Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Triển khai Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030: Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ

11/12/2021 | 08:08

Triển khai Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng, một giải pháp quan trọng là cần chăm lo sự phát triển, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Triển khai Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030: Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc Ảnh: TR. HUẤN

“Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian…”, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhìn nhận.

Nghệ sĩ và thách thức tự đổi mới

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân: “Càng bước tới trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh của toàn cầu hóa, cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới, nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Trong đó, gian nan nhất chính là cuộc lột xác, tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng, không tự bán mình cho muôn thứ cám dỗ của cơ chế thị trường…”.

Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, những thành tựu văn học nghệ thuật đạt được chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. “Nền văn học nghệ thuật chưa phản ánh được sinh động và đầy đủ thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong hầu hết các lĩnh vực không có hoặc chỉ có rất ít các công trình và tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại; chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả là làm ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ và văn hóa soi lối, dẫn đường cho cộng đồng xã hội trong việc kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ…”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thẳng thắn.

Bên cạnh đó, nền văn học nghệ thuật nước nhà đã tỏ ra bỡ ngỡ, lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường “kháng thể văn hóa” của dân tộc, khiến cho việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài bị sa vào xô bồ.

Giới văn nghệ sĩ cũng chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng nêu trên. Một trong những biểu hiện đó là tình trạng lớp trẻ say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật tivi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố lớn thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ... Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

“Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Những nhân tài, những sáng kiến, những sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng…”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gẫy về sự kế tục. Hiện nay đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện để tiếp cận với những tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới… “Phải chăng vì vậy mà văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng đang hiếm có khó tìm những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tác như trước đây. Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ, tài năng một cách trầm trọng…”, bà Mùi chia sẻ.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, PGS.TS, nhà phê bình Bùi Thị Thanh Mai (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) nêu, những thuận lợi của toàn cầu hóa đã giúp nghệ sĩ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với nghệ thuật hậu hiện đại thế giới. Song bên cạnh đó, thói quen về tư duy của phần đông nghệ sĩ lại cản trở những tiếp nhận về tư tưởng triết học, các lý thuyết nghệ thuật tiền đề cho những đột phá sáng tạo đỉnh cao. Mỹ thuật Việt Nam còn nhiều bất cập về tính chuyên nghiệp và tìm tòi sáng tạo để có những tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng cao đối với những vấn đề lịch sử của đất nước, chưa có nhiều khám phá về ngôn ngữ tạo hình và chất liệu, khai thác đề tài, thẩm mỹ và sức biểu cảm.

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030, lĩnh vực văn học nghệ thuật có nhiều “sứ mệnh” đặc biệt quan trọng, trong đó, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ cần phải được khơi dậy, phát huy.

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai cho rằng, trong các giải pháp phát triển mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách thì rất quan trọng là nguồn nhân lực sáng tác, thị trường mỹ thuật và quảng bá, kết nối mỹ thuật Việt Nam với quốc tế.

Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh giải pháp khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm phim, góp phần giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc. Theo đó, Hội Điện ảnh cho rằng cần nâng cao chất lượng sáng tác và hiệu quả hoạt động hỗ trợ sáng tác theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, loại bỏ dần yếu tố nghiệp dư, lấy chất lượng tác phẩm làm thước đo hiệu quả hoạt động sáng tác.

Phân tích các nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực, đồng thời nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang cần “bảo vệ khẩn cấp”…

Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng nêu đề xuất, kiến nghị về chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ: “Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian…”.

Hơn 80 năm trước nhà thơ Xuân Diệu viết: "Cơm áo không đùa với khách thơ". Ngày nay sống trong nền kinh tế thị trường, cơm áo không chỉ "đùa" mà còn nhiều khi "đùa" rất ác, mà là ác thật với giới văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả "cái nợ áo cơm", mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…

(Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ĐỖ HỒNG QUÂN)

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×