Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

"Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng"

20/07/2019 | 11:30

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là qui luật phát triển của Đảng, là biện pháp cơ bản, thiết thực để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh.

thuong

Ảnh tư liệu

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tự phê bình và phê bình

Trong Di chúc để lại, Người viết: "Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng"(1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một Đảng chân chính phải biết phát hiện sai lầm của mình để sửa chữa và tiến lên. Muốn kịp thời phát hiện sai lầm thì phải thường xuyên tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình cốt là để phát huy ưu điểm, sửa chữa quyết điểm để tư tưởng và hành động được đúng hơn và tốt hơn để làm việc có hiệu quả hơn. Bản chất của tự phê bình và phê bình là vươn tới sự hoàn thiện, là thúc đẩy sự tiến bộ, là hướng tới cái đẹp, vì vậy nó phải được thực hiện:

- Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan và xây dựng.

- Với tâm trong sáng, tấm lòng bao dung và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau

- Dân chủ và công khai.

- Có phương pháp và nghệ thuật.

Với nhân sinh quan rộng mở, Hồ Chí Minh thấy rằng: người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khái khuyết điểm, điều quan trọng là phải mạnh dạn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Người ví việc che giấu khuyết điểm giống như "giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm nguy hiểm đến tính mạng"(2), bởi vậy "thang thuốc" hay nhất là tự phê bình và phê bình, trong đó phải phê bình mình trước rồi phê bình người sau như người xưa đã dạy: Tiên trách kỷ hậu trách nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích của phê bình là nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của Đảng: "Muốn đoàn kết chặt chẽ phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến đoàn kết"(3). Để đạt được mục đích đó thì tự phê bình phải thành khẩn, trung thực và phê bình phải khách quan và có tính xây dựng.

Ở đời, phê bình người khác thì dễ nhưng mạnh dạn công khai tự phê bình là việc làm vô cùng khó khăn, thậm chí là đau đớn vì thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình là sợ mất thể diện, uy tín, địa vị. Điều đó đòi hỏi phải có lòng can đảm, đấu tranh với cái tôi, cái vị kỷ để vượt lên chính bản thân mình. Cũng như vậy, không phải ai cũng dám mạnh dạn nhận khuyết điểm, vui vẻ tiếp thu với thái độ cầu thị khi được người khác phê bình. Thái độ thường thấy là khi bị phê bình cán bộ ta thường tìm cách bao biện cho khuyết điểm của mình hoặc chỉ nhận lỗi qua loa rồi lại "chứng nào tật nấy".

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi phê bình người khác phải thực sự chân thành, đúng mực, có sao nói vậy, không nên "ít suýt ra nhiều". Phê bình phải có tính xây dựng, không lợi dụng phê bình để bới móc, nói xấu lẫn nhau, không phê bình lung tung, hồ đồ vô trách nhiệm: "Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt"(4). Phê bình không chỉ dừng lại ở việc vạch ra khuyết điểm mà còn phải đưa ra biện pháp sửa chữa. Thái độ đúng đắn trong phê bình mà Người nêu ra là "lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ". Phê bình phải sáng suốt, không cực đoan nhưng cũng không xuê xoa vì nếu thiếu kiên quyết hoặc thỏa hiệp với những sai trái thì sẽ đánh mất niềm tin vào lẽ phải, đánh đồng tốt-xấu. Phê bình phải thật sự khách quan, công tâm chứ không phải "yêu nên tốt, ghét nên xấu" để dẫn tới tình trạng cùng phe cánh thì bao che, không cùng phe cánh thì bới móc.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân ta, càng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác chứ không phải đập cho tơi bời"(5). Phê bình chính là để giúp người khác tiến bộ vì vậy khi phê bình phải có tâm trong sáng, có tấm lòng bao dung, biết lắng nghe những ý kiến khác biệt với mình và biết tôn trọng nhân cách người khác. Phê bình là để cho người ta nhận thấy khuyết điểm để sửa chữa chứ không phải chỉ muốn áp đặt ý kiến của mình. Khi phê bình phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân mắc khuyết điểm để đưa ra cách sửa chữa. Tuyệt đối tránh nghi kỵ, định kiến, cố chấp.

Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Càng yêu thương thì càng phải thẳng thắn phê bình, có như vậy mới thực sự giúp nhau tiến bộ. Trong tình đồng chí thương yêu thì phê bình chính là sự tiếp sức cho đồng chí của mình sau một lần vấp ngã. Tránh thái độ đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm như đối với "hổ mang thuồng luồng" hoặc lạnh nhạt, xa lánh, càng không nên sử dụng phê bình như là những thủ đoạn, tiểu xảo để "dìm" nhau, làm mất uy tín của nhau.

Phê bình phải được thực hiện một cách dân chủ, công khai. Muốn dân chủ tốt thì cán bộ phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Thực hiện dân chủ trong phê bình tốt nhất là bằng phương pháp tác động ba chiều từ trên xuống, từ dưới lên, từ ngoài (Đảng) vào: "Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa thì sự phê bình mới hoàn toàn"(6). Phê bình phải công khai, tránh thái độ "trước mặt không nói, soi mói sau lưng" hay " trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng lắm mồm". Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đối tượng của phê bình là công việc chứ không phải là người, để loại trừ những thái độ thù hận, trả đũa hay mặc cảm, đố kỵ.

Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi là thứ "vũ khí thần diệu" để Đảng thường xuyên trong sạch vững mạnh. Muốn sử dụng được thứ "vũ khí" này thì cần phải nắm vững kỹ thuật và cao hơn nữa là phải có nghệ thuật sử dụng. Đó chính là phương pháp và nghệ thuật phê bình. Phương pháp và nghệ thuật phê bình thể hiện ở quan điểm biện chứng trong sự nhìn nhận đánh giá con người (tức là nhìn nhận con người trong sự vận động và phát triển), biết phối hợp một cách hài hòa giữa tình và lý trong hành vi và thái độ ứng xử giữa con người với con người; có khả năng kết hợp giữa cái riêng, cá thể với cái chung, tập thể, xã hội; biết vận dụng qui luật đấu tranh giữa các mặt đối lập đúng - sai, tốt - xấu...

Phương pháp và nghệ thuật phê bình thể hiện từ việc bảo ban, giúp đỡ, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa cho đến đấu tranh phê phán, khi cần mềm dẻo, lúc lại phải kiên quyết. Phương pháp và nghệ thuật ở đây còn thể hiện trong việc tác động vào ý thức tự giác của con người để bản thân họ tự nhận thấy khuyết điểm mà tự giác sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa"(7). Khổng Tử xưa có câu: "Kì sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì không muốn người khác làm với mình thì cũng đừng làm với người". Khi bản thân mình không muốn bị chỉ trích, miệt thị thì cũng đừng làm như vậy với đồng chí của mình. Phê bình phải đi đôi với khen ngợi vì nếu chỉ phê bình sẽ sinh ra bi quan, chán nản.

Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân ra ba thái độ khác nhau về tự phê bình và phê bình:

"Một là, những đồng chí giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác các đồng chí ấy thành khẩn, đối với những người có khuyết điểm nặng mà không chịu sửa chữa thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang.

Hai là, một số người thì phê bình, giáo dục mấy cũng không sửa đổi, "cứ ì ra".

Ba là, một số người có thái độ với người khác thì đúng đắn nhưng tự phê bình thì quá yếu. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những khó khăn khách quan để tự biện hộ. Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất "macxit" nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào "chủ nghĩa tự do", mang "một ba lô chủ nghĩa cá nhân", sợ mất thể diện, mất uy tín"(8).

Người mong muốn các đảng viên " đồng chí nào có khuyết điểm thì cố gắng sửa chữa, các đồng chí khác thì cố gắng giúp đỡ họ sửa chữa. Chúng ta phải thực hiện thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để tiến bộ không ngừng"(9). Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là lời nhắn nhủ tới mọi cán bộ đảng viên chúng ta hôm nay.

Không chỉ giáo dục cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực về tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Chúng ta vẫn còn nhớ, khi phát hiện ra một số sai lầm trong chỉ đạo và thực hiện cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết chỉ đạo sửa chữa, và bản thân Người đã nghiêm khắc tự kiểm điểm: "Vì ta thiếu dân chủ, nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta"(10). Hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ấy đáng để cho tất cả cán bộ, đảng viên chúng ta hôm nay phải suy nghĩ và soi xét lại mình.

2. Thực trạng tự phê bình và phê bình trong Đảng ta hiện nay

Có thể thấy, những năm qua, bên cạnh một số ít cán bộ đảng viên mạnh dạn tự phê bình và phê bình thì thái độ phổ biến vẫn là né tránh hoặc qua loa, hình thức và thường có xu hướng đổ lỗi cho sự hạn chế về nhận thức. Nhiều những vi phạm nghiêm trọng làm thất thoát tài sản rất lớn của nhà nước cũng chỉ nhận khuyết điểm là "hạn chế về nhận thức". Những thái độ như "trông trước ngó sau" nghe ngóng xem người khác nói gì rồi hựa theo, đón ý cấp trên để phê bình cho "trúng"… vẫn thường thấy trong các buổi sinh hoạt Đảng. Nguyên nhân là vì: người thì sợ ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức, đến quyền lợi kinh tế; người thì sợ phê bình người khác rồi họ lại sẽ phanh phui những khuyết điểm của mình; một số người thì chủ trương "dĩ hòa vi quý", "mũ ni che tai", "ngậm miệng ăn tiền"; Có người thì sợ bị trù dập nên nhẫn  nhục chịu đựng, an phận, thủ tiêu đấu tranh…

Một số phần tử cơ hội khác lại lợi dụng phê bình để công kích những người mình không ưa, kéo bè kéo cánh để "giải quyết", "thanh toán", "hạ bệ" nhau gây ra mất đoàn kết nội bộ.

Nhìn chung, những năm gần đây công tác phê bình, tự phê bình vẫn trong tình trạng hình thức nên rất ít hiệu quả. Điều này lý giải vì sao trong rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra nhưng ít được phát hiện trong quá trình tự phê bình và phê bình ở các cấp uỷ Đảng cơ sở mà chủ yếu do tố giác của quần chúng, do các cơ quan nghiệp vụ và báo chí phanh phui.

Giá như chúng ta làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sớm phát hiện kịp thời những sai phạm và kiên quyết sửa chữa, khắc phục thì chắc chắn không xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng và chúng ta cũng không bị mất những cán bộ, đảng viên đã từng là những người có năng lực và phẩm chất tốt, một số đồng chí từng giữ chức vụ cao trong Đảng và Chính phủ.

Để khắc phục được tình trạng trên, trước hết, mỗi đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Phát huy dân chủ thật sự, kiên quyết chống thái độ nể nang, né tránh trước những sai lầm khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên. Cần xử lý nghiêm minh những biểu hiện thành kiến, trù dập người dám phê bình. Cần có những hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người lợi dụng phê bình để đạt mục đích tự tư tự lợi, để gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, để phá hoại Đảng. Tất cả những thái độ trên đây đi ngược lại bản chất của tự phê bình và phê bình.

Hội Nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI cũng đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ quan là do "các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho việc kiểm tra giám sát"(11). Đồng thời, Hội nghị đó nêu ra 4 nhóm giải pháp, trong đó đầu tiên là Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ, đ/c Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đó thẳng thắng kiểm điểm: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó"(12).

Trước đây, cùng với việc tự mình nêu tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về phê bình và tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung vào khâu quyết định nhất đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng thực sự có đức, có tài, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc và thời đại. Đây là một trong những bài học sâu sắc về công tác xây dựng Đảng.

Tiếp thu từ bài học quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Đảng ta thường xuyên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đã cam kết với Ban Chấp hành Trung ương: "Luôn thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân… Thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh. Gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"(13).

Nhân kỷ niệm 50 năm, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắc lại những lời dạy của Người về tự phê bình và phê bình giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng đặc biệt của công tác này trong sinh hoạt Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mạnh mẽ của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Th.s. Phạm Hoàng Điệp
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCH T.Ư Đảng CSVN, HN, 1989, tr 48

2. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 1995. Tập V, tr 233

3. S.đ.d. Tập VIII, tr 387

4. S.đ.d . Tập V, tr 232

5. S.đ.d. Tập X, tr 666-667

6. S.đ.d. Tập V, tr 585

7. S.đ.d. Tập V, tr 244

8. S.đ.d. Tập V, tr 575- 576

9. S.đ.d. Tập X, tr 270

10. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr.334

11. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Báo Vietnamplus.vn,TTXVN, ngày 18/3/2011

12. Bài phát biểu của đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội Nghị TƯ 6, báo Nhân Dân, số ra ngày 16/11/1012

13. Thông báo Hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ khóa XI, báo Nhân Dân số ra ngày 16/11/1012 

.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×