Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

18/06/2012 | 00:43

(VP) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" được Bộ VHTTDL xây dựng với các nội dung chính như sau: Đánh giá về thực trạng bóng đá Việt Nam trong những năm qua, một số thành tựu chính đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; Phân tích bối cảnh và những thách thức đối với sự phát triển bóng đá ở nước ta trong những năm tới; Nêu các quan điểm, mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển của bóng đá Việt Nam. Dự thảo chiến lược đưa ra 5 quan điểm phát triển, 6 mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu phát triển cụ thể trong các giai đoạn từ 2012-2020 và từ 2021-2030.

Các nhiệm vụ chính, bao gồm 8 nhiệm vụ: Nâng cao thành tích bóng đá ở cấp độ đội tuyển; Quy hoạch đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên bóng đá trẻ; Phát triển bóng đá chuyên nghiệp; Nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia và các giải khác trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia; Phát triển bóng đá phong trào; Phát triển bóng đá Futsal, bóng đá bãi biển; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá; Phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo tổ chức thi đấu bóng đá thành tích cao và hoạt động bóng đá phong trào.

Các giải pháp thực hiện chiến lược: Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý về bóng đá; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bóng đá trong môi trường chuyên nghiệp lành mạnh; kiên quyết phòng, chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu bóng đá; Tăng cường các hoạt động hợp tác, hội nhập với bóng đá quốc tế; Các giải pháp về tài chính.

Tổ chức thực hiện chiến lược: Phân kỳ các giai đoạn thực hiện Chiến lược: dự thảo Chiến lược chia thành 2 giai đoạn thực hiện (giai đoạn 2012-2016 và giai đoạn 2016-2020); tương ứng với mỗi giai đoạn là các nhiệm vụ trọng tâm và các chương trình, dự án trọng điểm cần phải tổ chức triển khai. Riêng đối với các nhiệm vụ, chương trình, dự án của giai đoạn 2021-2030 chưa được đề cập trong dự thảo Chiến lược do giai đoạn trên chỉ có tính định hướng. Phân công tổ chức thực hiện: đề xuất phân công nhiệm vụ triển khai chiến lược cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Theo Tờ trình, Bộ VHTTDL cũng giải trình việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan. Theo đó, dự thảo “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được triển khai xây dựng từ tháng 3/2011. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ VHTTDL đã nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các Câu lạc bộ bóng đá tham dự giải vô địch quốc gia, các Câu lạc bộ bóng đá hạng Nhất, các Trung tâm bóng đá, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao. Sau khi hoàn thiện, dự thảo đã được gửi đi lấy ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công an Quốc phòng, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, dự thảo Chiến lược đã được đăng tải để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, người hâm mộ bóng đá tại trang thông tin điện tử của Tổng cục Thể dục thể thao. Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức 02 cuộc hội thảo chuyên gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà báo, cựu danh thủ bóng đá vào nội dung dự thảo chiến lược.

Sau khi gửi văn bản xin ý kiến, Bộ VHTTDL đã nhận được ý kiến tham gia của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Tư pháp.

Các Bộ: Công an, Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng Chiến lược và bố cục, nội dung chính của Chiến lược.

Một số ý kiến đóng góp của các Bộ, liên quan tới đánh giá thực trạng, kiểm điểm sâu sắc những hạn chế của bóng đá Việt Nam, xem xét tính khả thi của một số chỉ tiêu được nêu trong Chiến lược, quan điểm đầu tư của nhà nước đối với bóng đá, việc xây dựng các học viện bóng đá... đã được Bộ VHTTDL tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển bóng đá là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm đáp ứng sự kỳ vọng, quan tâm của toàn xã hội. Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự động viên, cổ vũ của quần chúng nhân dân, người hâm mộ bóng đá cả nước, bóng đá Việt Nam đã có sự phát triển, bước đầu đạt được một số thành tựu, trở thành môn thể thao đi đầu trong tiến trình xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa thể thao ở nước ta. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bóng đá Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành cũng như tổ chức các hoạt động bóng đá. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam cho thấy những lúng túng trong việc định hướng phát triển và trong xác lập các mô hình, cơ chế quản lý mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải kiện toàn bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động bóng đá cũng như xây dựng các chiến lược, quy hoạch tổng thể nhằm định hướng cho sự phát triển lành mạnh, vững chắc của bóng đá trong những năm tới.

HCTC
(Nguồn Tờ trình số 101/TTr-BVHTTDL)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×