TS. Lê Đăng Doanh: Cần có quy định về mặt pháp lý rõ ràng hơn nữa đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt
25/06/2019 | 10:44TS. Lê Đăng Doanh nhận định như vậy xung quanh câu chuyện sản phẩm mang thương hiệu Việt.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Bizlive)
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, những năm gần đây, người tiêu dùng trong nước gần như ít hứng thú với sản phẩm ngoại hơn trước, thay vào đó là sự ủng hộ và tin tưởng vô cùng lớn cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Những ngày này, báo chí đang thông tin rầm rộ về vụ việc Công ty Asanzo nhập hàng điện tử từ Trung Quốc nhưng lại giả danh "đội lốt hàng Việt". Về việc này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, láng giềng của chúng ta là một đất nước kinh doanh thương mại từ rất lâu đời, cho nên việc các sản phẩm của họ được chuyển sang Việt Nam và lắp ráp tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu đã diễn ra từ khá lâu.
Gần đây, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sau khi bị đánh thuế thì số lượng những doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam tăng vọt hẳn lên.
Về Công ty Asenzo, đơn vị này từ một công ty rất nhỏ đã nổi lên trở thành một công ty rất lớn và hoạt động nhiều lĩnh vực, rồi được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Công ty này đã dán nhãn hiệu này lên sản phẩm để bán hàng và số lượng tivi họ bán ra rất lớn.
Vấn đề ở đây là việc sử dụng các linh kiện để lắp ráp và việc đây là nhãn hiệu hàng Việt Nam được xác định chính xác như thế nào? Tôi nghĩ cần phải có quy định về mặt pháp lý rõ ràng hơn nữa.
"Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp, vào cuộc của công an kinh tế, thanh tra phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ làm rõ xem Asanzo có gian lận thương mại, "đội lốt" hàng Việt Nam trốn thuế, lậu thuế hay có những hành vi vi phạm pháp luật hay không?", TS. Lê Đăng Doanh nói.
Trước đây, vụ việc một thương hiệu sản phẩm lụa rất lớn của Việt Nam là Khải Silk cũng đã từng bị "bóc phốt" là hàng Trung Quốc "đội lốt hàng Việt", ông Lê Đăng Doanh cho rằng, trường hợp Khải Silk thì đã quá rõ ràng, họ bóc nhãn hiệu Trung Quốc và dán nhãn mác Việt Nam.
Còn trong trường hợp Công ty Asanzo, việc xác định nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đến đâu thì cần phải xác minh làm rõ thêm. Nếu chứng minh được họ bóc nhãn mác Trung Quốc để dán mác Việt Nam đè lên như báo chí đã nêu thì khi đó mới kết luật Asanzo sai phạm. Điều này rõ ràng là rất đáng lên án.
Ông Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh, cần phải có sự rà soát để tránh những hành vi này gây tác hại cho nền kinh tế của chúng ta.