Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới

27/06/2022 | 10:14

Ngày 25/6, Diễn đàn Các nhà lãnh đạo du lịch về chủ đề "Du lịch an toàn và Du lịch sinh thái" trong khuôn khổ Hội nghị ngành Du lịch thế giới đã diễn ra tại Ulsan (Hàn Quốc). Đoàn Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu tham dự Diễn đàn.

Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới.

Lan tỏa sự đồng thuận của khách du lịch trên toàn cầu

Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 800 đại biểu gồm: Lãnh đạo ngành du lịch của một số quốc gia bao gồm Maldives, Tây Ban Nha, Iran, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Mông Cổ, Pakistan...; cơ quan quản lý du lịch Ulsan và các thành phố khác của Hàn Quốc; Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, cơ sở đào tạo du lịch và sinh viên ngành Du lịch Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc, ông Song Cheol Ho - Thị trưởng tỉnh Ulsan (Hàn Quốc) cho biết, Hội nghị ngành Du lịch thế giới là sự kiện đầy ý nghĩa, đánh dấu là sự kiện quốc tế đầu tiên do Ulsan đăng cai kể từ sau đại dịch Covid-19. Ulsan là thành phố phát triển về công nghiệp, tuy nhiên giá trị văn hoá và thiên nhiên cũng đầy tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Ông Song Cheol Ho hi vọng sự kiện sẽ quảng bá hơn nữa hình ảnh của du lịch Ulsan tới bạn bè quốc tế và cũng là dịp được nghe nhiều chia sẻ ý nghĩa của các nhà lãnh đạo ngành du lịch, để cùng học hỏi và phát triển. "Chúng ta nên tăng cường hợp tác quốc tế để phục hồi ngành Du lịch thế giới bền vững hơn. Ulsan rất mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, địa phương trong tương lai", Thị trưởng tỉnh Ulsan nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO Harry Hwang cho biết, Ulsan là thành phố giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, năng động phát triển du lịch, đã từng đăng cai Hội nghị của UNWTO về Du lịch Núi. Sự kiện này sẽ là đòn bẩy để Ulsan phục hồi và phát triển du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19.

GS. Kazem Vafadari, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, Diễn giả chính về chủ đề du lịch sinh thái cho rằng, du lịch sinh thái đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, trở thành một công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, đặc biệt với các quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp. Du lịch có thể bền vững khi các điểm đến có thể quản lý được sức chứa du khách; giữ mức tác động của du lịch đến trong mức giới hạn để bảo vệ thiên nhiên địa phương; điểm đến duy trì được sức hấp dẫn đối với du khách; tìm kiếm các "điểm đến thay thế", chủ yếu là các điểm đến thiên nhiên và mang lại lợi ích cho cộng đồng; phục vụ đối tượng khách phù hợp với mục tiêu phát triển.

Theo ghi nhận từ các điểm đến trên thế giới, khách du lịch cộng đồng thường đi thăm các vườn quốc gia và khu vực, những vùng làng quê, nông thôn. Tuy nhiên du lịch sinh thái cũng phải đối mặt với một số thách thức chính như: lợi ích kinh tế vượt khỏi tay của cộng đồng địa phương; thu nhập du lịch không được sử dụng để phát triển lan toả sang những ngành liên quan...

Các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến thách thức trong hợp tác giữa du lịch với các ngành liên quan; đảm bảo an toàn cho du khách; chính sách du lịch sau dịch; các việc cần triển khai khi mở cửa du lịch; giải pháp phát triển du lịch bền vững…

Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới - Ảnh 2.

Diễn đàn thu hút hơn 800 đại biểu đại diện cho du lịch các nước trên thế giới.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, nhằm vượt qua khủng hoảng khí hậu và duy trì hệ sinh thái khử các cacbon, bền vững, các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới. Trong đó các bên nỗ lực đảm bảo tất cả khách du lịch trên thế giới có một môi trường du lịch an toàn; ưu tiên hàng đầu cho khám phá kinh doanh và hỗ trợ du lịch sinh thái; cố gắng bảo tồn môi trường tự nhiên của thiên nhiên; lan tỏa sự đồng thuận của khách du lịch trên toàn cầu đối với du lịch sinh thái, nhân rộng các hành động hàng đầu về du lịch sinh thái…

Bài học phát triển du lịch sinh thái và phục hồi du lịch của các nước

Bộ trưởng Bộ Du lịch Maldives Abdulla Mausoom nhận định, một trong những thách thức mở cửa là hợp tác giữa du lịch và các Bộ ngành liên quan như: Y tế, Ngoại giao, những cơ quan đưa ra quy định xuất nhập cảnh và y tế.

Bộ Du lịch Maldives sau khi mở cửa luôn cũng cấp thông tin minh bạch tới du khách và cam kết đảm vảo an toàn cho du khách; đồng thời quan tâm đến quảng bá du lịch thông qua các phản hồi trên mạng xã hội.

Trong khi đó, bà Giri Adnyani, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia thì cho rằng, cần phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và kiểm soát đại dịch; chuyển dịch trọng tâm từ số lượng khách du lịch quốc tế sang chất lượng du lịch. Chính sách du lịch gắn liền với việc tiêm vắc xin; quản lý sức khoẻ tại điểm đến; chuẩn bị mở cửa biên giới qua việc hợp tác với Bộ Y tế, Ngoại giao, Truyền thông

Đồng thời, phải có các bước chuẩn bị cho việc mở cửa như: Đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm và dịch vụ; nâng cấp cơ sở hạ tầng điểm đến; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi...

Indonesia đã hợp tác với UNWTO xây dựng Hướng dẫn phát triển cộng đồng và hình thành yếu tố chuyển đổi du lịch - phục hồi tập trung vào con người, trong khuôn khổ Năm chủ tịch G20

Chiến dịch du lịch an toàn của Indonesia năm 2022 có chủ đề "Wonderful Indonesia"; 3 tháng đầu năm 2022, Indonesia thu hút 74 nghìn khách du lịch quốc tế, tăng 228% so với 2021.

Thứ trưởng Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng Nepal Toka Raj Pandey cho biết: Đỉnh Everest- Nóc nhà thế giới là một thương hiệu của du lịch Nepal, thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch sinh thái ở Nepal rất phổ biến, nhất là du lịch cộng đồng tại vùng núi và đa dạng sinh học; phát triển mạnh về homestay.

Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới - Ảnh 3.

Thị trưởng tỉnh Ulsan (Hàn Quốc) Song Cheol Ho.

Sáng kiến du lịch sinh thái, cộng đồng ở Nepal được khuyến khích, phát triển ở vườn quốc gia Bardiya, Langtab; bảo vệ hổ thành công; mô hình du lịch cộng đồng ở Annarpunar; chiến dịch Nepal NOW; chiến dịch làm sạch núi từ năm 2021 hợp tác với quân đội Nepal... Mục đích của Nepal khi phát triển du lịch là bảo vệ tự nhiên, giảm tác động biến đổi khí hậu; an toàn cho du khách...

Thứ trưởng Bộ Du lịch Pakistan Afrab-ur-Rehman Rana chia sẻ: Trước Covid, du lịch đóng góp 5,9% vào GDP của Pakistan, với 1,1 triệu khách quốc tế đến. Pakistan có 96% khách du lịch nội địa, chỉ 4% khách du lịch quốc tế.

Sau dịch Covid-19, chiến lược phục hồi của Pakistan được xác định là: Hỗ trợ doanh nghiệp; thích ứng với dịch bệnh và định hướng phục hồi... Nước này vừa xây dựng chiến lược phát triển du lịch và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung phát triển các điểm du lịch thiên nhiên như: núi, du lịch sinh thái và ưu tiên thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp 10% vào GDP, tạo ra 6 triệu việc làm và đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Ông Jaime Alejandre, Trưởng Văn phòng đại diện du lịch Tây Ban Nha tại Nhật Bản và Hàn Quốc thông tin với Diễn đàn: Tây Ban Nha coi du lịch sinh thái, thiên nhiên là một công cụ phục hồi bền vững sau khủng hoảng. Các chính sách và hành động của CP cần có đầu tư đúng tầm và ủng hộ từ tất cả các bên liên quan.

Mục tiêu của nước này là phát triển du lịch bền vững và toàn diện; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương; giảm thiểu tác động xấu của du lịch tới môi trường như giảm rác thải; tăng cường hợp tác công tư...

GS. Kye Sung Ko, Đại học Kangnam (Hàn Quốc) đã giới thiệu một số kinh nghiệm điển hình phát triển du lịch sinh thái tại Hàn Quốc. Đặc biệt là thành phố sinh thái tốt nhất Hàn Quốc Suncheon phát triển du lịch nhưng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với nhiều vàng đai xanh; xây dựng điểm đến xanh, phát triển du lịch sinh thái, bền vững đồng thời vẫn đón được số lượng đông du khách.

Đảo Jeju của Hàn Quốc được công nhận là một trong những điểm đến có "con đường đi bộ ven biển tốt nhất thế giới" và là điểm đến sinh thái tốt nhất Hàn Quốc. Jeju là điểm đến dẫn đầu về hợp tác đa ngành của Hàn Quốc giữa du lịch với văn hoá, hàng không, thể thao, di sản...

Trong khi đó, tỉnh Kangwon của nước này phát triển loại hình du lịch thể thao, leo núi nhờ lợi thế về địa hình và nhiều vườn quốc gia. Kangwon đã xây dựng trung tâm hỗ trợ du lịch sinh thái, mạng lưới cụm du lịch sinh thái gồm: chính quyền, người dân địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, các vườn quốc gia.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×