Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội
12/06/2021 | 17:50Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực và hiệu quả, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sáng 12/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, Người đã đi xa, những di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá. Đó là Thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo.
Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trọn cả cuộc đời, Người đã rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Thực hiện nêu gương bằng việc làm, hành động cụ thểTrong thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết qua nhiều thời kỳ. Gần đây nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan toả sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chất lượng. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo".
Công tác tuyên truyền với nhiều cách làm sáng tạo, có sức tác động, lan toả mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, có tính giáo dục, răn đe cao, phòng ngừa các sai phạm.
“Những kết quả tích cực trên đây đã góp phần đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đồng thời cho biết, từ trong phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan toả trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Chỉ thị số 05 vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động. Việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; phạm vi, đối tượng còn hẹp, hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao...
Làm tốt 3 nhiệm vụ: Học tập, làm theo và nêu gương
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, phân tích thuận lợi, khó khăn về bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị cần phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghiêm túc, tự giác thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt 3 vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo đó, về học tập Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng và phong cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Thúc đẩy việc học tập Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm. Ai cũng tìm thấy ở đó những chuẩn mực đạo đức cần học tập, cần tu dưỡng, rèn luyện, trở thành nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình.
Qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, làm cho đất nước ngày càng phát triển, dân tộc ngày càng cường thịnh, trường tồn.
Làm theo Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo", hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn, trên nền tảng, kim chỉ nam là tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin trong mọi hành động.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Về nêu gương, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là thực hiện đồng thời, gắn kết việc học tập với làm theo Bác và nêu gương. Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân nơi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hoá tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hoá Đảng, để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong quá trình thực hiện ba nhiệm vụ nêu trên, cần kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trong đó "xây" là cơ bản, chiến lược; "chống" là quan trọng, cấp bách.
Đề cao tinh thần "nói đi đôi với làm", "rèn luyện suốt đời", thường xuyên "tự soi", "tự sửa". Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực; đồng thời khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
“Tôi mong rằng, sau Hội nghị này, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực và hiệu quả, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, phấn đấu đưa nước ta đến giữa thế kỷ XXI, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thực hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ./.