Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trung Quốc: công nghệ blockchain giúp "lật mặt" vi phạm bản quyền tác giả trên Internet

29/11/2019 | 11:01

Công nghệ blockchain được coi là một giải pháp hiệu quả nhằm đối phó với vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung trên mạng Internet.

Các tòa án mạng Internet Trung Quốc đang tăng cường sử dụng công nghệ blockchain để bảo vệ các tác giả và nhà sáng tạo nội dung. Động thái này chủ yếu đem lại lợi ích cho các tác giả đang xuất bản tác phẩm của họ trên mạng Internet và phải đối mặt với những vấn đề trong việc bảo vệ bản quyền hợp pháp của mình do những khó khăn khi thu thập chứng cứ vi phạm.

Công nghệ blockchain hiện đã bước đầu giải quyết được vấn đề thu thập chứng cứ cho các nhà sáng tạo nội dung ở Hàng Châu – thành phố thủ phủ tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Khi các nhà văn đăng tải tác phẩm văn học hoặc bài viết của họ lên một nền tảng dữ liệu dựa trên công nghệ blockchain, nền tảng này sẽ tự động sản sinh ra một chuỗi hoặc giấy thông hành điện tử cho nội dung đó.

Trung Quốc: công nghệ blockchain giúp "lật mặt" vi phạm bản quyền tác giả trên  Internet - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: getty images)

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, Phó Chủ tịch Tòa án Internet Hàng Châu Wang Jiangqiao giải thích, công nghệ blockchain lưu giữ các dữ liệu liên quan như thời gian, địa điểm và nhân dạng của người sáng tạo nội dung. Do dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã, nó sẽ giúp các tác giả bảo vệ sản phẩm của mình khỏi nạn vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền một cách hiệu quả hơn.

Trong thực tế, một phần không nhỏ các bài viết Trung Quốc trên mạng Internet giờ đây đều bao gồm một dấu hiệu ghi rõ "được bảo vệ bởi blockchain".

Tòa án Internet Hàng Châu là một trong ba toàn án tại Trung Quốc chuyên xử lý các sự vụ tranh chấp liên quan tới thương mại điện tử, hợp đồng trực tuyến và vi phạm bản quyền trên Internet. Năm ngoái, Tòa án Internet Hàng Châu đã bắt đầu vận dụng nền tảng blockchain vào công tác tìm kiếm chứng cứ.

Với thẻ căn cước điện tử cho các tác phẩm văn học của mình, các tác giả có thể dễ dàng đòi lại các quyền lợi trong Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPR). Khi xảy ra tranh chấp, họ có thể trao các dữ liệu blockchain cho tòa án như là bằng chứng. Cho tới nay, chủ sở hữu trí tuệ thường phải trả một chi phí không nhỏ để bảo vệ các quyền của mình, liên quan tới công chứng, định giá của tòa án và khởi kiện vv.

Ngay cả khi nhà sáng tạo nội dung nhận được đền bù, số tiền có thể sẽ không đủ để chi trả cho quá trình đòi lại quyền sở hữu trí tuệ theo phương pháp truyền thống.

Internet là một thế giới ảo nơi dữ liệu có thể dễ dàng bị can thiệp. Điều này khiến việc xác nhận tính xác thực của tác phẩm trở nên khó khăn hơn. "Tuy nhiên, dữ liệu trên nền tảng blockchain được chống can thiệp, có thể theo dõi được và có thể xác nhận được; ngoài ra nó có thể giúp lưu giữ các chứng cứ để xử lý các tranh chấp IPR trên Internet", ông Gao Fuping, đến từ Trường Bản quyền thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Pháp Đông Trung Quốc nói với Tân Hoa xã.

Các tòa án Internet tại Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu đều đã bắt đầu ứng dụng công nghệ blockchain. Nền tảng blockchain tại Tòa án Hàng Châu hiện thu thập được 2,1 tỷ đoạn dữ liệu kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo Tân Hoa xã, hồi tháng 8/2019, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã quyết định xây dựng một nền tảng blockchain tư pháp thống nhất, nhằm kết nối tất cả các tòa án, văn phòng công chúng và trung tâm giám định trên toàn quốc.

Đầu tháng 10, một tòa án ở Thiệu Hưng, Triết Giang đã lần đầu tiên tuyên án hình sự tại Trung Quốc dựa trên các chứng cứ được công nghệ blockchain lưu giữ.

Minh Đức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×