Từng bước chuyển đổi số hoạt động bảo tàng
13/06/2022 | 10:00Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có thể xem là bảo tàng đầu tiên tại TP.HCM thử nghiệm mô hình “bảo tàng ảo”, với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”.
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chia sẻ: “Từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động của Bảo tàng gần như đình trệ, sự kết nối trực tiếp giữa Bảo tàng và công chúng bị gián đoạn và tạm ngừng. Trong một tình huống mà Bảo tàng hoàn toàn chưa từng đối mặt trong hoạt động của mình, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá là vô cùng cần thiết và cấp bách”.
Bảo tàng TP.HCM cho biết, đang trong quá trình thực hiện số hóa không gian, các phòng trưng bày và tài liệu hiện vật. Bảo tàng xây dựng kho dữ liệu trung tâm nhằm tối ưu hóa việc quản lý, cập nhật thông tin và một ứng dụng riêng, nhằm tích hợp các dữ liệu trên mọi nền tảng có sự hỗ trợ của thiết bị thông minh, đa ngôn ngữ…; tiến tới thiết lập cơ sở dữ liệu chung cho việc kiểm soát và đánh giá khách tham quan như: Vé điện tử, hệ thống phản hồi trực tuyến. Theo Giám đốc Bảo tàng TP.HCM Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, “Các bảo tàng đang từng bước triển khai chuyển đổi số trong hoạt động trưng bày cũng như việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhưng một phần hết sức quan trọng đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các bảo tàng ở TP.HCM đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật”.
Đưa công nghệ vào trưng bày như mã QR, máy quét Hologram (thể hiện hình ảnh 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo - VR)… đã có ở các bảo tàng ở TP.HCM, tuy nhiên để gọi là thực sự số hóa thì vẫn mới là những bước đi đầu. Bởi ứng dụng công nghệ một cách toàn diện, không phải bảo tàng nào cũng có nguồn kinh phí để thực hiện, nhất là lượng khách tham quan vẫn chưa bù đắp kịp cho khoảng thời gian gián đoạn vì dịch… Vì thế mà bài toán thiếu tiền, hụt khách là nỗi lo chung của hoạt động bảo tàng tại TP.HCM hiện nay.
Tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng” do Bảo tàng TP.HCM tổ chức mới đây, các đại biểu khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng đối với lĩnh vực bảo tàng, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, về lĩnh vực số hóa di sản là một chủ trương lớn mà ngành chúng ta phải tập trung đầu tư thực hiện trong xu hướng sắp tới. “Hiện nay tại một số di tích, bảo tàng rất tích cực thực hiện quá trình này, họ đã có những sáng kiến rất đáng khích lệ. Các bảo tàng và di tích, khi đứng trước định hướng như thế và trước nhu cầu phát triển của xã hội, việc tương tác về công nghệ là rất cần thiết. Ta phải hiểu rằng số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản. Số hóa trưng bày phải là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ. Quá trình này cần phải nghiên cứu tốt, sản phẩm tốt mới đáp ứng nhu cầu công chúng. Sản phẩm ấy mới đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn và nó cần thích ứng về mặt kỹ thuật, nếu không, số hóa sẽ không còn ý nghĩa”, TS Lý bày tỏ.