Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động thư viện
23/07/2025 | 11:50Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số được coi là động lực mới cho hoạt động thư viện. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn đòi hỏi các thư viện nhận diện, sớm loại bỏ những khó khăn, tận dụng các cơ hội, ưu điểm nổi bật của công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Không đứng ngoài xu hướng đó, thời gian qua, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội- với vai trò là một trường đào tạo hai ngành thông tin - thư viện và quản lý thông tin đã và đang có sự đầu tư, chuẩn bị nguồn lực kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Toà nhà Trung tâm Khoa học Thông tin Thư viện của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Về hạ tầng công nghệ, Nhà trường đã được tiếp nhận dự án xây dựng tòa nhà Trung tâm Khoa học Thông tin Thư viện hiện đại với hệ thống quản lý thư viện tích hợp (ILS). Đây là nền tảng cơ bản cho hoạt động thư viện số. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp hệ thống ILS để quản lý toàn bộ các nghiệp vụ thư viện từ bổ sung, biên mục, lưu thông cho đến quản lý bạn đọc và thống kê báo cáo. Hệ thống này hỗ trợ quản lý cả tài liệu in và tài liệu số. Hạ tầng mạng kết nối không dây và máy chủ đồng bộ tốc độ cao, hệ thống mạng ổn định, băng thông rộng và các máy chủ đủ mạnh để lưu trữ dữ liệu số để phục vụ cho việc truy cập tài nguyên số và các dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra còn có thiết bị scan chuyên dụng tự động tốc độ cao cho việc số hóa tài liệu giấy, đảm bảo chất lượng hình ảnh và khả năng nhận dạng ký tự (OCR) để tài liệu có thể tìm kiếm được.
Với các trang thiết bị công nghệ được đầu tư mới hiện đại, Trường đã và đang phát triển nền tảng thư viện số riêng để lưu trữ, tổ chức và phục vụ các tài liệu số như: luận văn, luận án, bài giảng điện tử, tài liệu nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Đồng thời tính an toàn và bảo mật cho dữ liệu số cũng được coi là yếu tố quan trọng, đặc biệt khi các tài liệu số đang ngày càng gia tăng.

Ngoài việc số hóa các bộ sưu tập truyền thống, Trung tâm Thông tin Thư viện của trường đã chủ động tiếp cận các đầu mối cung cấp cơ sở dữ liệu toàn văn nổi tiếng như: ScienceDirect, SpringerLink, IEEE Xplore, ProQuest... đồng thời đề xuất đăng ký các cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến, các tạp chí điện tử, sách điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thư viện cũng chủ động hướng dẫn và khuyến khích người dùng khai thác các nguồn tài nguyên mở chất lượng cao trên internet để bổ sung cho các tài liệu có bản quyền.
Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, Trung tâm Thông tin Thư viện của Trường cũng rất chú trọng đến công tác phát triển năng lực của nguồn nhân lực hiện tại. Trung tâm đã thường xuyên tổ chức hoặc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin; sử dụng và quản lý các hệ thống thư viện số, phần mềm số hóa, quản trị cơ sở dữ liệu; kỹ năng nghiệp vụ số như: biên mục tài liệu số, quản lý tài nguyên điện tử, cung cấp dịch vụ thư viện trực tuyến; kỹ năng hỗ trợ người dùng như hướng dẫn, tư vấn người dùng khai thác hiệu quả tài nguyên số và các dịch vụ mới; kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong môi trường số.
Đối với Khoa Thông tin Thư viện, với vai trò là đơn vị đào tạo, Khoa Thông tin - Thư viện của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã và đang điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, tăng cường các môn học về công nghệ thông tin, quản trị thông tin, quản trị tri thức, thư viện số, phân tích dữ liệu, truyền thông số... để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính thư viện trường và cho toàn ngành.

Chuyển đổi không gian thư viện thành các không gian học tập đa chức năng, tích hợp công nghệ, có khu vực làm việc nhóm.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đẩy mạnh, sáng tạo, đổi mới dịch vụ và không gian thư viện nhằm tạo môi trường đọc hiện đại, thân thiện và tối ưu nhất cho người đọc. Trung tâm Thông tin Thư viện của Trường đã phát triển các dịch vụ trực tuyến như: đăng ký thẻ thư viện trực tuyến, yêu cầu mượn/trả sách trực tuyến, gia hạn sách qua mạng, tư vấn trực tuyến… đồng thời, chuyển đổi không gian thư viện thành các không gian học tập đa chức năng, tích hợp công nghệ, có khu vực làm việc nhóm, khu vực sáng tạo (các thiết bị đa phương tiện) để khuyến khích sự hợp tác và đổi mới; tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc số như các buổi giới thiệu sách được lưu lại dưới dạng điện tử, workshop về kỹ năng tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, các cuộc thi trực tuyến.
Có thể thấy, để thực hiện chuyển đổi số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội không chỉ tập trung vào đầu tư công nghệ mà còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đổi mới các hoạt động và dịch vụ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng trong môi trường số. Đây là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm Thông tin Thư viện và các đơn vị trong Trường. Cùng với đó là sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, giảng viên Nhà Trường nhằm thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số thư viện, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị tri thức và xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối với sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội./.