Tương lai của điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung là xã hội hóa
28/06/2018 | 16:36Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Vương Duy Biên tại hội nghị sơ kết công tác Điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra sáng 28/6 tại Hà Nội.
Từng bước tháo gỡ khó khăn của ngành Điện ảnh
Hội nghị sơ kết công tác Điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Ảnh: Gia Linh
Khái quát tình hình thực hiện công tác Điện ảnh 6 tháng đầu năm 2018, đồng chí Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định: Ngành điện ảnh Việt Nam đang từng bước phát triển, tuy nhiên hiện gặp rất nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2018 đánh dấu nhiều bước thay đổi của Cục Điện ảnh, đặc biệt là công tác tổ chức. Cục Điện ảnh đã thực hiện tốt chủ trương chính sách cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sắp xếp nhân sự, kiện toàn đội ngũ cán bộ nhằm phát huy tối đa năng lực và hiệu quả công việc trong tình hình thiếu hụt bộ máy lãnh đạo.
Cục Điện ảnh đã tháo gỡ một số khó khăn trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng, sản xuất phim, thực hiện giải ngân các dự án phim tài liệu khoa học, hoạt hình quay tư liệu theo kế hoạch đặt hàng Đợt 1 các năm 2016 – 2017, và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt giá Nhà nước đặt hàng sản xuất 03 dự án phim truyện theo kế hoạch đặt hàng Đợt 1 phim truyện năm 2015 – 2017 gồm “Lính Chiến”, “Người yêu ơi”, “Hợp đồng bán mình” và làm các thủ tục liên quan đến việc ký hợp đồng đặt hàng sản xuất với Công ty Cổ phần Phim truyện 1, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và Công ty CP Phim Giải Phóng. Bên cạnh đó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng như: tổ chức chuỗi hoạt động Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, tổ chức các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức thành công các hoạt động quảng bá điện ảnh tại nước ngoài với nguồn kinh phí từ xã hội hóa.
6 tháng đầu năm, số lượng phim truyện do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam thực hiện là 15 phim. Các công ty sản xuất phim tư nhân tích cực đầu tư vốn để sản xuất phim tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài mặt bằng chất lượng phim được nâng lên cao hơn, đồng thời một số phim đạt doanh thu cao trên 100 tỷ. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm điện ảnh do tư nhân sản xuất vẫn mang nặng yếu tố thương mại, giải trí. Đến nay, đã có 478 hãng phim được cấp giấy phép.
Về vấn đề quản lý phổ biến phim, đến ngày 15/6/2018, Cục Điện ảnh đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 99 phim truyện nước ngoài (14 phim truyện nước ngoài không được cấp phép phổ biến), 15 phim truyện video, 2 phim truyện hợp tác với nước ngoài, 05 phim tài liệu nhựa, 11 phim tài liệu kỹ thuật số và 3 phim ngắn.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Chương trình phim Việt Nam tại Ấn Độ; Tham dự Chợ phim Hồng Kông và tổ chức Gian trưng bày của điện ảnh Việt Nam tại chợ phim từ ngày 18 – 21/3/2018; tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Uruguay; phối hợp tổ chức Liên hoan Phim Pháp Ngữ và Tuần phim Argentina tại Việt Nam.
Hiện nay, Cục Điện ảnh đang tích cực chuẩn bị tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V với nguồn vốn xã hội hóa.
Phải không ngừng đổi mới
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Bên cạnh những thành công, bà Ngô Phương Lan chia sẻ, 6 tháng đầu năm, Cục Điện ảnh gặp khó khăn chủ yếu trong việc triển khai đặt hàng sản xuất phim đặt hàng nhà nước các năm 2015, 2016, 2017 và cấp ngân sách đặt hàng sản xuất phim năm 2018.
Khó khăn thứ hai là số lượng phim nước ngoài tăng mạnh và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp phát hành phim. Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTTDL và một số bộ ban ngành liên quan phản ánh việc CJ CGV có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim, phát hành phim Việt Nam không đúng quy định. Tuy nhiên do những vướng mắc về quy định pháp lý nên cho đến nay, vụ việc nói trên không được giải quyết triệt để. Đồng thời, việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam về cạnh tranh thương mại lại không thuộc thẩm quyền của Bộ VHTTDL.
Khó khăn thứ ba là chậm ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn đấu thầu đặc biệt sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Thứ tư là thiếu ngân sách hoạt động đối ngoại và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Điện ảnh là hoàn thiện và trình Bộ VHTTDL trình Chính phủ hồ sơ “Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau khi gửi lấy ý kiến các Bộ, Ngành cơ quan, đoàn thể liên quan; Hoàn thiện và trình Bộ VHTTDL trình Chính phủ “Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”; Đặt hàng và chỉ đạo sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch; tổ chức Chương trình phim Việt Nam tại Hàn Quốc và Canada; Tổ chức thành công Liên hoan phim Hà Nội lần thứ V…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao hoạt động của Cục Điện ảnh. Mặc dù kinh phí rất hạn hẹp và nhiều khó khăn về thủ tục, quy chế, chính sách nhưng ngành Điện ảnh đã thực hiện được rất nhiều việc, từ các liên hoan phim trong nước đến quốc tế, giao lưu hợp tác… Hình ảnh điện ảnh Việt xuất hiện ngày một mực thước và chỉn chu hơn.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của ngành, của công chúng đặt ra với ngành ngày một cao hơn, mục tiêu lớn hơn để ngành phấn đấu. Có hai vấn đề ngành đang vướng, một là vấn đề “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” và thứ hai là Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ở đây, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, và trọng tâm là việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu đổi mới vấn đề đặt hàng. Thứ trưởng gợi ý việc lựa chọn các nghệ sĩ giỏi để đặt hàng, đưa uy tín nghệ sĩ thành thương hiệu làm phim. Vấn đề cuối cùng là có phim hay. Tiếp theo là phải hoàn thiện hệ thống nhân sự lãnh đạo của Cục Điện ảnh.
Không chỉ Cục Điện ảnh phải đổi mới tư duy mà các đơn vị thuộc Cục phải có tư duy mới về kinh doanh điện ảnh như việc liên kết giữa đơn vị sản xuất phim và đơn vị phát hành để vừa huy động trí tuệ của các bên liên quan tạo thành một sản phẩm hấp dẫn, từ đó hai bên cùng phát triển.
Tôi đánh giá cao hoạt động điện ảnh trong công tác đối ngoại, xúc tiến quảng bá du lịch tuy nhiên hiện nay “sức mạnh của điện ảnh” dường như còn bị lãng phí. Sau hiện tượng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dường như không có dự án nào được thực hiện. Tương lai của điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung là xã hội hóa. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải năng động, đổi mới để hội nhập bên cạnh bảo vệ bản sắc điện ảnh Việt. Để thành công cần sự đầu tư đồng bộ, cần cơ chế chính sách, cần tăng cường truyền thông và quảng bá mạnh mẽ trong lĩnh vực điện ảnh, quan trọng nhất là yếu tố con người – Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh./.
Gia Linh