Trùng tu để di tích "sống"
26/03/2021 | 08:06Có lẽ người ta quên mất một điều, di tích chỉ “sống” được khi nó có một “sức khỏe” thực thụ theo đúng nghĩa. Và việc thực hành văn hóa tín ngưỡng, đôi khi, còn quan trọng hơn việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị vật chất.
Thêm một lần nữa, một di tích lại khiến dư luận phải xôn xao khi tự cho phép mình “khoác áo mới” sau quá trình trùng tu, tôn tạo. Câu chuyện di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) có thể xem như một sự nối dài cho những bức xúc, thậm chí là phẫn nộ của rất nhiều người: Ai? Vì sao lại được phép ứng xử như vậy với di tích? Và rồi, cánh cổng đình cũ mòn theo thời gian, hoen gỉ, gãy bản lề, gia cố chằng chịt dây thép… đã được lắp đặt trở lại chỉ sau hơn 1 ngày tháo dỡ. Đình Tây Đằng trở về nguyên trạng, như nó vốn có.
Ứng xử với di tích - câu chuyện nói dài, nói mãi, song, bảo đã có một cái nhìn thực sáng rõ cho vấn đề này hay chưa, thì có lẽ chưa. Trùng tu, tôn tạo di tích - như thế nào mới là đúng, là hài hòa, là không can thiệp thô bạo? Câu hỏi vẫn khiến rất nhiều người phải trăn trở, suy tư, để rồi cứ trở đi trở lại sau mỗi cuộc trùng tu không như ý.
Theo một thống kê được Viện Bảo tồn di tích công bố, nước ta có khoảng hơn 3.400 di tích đã được xếp hạng, trong đó có rất nhiều địa danh vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là thiết chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Có nghĩa là, việc ứng xử với di tích, cách thức bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích cũng phải rất khác nhau, dựa trên những góc nhìn khác nhau, chứ không thể cứ áp một công thức máy móc chung cho tất cả.
Thời gian qua, sau nhiều trường hợp di tích bị biến dạng, thậm chí bị hủy hoại vì trùng tu, tôn tạo, nhiều người cảm thấy dần mất niềm tin, dẫn đến tâm lý có phần cực đoan khi cho rằng: “trùng tu là phải giữ nguyên trạng”; là “không được phép có bất cứ sự thay đổi nào”. Điều này đúng với nhiều trường hợp, nhưng không có nghĩa là tất cả.
Với những công trình dạng chứng tích lịch sử (như các phế tích thành cổ, đền, tháp…) hay nói cách khác là những công trình không còn đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống đương đại mà chỉ mang giá trị về mặt tinh thần, thì rõ ràng việc giữ gìn đảm bảo sự nguyên trạng phải được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, ngay cả việc “nới” thêm cho nó những công trình bổ trợ như là nhà vệ sinh, hay trạm dừng nghỉ để phục vụ khách du lịch… cũng là điều khó chấp nhận.
Song, với những công trình vẫn đang phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, có nghĩa là gánh trong mình 2 trọng trách - vừa là di tích, vừa là công trình văn hóa công cộng, thì có lẽ yêu cầu “trùng tu phải giữ nguyên trạng” xem ra có phần khiên cưỡng. Bởi di tích một khi đã tham gia vào đời sống xã hội thì bất cứ sự mất an toàn nào, từ việc bong tróc, mối mọt cho đến cả những xuống cấp nặng nề như nguy cơ sụp đổ, thì việc tu bổ, thậm chí là tu sửa, thay thế, bổ sung… cũng là điều cần thiết và là một nhu cầu tất yếu.
Nhớ lại câu chuyện nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) từ hơn 1 năm trước. Khi hay tin “ngôi thánh đường” hơn trăm tuổi này buộc phải phá bỏ để xây mới, dư luận sục sôi, ngăn trở. Rất nhiều lý lẽ đã được đưa ra, rằng không thể ứng xử thô bạo với một công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử tầm cỡ như vậy, rằng nhà thờ thuộc giáo phận Bùi Chu nhưng cũng là tài sản quốc gia, nên dù nền móng có sụt lún, cấu trúc gỗ, mái có mục ruỗng, sập đổ trực chờ… cũng không thể có chuyện “nói bỏ là bỏ”.
Có lẽ người ta quên mất một điều, di tích chỉ “sống” được khi nó có một “sức khỏe” thực thụ theo đúng nghĩa. Và việc tiếp nối di sản phi vật thể là những thực hành văn hóa tín ngưỡng, đôi khi, còn quan trọng hơn việc bảo tồn di sản vật chất. Tiếc nuối, xót xa, thậm chí khó chấp nhận, song âu cũng là việc chẳng đặng đừng khi mà sự xuống cấp của công trình được đánh giá là đã đến mức báo động và ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến cả tính mạng con người.
Vậy nên, chỉ nên xem “tính nguyên trạng” như một ưu tiên quan trọng trong quá trình trùng tu, tôn tạo thay vì coi đây là một tiêu chí bắt buộc đối với mọi trường hợp. Bởi sau tất cả, điều còn lại vẫn là những giá trị cốt lõi, là những thông điệp ẩn chứa bên trong mà không thời gian nào có thể xóa nhòa dấu tích.
Di tích “phải sống”! Đó là điều cốt lõi của trùng tu.