề nhân quyền và quyền cá nhân nêu ra ở hai bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bằng những lí lẽ sắc bén, khoa học để nâng cao, mở rộng vấn đề lên thành quyền tự do bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đồng thời Người muốn cho thế giới thấy được mục đích của cách mạng Việt Nam cũng giống mục đích của cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ, đó là tranh đấu vì hạnh phúc của con người. Như vậy các cường quốc không có lý do gì để chối bỏ quyền độc lập chính đáng của Việt Nam, vì đó là lẽ phải không ai chối cãi được.

2. Tuyên ngôn độc lập 1945 đã tố cáo hành động xâm phạm quyền tự do bình đẳng của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam là hành động phi chính nghĩa và đi ngược với lẽ phải

Sau khi nêu lẽ phải không thể chối cãi, bản Tuyên ngôn độc lập đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bất chấp lẽ phải, lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta trong hơn 80 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn chứng ra hàng hoạt các hành động bất công, phi nghĩa của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam như sau: "Về chính trị: tuyệt đối không cho nhân dân một chút tự do dân chủ nào; Thi hành luật pháp dã man; Chia cắt đất nước; chia rẽ dân tộc; chém giết những người yêu nước, đàn áp các cuộc khởi nghĩa; Ràng buộc dư luận và thi hành chính sách ngu dân….Về kinh tế: Bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tủy khiến nhân dân nghèo đói, nước nhà xơ xác tiêu điều; Cướp ruộng đất, hầm mỏ, tài nguyên; Đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý làm cho nhân dân trở nên bần cùng…". Đến khi phát xít Nhật vào Đông Dương, nhân dân Việt Nam phải chịu hai tầng áp bức nên càng cực khổ đói nghèo. Vì vậy, nhân dân Việt Nam phải nổi dậy giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, thoát ly hẳn quan hệ với Pháp. Đó là hành động tất yếu vì lẽ phải và chính nghĩa mà bất cứ dân tộc yêu chuộng hòa bình nào cũng đều làm như vậy.

Bằng ngôn từ giản dị nhưng khúc triết, lời lẽ uyển chuyển, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, cứng rắn nhưng giàu tính nhân văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phơi trần bản chất xấu xa, vô nhân đạo của thực dân Pháp, đi ngược lại những tuyên bố bất hủ về quyền tự do bình đẳng của họ. Người đã lật tẩy chiêu bài của thực dân Pháp núp dưới danh nghĩa là "khai hóa" và "bảo hộ" và núp dưới lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để che giấu những tội ác tàn bạo. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự phản bội hèn nhát của thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, hai lần dâng nước ta cho phát xít Nhật khiến dân ta điêu đứng một cổ hai tròng dẫn tới nạn đói thảm khốc năm 1945 làm cho hơn hai triệu đồng bào ta phải chết. Tồi tệ hơn khi thực dân Pháp đã không hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh để hợp tác chống Nhật, mà còn ra tay sát hại tù chính trị của ta. Vậy là trên thực tế Pháp đã từ bỏ quyền lợi của họ ở Việt Nam, từ chối chiến đấu cùng Việt Nam để bảo vệ quyền lợi chung, từ sau ngày 9/3/1945 Pháp đã không còn bất cứ đặc quyền nào ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam đã giành lại đất nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp đó cũng là cơ sở để tuyên bố rằng Việt Nam không thể bị ràng buộc bởi bất cứ nguyên tắc pháp lý nào với thực dân Pháp. Khẳng định này là vô cùng quan trọng vì chính tướng Đờ Gôn đã từng tuyên bố "Chúng ta sẽ trở lại Đông Dương, vì chúng ta mạnh hơn, Hà Nội là chặng đường giải phóng cuối cùng...". Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố Việt Nam thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả những đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, đồng thời khẳng định toàn dân Việt Nam sẽ kiên quyết chống lại mọi âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp.

Tuyên ngôn độc lập 1945 cũng ràng buộc các nước Đồng Minh vào việc công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam với lý do là họ đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng thì không thể không công nhận quyền độc lập của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là một dân tộc đã chống ách thực dân và đã đứng về phe đồng minh chống phát xít thì nhất định phải được tự do, phải được độc lập.

Tuyên ngôn Độc lập đã dùng lẽ phải và sự thật để khẳng định nền độc lập của Việt Nam. Lời tuyên bố trịnh trọng cuối cùng đối với thế giới là lời khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"(3).

Trong Tuyên ngôn độc lập, bằng những lý lẽ đanh thép, thấu tình đạt lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ bản chất xấu xa thâm độc của thực dân Pháp đồng thời nêu rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam. Qua đó cho nhân dân thế giới thấy được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải. Buộc các nước đồng minh phải công nhận nền độc lập của đất nước Việt Nam: "Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrang và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam"(4).

3. Tuyên ngôn độc lập khẳng định: Việt Nam độc lập là thắng lợi tất yếu của lẽ phải

Mất tự do là điều cay đắng nhất của dân tộc Việt Nam. Vì vậy độc lập, tự do đã trở thành ý thức sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Đây cũng chính là tư tưởng lớn chi phối toàn bộ ý nghĩ, tình cảm và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt 80 năm thực dân Pháp đã xâm lược đất nước Việt Nam, áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam, đem đau khổ cho nhân dân Việt Nam, đó là hành động phi nghĩa và vô nhân đạo. Vì vậy, đấu tranh giành tự do, giải phóng dân tộc khỏi ách xiềng xích của thực dân trở thành mục tiêu chân chính thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Suốt 80 năm dân tộc ta đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp để giải phóng đất nước.

Bản tuyên ngôn độc lập đã khẳng định tính rõ ràng và nhất quán quyết tâm giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam đồng thời khẳng định tính tất yếu của sự ra đời của chính quyền cách mạng Việt Nam, thể hiện đúng nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam, thể hiện ý chí độc lập dân tộc của nhân dân: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!"(5).

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập thực sự là một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và trở thành một cuộc đối thoại lớn có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Tuyên bố với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới về việc chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm phong kiến ở Việt Nam, mở ra giai đoạn mới của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ, đồng thời đấu tranh bác bỏ những âm mưu tái chiếm Việt Nam của các lực lượng thù địch đặc biệt là Pháp và Mỹ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế. Tuyên ngôn độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại phá tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do.

Có thể thấy Tuyên ngôn độc lập 1945 đã thể hiện trí tuệ sáng suốt, ý chí nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống kiên cường bất khuất, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa. Bản Tuyên ngôn không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân ta vượt qua những khó khăn thách thức trong mỗi chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Chú thích

Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.3 Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.1, tr.10

3.4.5.   Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.3

Th.s Phạm Hoàng Điệp - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×