Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
24/11/2021 | 08:00Đúng ngày này cách đây tròn 75 năm - ngày 24/11/1946 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hôm nay ngày 24/11/2021 cũng tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đây được xem là Hội nghị Văn hóa có ý nghĩa lịch sử với nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại.
Ngày 24/11/1946 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tới dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn cùng hơn 200 đại biểu là các nhà văn hóa trên toàn quốc.
Trước đó, vào năm 1943 đồng chí Trường Chinh đã soạn thảo bản "Đề cương văn hóa Việt Nam". Đây được coi là khởi nguồn đường lối cách mạng văn hóa của Đảng. Đảng ta đã khởi thảo nên Đề cương văn hóa Việt Nam, trình bày những quan điểm lý luận đầu tiên về một số vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng nước ta. Quan điểm lý luận trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam này đã thực sự trở thành ngọn đuốc trí tuệ cách mạng sáng ngời, soi đường dẫn lối cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, cho sự nghiệp cách mạng nước ta vượt qua khó khăn gian khổ, tiến tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Sau đó, Đảng ta đã nhanh chóng thành lập Hội Văn hóa cứu quốc - một tổ chức văn hóa, văn nghệ rộng rãi thu hút, tập hợp, động viên những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước và cách mạng.
Ngày 24/11/1946 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và có bài phát biểu dài 40 phút. Người tha thiết mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hãy học tập cái hay của văn hóa Đông – Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Tại Hội nghị này, Người đã khẳng định: Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và tự chủ.
Ngày 16 /7/1948 Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính thức khai mạc tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác – Lên nin và văn hóa Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Nhiều Hội nghị thi đua ái quốc đã được triển khai ở các ngành, các giới, các cấp, từ Trung ương xuống địa phương.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức được coi là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Mục tiêu của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa ở Việt Nam.
Ngay trước ngày khai mạc hội nghị này (ngày 15/71948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng. Trong thư có đoạn Người nhấn mạnh: "Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế".
Ngày 24/11/2021, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đây được xem là một ngày hội lớn, một "hội nghị Diên Hồng" của toàn ngành Văn hóa. Đặc biệt, năm 2021 là năm đất nước của chúng ta có rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng như: Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030; Đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước; Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất ngày 24/11/1946. Bên cạnh đó, đây là năm mà tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế có những biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen. Đất nước ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nhất là từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã gây ra cho đất nước chúng ta nhiều thiệt hại rất lớn, ngành VHTTDL bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, đến Nghị quyết Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, các chương trình hành động cụ thể của Chính phủ cùng sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân thì đến thời điểm này chúng ta đã từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước vào giai đoạn thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch bệnh. Chúng ta đang có cơ hội làm tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Đặc biệt, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Sẽ có 600 đại biểu tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng thêm.
Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong cả ngày, với sự tham dự của Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị sẽ bàn về các nội dung: Tổng kết những kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cũng như các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại phiên buổi chiều, Hội nghị sẽ bàn bạc về nhiệu nội dung như: Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật Ngành VHTTDL giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Để văn hóa, văn nghệ "soi đường cho quốc dân đi".../.