Trường Đại học TDTT Đà Nẵng và những nỗ lực xây dựng, phát triển ngành TDTT của Đất nước
26/06/2018 | 15:30Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp cho ngành, khẳng định vai trò tiên phong, sứ mệnh của cánh chim đầu đàn trong nền TDTT Việt Nam.
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, tiền thân là trường Trung học TDTT Trung ương III, được thành lập ngày 13/12/1977, được nâng cấp thành trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng năm 1997 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng ngày 25/4/2007. Đến ngày 21/2/2008, theo Quyết định số 720/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trường được đổi tên thành Trường Đại học TDTT Đà Nẵng.
Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học TDTT Đà Nẵng. (Nguồn: Trường ĐH TDTT Đà Nẵng)
Khẳng định vai trò tiên phong trong nền TDTT Việt Nam
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã đứng trước nhiều thử thách. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, học sinh, sinh viên, nhà trường đã từng bước vượt qua khó khăn, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đất nước.
Sau khi được nâng cấp thành trường đại học, trường đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục duy trì nề nếp dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Trường đã hình thành mục tiêu chung theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giảng viên và cán bộ nghiệp vụ theo hướng chuẩn hoá về mặt chức danh, trình độ đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, chú trọng nâng cao năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cho cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.
Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan đơn vị, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng tiếp tục duy trì qui mô đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý điều hành, đa dạng các ngành đào tạo và mở ngành đào tạo sau đại học, tiếp tục hợp tác quốc tế nhằm trao đổi đào tạo và nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn. Phấn đấu xây dựng trường Đại học TDTT Đà Nẵng thành một cơ sở đào tạo, một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, lĩnh vực thể dục thể thao và quản lý thể dục thể thao đạt chất lượng chuẩn quốc gia, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Sau 5 năm trường được nâng cấp thành trường Đại học, công tác tổ chức quản lý nhà trường đã triển khai quản lý theo hệ thống chất lượng ISO 9001:2008 do tổ chức BSI đánh giá và công nhận năm 2011 và hiện nay tiếp tục triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả trong công tác quản lý của trường. Với những nỗ lực không ngừng đó, hơn 90% sinh viên của trường ra trường có việc làm ổn định và được các trung tâm tiếp nhận đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả làm việc.
Nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo
Hơn 40 năm thành lập, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng thực sự là một cơ sở đào tạo đa ngành trong lĩnh vực TDTT, gồm nhiều bậc đào tạo từ Cử nhân đến Thạc sỹ, với cả hệ chính quy và hệ không chính quy.
Từ năm 2007, nhà trường triển khai đào tạo 01 ngành và 12 chuyên ngành đào tạo áp dụng cho các bậc đào tạo. Năm 2012 mở thêm 01 mã ngành (Quản lý TDTT). Năm 2013, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tuyển sinh đào tạo thạc sĩ ngành Giáo dục thể chất. Năm 2014, trường mở thêm 01 mã ngành (Huấn luyện thể thao). Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo đã lập đề án xin mở ngành đào tạo tiến sỹ vào năm 2017. Hình thức đào tạo của Trường phong phú phù hợp với nhu cầu của người học.
Nhà trường đã thành lập khoa Tại chức và Sau đại học nhằm tổ chức và triển khai đào tạo độc lập, ổn định và hiệu quả, áp dụng chương trình đào tạo của hệ chính quy làm cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo hệ không chính quy, đảm bảo khối lượng kiến thức cũng như chất lượng đào tạo, tiến tới áp dụng chung chuẩn mực đánh giá kết quả học tập môn học của học viên.
Giai đoạn 2007 – 2017, quy mô tuyển sinh bình quân hàng năm là 3.060 sinh viên, tăng gần 2 lần so với bình quân hàng năm giai đoạn 1997-2007. Với việc mở ra các ngành, chuyên ngành đào tạo mới và duy trì tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm lên từ 5 - 10% trong giai đoạn 2008-2013. Việc mở rộng quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được cải thiện qua từng năm học, tỷ lệ sinh viên giỏi, khá các bậc đào tạo tăng hàng năm giai đoạn này.
Nhà trường đã chú trọng công tác xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, xuất bản nhiều giáo trình mới. Hoạt động thông tin, phổ biến khoa học về lĩnh vực TDTT đã được tăng cường; Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh rõ rệt, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của giảng viên, gắn công tác nghiên cứu khoa học với giảng dạy đại học và sau đại học. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn, giai đoạn 2007-2017, đã nghiệm thu 660 đề tài, Khóa luận tốt nghiệp do sinh viên thực hiện, trong đó đã lựa chọn được nhiều đề tài có chất lượng để tham gia các Hội thảo cấp ngành thuộc các trường đại học thuộc khối ngành TDTT.
(Nguồn: Trường ĐH TDTT Đà Nẵng)
Cùng với việc đẩy mạnh công tác chuyên môn, Nhà trường đã thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học và viện nghiên cứu của nhiều nước trong khu vực. Trường đã ký kết hợp tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học với 05 trường ở Trung Quốc (Học viện Thể thao Thượng Hải, Học viện Thể thao Vũ Hán, Đại học Thể thao Bắc Kinh, Học Viện Thể thao Thẩm Dương và Học Viện Thể thao Đại học Sư phạm Quảng Tây); 02 trường ở Anh Quốc (Đại học Hartpury, Đại học Đông Luân Đôn); 01 trường ở Thái Lan (Đại học Tổng hợp Srinakharinwirot).
Công tác hợp tác quốc tế về đào tạo của Trường đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động đào tạo của Trường thông qua việc góp phần xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy.
Xây dựng và phát triển ngành TDTT của Đất nước trên tầm cao mới
Chặng đường 10 năm từ ngày nâng cấp thành trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã đánh dấu nhiều bước thay đổi quan trọng về chất của nhà trường. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đó, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì (năm 2007), hạng nhất (năm 2012) cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và thành phố Đà Nẵng cho tập thể cán bộ, viên chức, sinh viên nhà trường.
(Nguồn: Trường ĐH TDTT Đà Nẵng)
Diện mạo của trường Đại học TDTT có được ngày hôm nay là sự đóng góp công sức của rất nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia quản lý, giảng dạy và học tập tại trường.
Nhiều tấm gương sinh viên ưu tú đã tô điểm thêm bảng vàng thành tích của trường, trong đó có thể kể tên: Nguyễn Đắc Khánh Linh (sinh năm 1993), sinh viên lớp 5K – Võ thuật, khóa Đại học 5; Trần Minh Sang, sinh viên lớp 6N – Thể thao giải trí, khóa Đại học 6 là những sinh viên xuất sắc tiêu biểu của Trường Đại học TDTT Đà Nẵng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị học sinh sinh viên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch,…
Phát huy những thành tích đã đạt được, đến năm 2020, Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng tiếp tục xác định sứ mệnh: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo và chủ động công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao; thực hiện nghiên cứu khoa học góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế”.
Mục tiêu đến năm 2020, trường sẽ đổi mới tổ chức bộ máy theo mô hình các phòng, khoa, viện khoa học, các trung tâm dịch vụ; phát triển trở thành cơ sở đào tạo đại học, sau đại học có uy tín, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao; Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý có chuyên môn cao; Đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ mọi hoạt động của trường; Triển khai các chương trình đào tạo bắt kịp trình độ giáo dục đại học trong khu vực và tiếp cận xu thế phát triển giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới; Có năng lực cạnh tranh cao và thích ứng hội nhập toàn cầu.
Với sứ mệnh và mục tiêu đã đặt ra, trong giai đoạn tới, Đại học TDTT Đà Nẵng sẽ không ngừng nỗ lực và sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành TDTT của đất nước.
Cổng TTĐT