Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

“Trục lợi từ tín ngưỡng: Cần kịp thời chấn chỉnh”

27/03/2019 | 20:19

Trước những biểu hiện lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, khiến cho hoạt động tâm linh đang ngày một trở nên xô bồ, phản cảm và buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc, phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nhằm “giải mã” và bàn cách chấn chỉnh những hiện tượng nêu trên.

“Đừng biến tâm linh thành tấm áo cho sự mê muội”

Phóng viên: - Thưa nhà nghiên cứu, vừa qua, vụ việc báo chí phát hiện Ba Vàng – ngôi chùa lớn ở Quảng Ninh có tổ chức hoạt động “thỉnh vong giải nghiệp”, thu số tiền lớn của người dân đã khiến dư luận hoang mang lo lắng về những hoạt động tâm linh trong các ngôi chùa hiện nay. Ý kiến của ông về sự việc này như thế nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Về sự việc chùa Ba Vàng vừa qua, theo quan điểm của tôi đây là hoạt động có tổ chức, có sắp xếp, cố ý trộn lẫn các tôn giáo, tâm linh để truyền bá mê tín cho đông đảo người dân.

Thứ nhất, khái niệm “vong” không phải là phạm trù của Phật giáo, mà là của Đạo giáo, Nho giáo, mang ý nghĩa chỉ ma quỷ. Trong Phật giáo chỉ đề cập “nghiệp”, mang tính giáo dục rất cao. Khái niệm “nghiệp” trong Phật giáo vận động liên tục không ngừng, nên không thể có chuyện “cắt nghiệp”. “Nghiệp” trong Phật giáo được sinh ra từ cuộc sống, được chia thành “nghiệp tốt” và “nghiệp xấu”. Quan điểm của Phật giáo về nghiệp là tích nhiều “nghiệp tốt” để lấn át “nghiệp xấu”.

Còn theo như những gì mà báo chí phản ánh tại chùa Ba Vàng, rõ ràng họ đang truyền bá một thứ mê tín dị đoan, và mục đích thu lợi. Hiện tượng này cũng có ở một số chùa chiền và cơ sở thờ tự khác trong những năm gần đây. Theo tôi, đó là một “mối họa sâu xa” cần phải xem xét giải trừ, vì nó tác động rất lớn đến số đông dân chúng và tiềm ẩn nhiều nguy hại với nền tảng đạo đức xã hội.

Phóng viên: - Vâng, có ý kiến cho rằng đây chính là “thương mại hoá tâm linh”. Ông lý giải như thế nào giữa nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và những phát triển theo xu hướng lệch lạc, phản cảm?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: - Tôi cho rằng hai chữ “tâm linh” ở một góc độ, hiện tượng không nhỏ trong xã hội hiện nay đã trở thành “tấm áo khoác” quá rộng mà người ta bỏ vào trong đó tất cả những gì thiêng liêng, có giá trị, nhưng cũng có cả sự mê tín và mê muội. Điều này dẫn đến việc người ta nhắc đến hai chữ “tâm linh” với tất cả sự thành kính nhưng lại không phân biệt rạch ròi được sự mê tín trong đó. Thậm chí có người còn lợi dụng hai chữ “tâm linh” để trục lợi, trong số đó không chỉ có những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng mà còn có cả những người làm khoa học.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 16 hình thức tôn giáo, và hàng nghìn lễ hội, trong đó có những những nơi thờ tự, những lễ hội được làm rất nghiêm trang, trật tự, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng của người dân.

Nhưng cũng có những nơi xảy ra hiện tượng lộn xộn, tranh giành, đặc biệt là những nơi tập trung thu hút đông người. Theo tôi, đó chính là mặt trái của các hoạt động cầu cúng, lễ hội, vốn là những hoạt động tinh thần tốt đẹp của chúng ta.

Có thể thấy hiện tượng quá tải, xô bồ đang xảy ra ngày một nhiều hơn, thường xuyên hơn tại nhiều cơ sở thờ tự, cầu cúng, nhiều hoạt động mang danh nghĩa tâm linh nhưng có sự biến tướng, phản cảm.

“Trục lợi từ tín ngưỡng: Cần kịp thời chấn chỉnh” - Ảnh 1.

Chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh.

Phóng viên: - Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng trên?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: - Trước đây những sự kiện như phát lộc, cướp phết, cướp hoa tre... chỉ diễn ra ở trong khuôn khổ một cộng đồng dân cư nhỏ, thuộc một tổng, trong phạm vi một làng với sự tham gia của người dân nơi đó, và thường biết nhau hết. Do đó, khi tham gia các hoạt động, họ chỉ hướng đến sự thiêng liêng, tín ngưỡng là chính và không xảy ra hỗn loạn, tranh giành. Nhưng bây giờ, do sự thuận lợi của thông tin, của giao thông, nhiều người tham gia mà phần lớn không biết nhau cũng dễ dẫn tới sự hỗn loạn, tranh giành, và có thể xảy ra bạo lực.

Nguyên nhân nữa, theo tôi là do mặt trái của kinh tế thị trường tạo ra sự đảo lộn giá trị. Hiện nay, do nhiều người đề cao giá trị về kinh tế, về vật chất bỏ qua các giá trị khác như sự hiểu biết, sự tôn trọng lẫn nhau, hay sự tự do, hướng đến sự bình yên...

Nhưng một nguyên nhân quan trọng là vai trò của người tổ chức các hoạt động cầu cúng, lễ hội. Người tổ chức đặt mục đích hướng đến lợi ích của cá nhân, nhóm hay địa phương mình, việc tổ chức các hành vi, hoạt động tâm linh này chỉ nhằm mục đích thu lợi, điều đó khiến việc tuyên truyền những lý lẽ phi văn hóa và các quy tắc tín ngưỡng, lấn át các giá trị tốt đẹp, thậm chí trục lợi tín ngưỡng.

Vai trò quản lý hết sức quan trọng

Phóng viên: - Thưa nhà nghiên cứu, ông vừa lý giải một phần nguyên nhân để xảy ra hiện tượng phản cảm trong hoạt động tâm linh. Phải chăng đã đến lúc nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa các hoạt động tại các cơ sở thờ tự?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: - Theo tôi mọi tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lễ hội cần phải đặt trong một thiết chế nhà nước cụ thể, cần sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan văn hóa. Thậm chí, cần phân biệt rạch ròi những ngôi chùa, đền mọc lên với mục đích hành đạo và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân với những ngôi chùa xây lên với mục đích thu lợi kinh tế. Nếu đã là hoạt động kinh doanh có thu lợi thì cần có sự quản lý chặt chẽ, trong đó phần thu lợi cũng cần nộp thuế bình đẳng như bất kỳ hoạt động kinh doanh sản xuất nào khác.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá đã kịp thời đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh ở những nơi có hiện tượng lộn xộn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, cần một sự khảo sát tổng thể để kịp thời chấn chỉnh trước khi quá muộn.

Với những vấn đề liên quan văn hóa nói chung, cần phải có nghiên cứu kỹ càng dài hơi để đưa ra những chính sách quản lý phù hợp. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải bảo tồn được những giá trị truyền thống tốt đẹp và phát triển được những giá trị đó trong thời kỳ hiện tại. Một trong những mục tiêu bảo tồn và phát huy đó là để phục vụ lợi ích của người dân theo hướng nhân văn hơn, phù hợp với thời đại hơn. Và quan trọng, trước hết truyền thông và giáo dục phải làm sao để người dân ngày càng nâng cao nhận thức, bồi đắp tri thức về khoa học kỹ thuật, hiểu biết và vững vàng để giảm đi sự mê tín, tin vào các thế lực siêu nhiên một cách hoang đường, mù quáng.

Phóng viên: - Trở lại với sự việc chùa Ba Vàng vừa rồi, nhiều người có ý kiến rằng, đó chỉ là “giọt nước tràn ly”, hiện tượng đó xảy ra không chỉ ở một ngôi chùa và cũng không chỉ mỗi một hiện tượng, còn nhiều điều biến tướng, phản cảm cần các cơ quan quản lý vào cuộc. Vậy theo ông, vai trò của các cơ quan quản lý cần được thể hiện như thế nào trong các vấn đề liên quan đến hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: - Tôi cho rằng thời gian qua, trước những hiện tượng mà báo chí, nhân dân phản ánh, các nhà quản lý đã vào cuộc rất kịp thời, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình.

Thí dụ, việc nhà quản lý “tuýt còi” những sự kiện để xảy ra hỗn loạn như lễ hội cướp phết Hiền Quan vừa qua, tôi cho là hành động đúng đắn, kịp thời. Khi không kiểm soát được mức độ biến tướng theo hướng tiêu cực của các lễ hội thì chúng ta buộc phải dừng lại.

Việc cấm, dừng hoạt động những hoạt động văn hóa tâm linh bị biến tướng không hề làm mai một đi những giá trị văn hoá truyền thống, mà đây chính là xác định rõ sự cần thiết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đó.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội khi đặt trong dòng chảy văn hoá đều mang những giá trị nhất định, và chúng ta cần bảo tồn những giá trị này. Để bảo tồn trước hết cần nghiên cứu kỹ, đọc hết kinh sách, lý thuyết, phải hiểu mới bảo tồn được, không phải cứ để một số người núp bóng hành nghề tôn giáo tín ngưỡng rồi truyền bá vô tội vạ, thiếu căn cứ, dẫn đến niềm tin lầm lạc cho nhân dân là có tội.

Tôi cho rằng, vai trò của nhà quản lý đối với những hiện tượng “lệch chuẩn” tại các sự kiện, lễ hội là hết sức quan trọng. Chúng ta vừa tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân nhưng cũng không được “buông", cần được giám sát chặt chẽ và kịp thời chấn chỉnh ngay khi có sự sai trái, lệch lạc. Vì những hoạt động này liên quan đến đời sống tinh thần, tư tưởng, đạo đức xã hội. Hơn thế nữa, mọi hoạt động liên quan đến đời sống tinh thần của xã hội cần được đặt dưới một thiết chế quản lý rõ ràng, minh bạch thì sẽ ngăn ngừa được những phát tác có hại. Nếu chúng ta lơ là, thậm chí dung túng, thì đến lúc sẽ trở thành nguy hiểm cho nền tảng đạo đức xã hội.

Phóng viên: - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo TRỊNH DŨNG – TUYẾT LOAN/ Báo Nhân dân

.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×